Chùa vàng Swedagon ở Yangon
Chùa Shwedagon là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng trên thế giới, là niềm tự hào và cũng là chốn linh thiêng bậc nhất trong số những ngôi chùa ở Myanmar. Theo sử liệu, chùa Shwedagon có lịch sử khoảng hơn 2.500 năm (trước khi Phật qua đời), còn các nhà khảo cổ cho rằng chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X.
Quần thể Chùa Vàng Shwedagon gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 99m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Toàn bộ tòa tháp được dát một lớp vàng ròng ở bên ngoài, được gắn vào thân tháp bằng đinh tán. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn tháp được dát hơn 8600 lá vàng, còn nửa trên là hơn 13.000 lá vàng.
Ngôi chùa vàng Swedagon lung linh trong đêm. Ảnh: vietnamairline
Đỉnh tháp có hình vương miện, được nạm hàng nghìn viên kim cương, ruby, sapphire và các loại đá quý khác, cùng 1065 chiếc chuông nhỏ bằng vàng. Shwedagon đã trở thành một điểm đến thu hút rất đông khách du lịch đến thăm quan, lễ phật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của chùa.
Hòn đá vàng Golden Rock
Golden Rock nằm cách Yangon hơn 200 km luôn hấp dẫn du khách khi đến xứ sở này bởi sự "kỳ lạ" của hòn đá được dát bằng vàng nằm ở độ cao 1.100 m. Tảng đá có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch dù chỉ tiếp xúc với ngọn núi vẻn vẹn 78 cm2.
Người Myanmar giải thích sự bền vững này là nhờ thần Tawadeintha đã dùng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi. Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá và nằm cách Golden Rock khoảng 300m để giữ hòn đá không rơi.
Cận cảnh hòn đá vàng Golden Rock. Ảnh: kuriositas
Vì vậy người dân nơi đây rất tin vào sự linh thiêng, thường quỳ lạy và ôm hôn hòn đá. Họ tin rằng điều đó sẽ giúp họ trở nên giàu có, thịnh vượng. Với nhiều du khách, được ngắm hoàng hôn và đón bình minh, ngắm hòn đá cheo leo trên vách núi là một điều thú vị. Trong bóng chiều, Golden Rock trở nên lung linh và huyền ảo.
Chùa vàng Shwezigon ở Bagan
Bagan là khu vực tập trung rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga, đồ sộ, có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp Phật giáo vĩ đại trên thế giới. Bagan có tới hàng nghìn ngôi chùa tháp và phần lớn các công trình kiến trúc ấy đã bị hủy hoại, hiện chỉ còn lại khoảng vài trăm ngôi chùa, tháp và các phế tích. Shwezigon là ngôi chùa Vàng lớn thứ hai ở Myanmar, được xây dựng từ thế kỷ 12 và cũng có cấu trúc chùa tháp lộng lẫy giống như chùa Swedagon.
Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện và cũng là mô hình tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này. Nhìn từ xa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ linh thiêng toát ra từ kiến trúc kiên cố, tháp trên cùng hình trụ được thếp vàng, đặt trên ba tầng tháp vuông.
Chùa Ananda
Bên cạnh chùa Shwezigon, Bagan còn có chùa Ananda, một trong những ngôi chùa đẹp nhất có lối kiến trúc độc đáo, tinh xảo nhất, bền vững nhất và được bảo quản tốt nhất tại Bagan. Ananda được xây dựng vào cùng khoảng thời gian thế kỷ 11 - 12. Đây là minh chứng cho một thời kỳ vàng son của vương quốc Bagan dưới sự trị vì của đức vua Tilinman vĩ đại.
Điểm ấn tượng nhất của ngôi chùa này là bốn bức tượng Phật cao hơn 10 m được dát vàng nằm ở bốn hướng. Trong đó, hai bức tượng Phật nguyên bản dát vàng ở phía Bắc và phía Nam thể hiện mỗi sắc thái biểu cảm của khuôn mặt khi ngắm nhìn ở mỗi khoảng cách khác nhau, khi rất nghiêm khắc, khi lại phảng phất nỗi buồn, nếu lùi xa chút nữa lại thấy vẻ tươi tắn của Đức Phật.
Ngoài ra, chùa Ananda còn chứa đựng 1.442 bức phù điêu tinh xảo mô tả cuộc đời của Đức Phật từ lúc sinh ra, lớn lên, đắc đạo và lên cõi niết bàn. Với lễ hội được tổ chức hàng năm vào tháng 11, chùa Ananda đang trở thành nơi hành hương của nhiều tín đồ Phật giáo thế giới.
Cầu Ubein ở Mandalay
Ngắm hoàng hôn trên cầu là một địa điểm luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Lam Linh
Ngoài chiêm ngưỡng những ngôi chùa dát vàng đẹp lộng lẫy ở đất nước Phật giáo linh thiêng này, bạn nên đến thăm cầu Ubein ở làng cổ Amarapura. Nằm tại ngoại ô cố đô Mandalay, cây cầu gỗ dài nhất thế giới U Bein nối liền hai bờ của sông Taungthamna là địa điểm quen thuộc của người dân địa phương và các tín đồ Đạo Phật đến ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn.
Cây cầu gỗ bắc ngang sông đã gần 200 tuổi là đường về nhà của những người dân làng Amarapura, con đường hành hương của các vị sư... Bạn sẽ chẳng thể nào quên nếu một lần được ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên cây cầu ấn tượng này.