Đây là một trong những sự kiện âm nhạc (concert) quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng. Chất lượng âm thanh, ánh sáng và sân khấu được đầu tư kỹ lưỡng… khiến người hâm mộ Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung hết sức mong chờ vào đêm diễn.
Trong chương trình tối 14/12, từ 18h30 đến khoảng 23h30, dàn nghệ sĩ hát hơn 40 bài, đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ sôi động đến hoài niệm. Suốt concert, các “gai con” liên tục nhảy, hát, reo hò cổ vũ dàn nghệ sĩ. Tình cảm của người xem tạo nên sự cộng hưởng, chất xúc tác, giúp các nghệ sĩ trên sân khấu "cháy" hết mình.
Sân khấu vượt tầm quốc tế, dàn dựng công phu
Không cần chờ đến giờ diễn, sức nóng của sự kiện đã bùng nổ ngay từ khi nhà sản xuất tung ra đoạn clip 3D giới thiệu sân khấu. Những hình ảnh về sơ đồ chỗ ngồi, lối di chuyển, khu vực VIP đến từng chiếc ghế bọc đệm kỹ lưỡng được công bố sớm, cho thấy sự tỉ mỉ và chuyên nghiệp hiếm thấy trong khâu tổ chức. Đội ngũ sản xuất không chỉ đầu tư về mặt quy mô mà còn đặt trải nghiệm của khán giả lên hàng đầu – một bước tiến lớn trong việc nâng tầm chất lượng concert tại Việt Nam.
Bước chân vào không gian của concert, khán giả như lạc vào một thế giới âm nhạc đầy màu sắc. Sân khấu tại Hưng Yên đã được nâng cấp một cách đáng kinh ngạc so với phiên bản trước đó, với diện tích mở rộng hơn 30%. Mọi góc cạnh của sân khấu đều được chăm chút tỉ mỉ, từ hệ thống ánh sáng hiện đại, màn hình LED khổng lồ cho đến những đạo cụ sân khấu độc đáo. Sự đầu tư kỹ lưỡng này đã tạo nên một không gian biểu diễn hoành tráng, xứng tầm với một sự kiện âm nhạc quy mô lớn.
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cùng giám đốc âm nhạc SlimV đã biến concert thành một lễ hội nghệ thuật thực thụ. Từ kịch bản đến dàn dựng đều trơn tru, cảm xúc khán giả được dẫn dắt tự nhiên qua từng màn trình diễn. Chỉ trong 5 giờ đồng hồ, BTC concert đã tạo ra hàng loạt khoảnh khắc đắt giá, khiến khán giả không thể rời mắt.
"Từ miền Nam ra Bắc mang theo tâm tình của Dạ cổ hoài lang"
Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" không chỉ là một đêm nhạc, mà còn là một dịp để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
NSND Hữu Quốc đã chia sẻ những cảm xúc chân thành sau khi cùng Nhà Mứt Gừng thể hiện ca khúc "Dạ cổ hoài lang". Bài hát không chỉ là một tác phẩm âm nhạc, mà còn là tâm hồn của người Nam Bộ, là đại diện cho những giá trị văn hóa truyền thống. Việc được mang "Dạ cổ hoài lang" ra Bắc và nhận được sự yêu mến của khán giả là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với một nghệ sĩ cải lương như ông.
Không chỉ dừng lại ở những giai điệu ngọt ngào của 'Dạ cổ hoài lang' và "Tình anh bán chiếu" mang đậm hồn quê Nam Bộ, các anh trai còn đưa khán giả đến với miền Trung mộng mơ qua ca khúc "Mưa trên phố Huế". Âm thanh của chiếc sáo trúc ngân nga cùng tiếng mưa rơi trên phố Huế đã gợi lên bao kỷ niệm đẹp. Bên cạnh đó, những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh với "Đào liễu" và dân ca Bắc Bộ với "Trống cơm" cũng góp phần làm nên bức tranh âm nhạc đa sắc màu. Khán giả như được đi một vòng quanh đất nước, khám phá vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống ba miền.
Hàng ngàn bạn trẻ trong tà áo dài, áo the truyền thống với những giọt nước mắt lăn trên má, những cái ôm siết chặt, những tiếng hò reo vang vọng... đồng thanh hát theo những làn điệu dân ca, chèo, cải lương, vọng cổ, reo hò khi Chiếc Khăn Piêu vang lên, nghẹn ngào khi NSND Hữu Quốc cất tiếng trong "Dạ Cổ Hoài Lang". Đó là những khoảnh khắc mà âm nhạc trở thành cầu nối, kết nối những trái tim yêu nước. Lúc ấy, hai từ "Việt Nam" vang lên thật sự đầy sức mạnh và hào sảng cùng sự phản hồi mạnh mẽ từ thế hệ trẻ với niềm yêu các giá trị truyền thống.
Trong không khí sôi động của concert, khán đài như vỡ òa khi những giai điệu hào hùng của "Niềm tin chiến thắng" vang lên. Cả sân vận động như cùng hòa nhịp, hát vang lời ca về niềm tin và sự đoàn kết. Khoảnh khắc tất cả các nghệ sĩ cùng nhau xuất hiện trên sân khấu, dưới nền cờ đỏ sao vàng tung bay, đã tạo nên một không khí thật sự bùng nổ. Tiếng hô vang "Cùng gửi lời chúc tới đội tuyển Việt Nam nào mọi người ơi!" của Tuấn Hưng như thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng mỗi khán giả.
Sự lan tỏa chóng mặt của những ca khúc và màn trình diễn trong concert đã chứng minh sức hút bất tận của âm nhạc xưa. Khán giả, dù thuộc thế hệ nào, vẫn luôn tìm kiếm những giai điệu quen thuộc, những ca từ ý nghĩa để kết nối với quá khứ và tìm thấy chính mình trong đó. Chính sự kết nối tài tình giữa các bài hát đã tạo nên một trải nghiệm âm nhạc đầy cảm xúc, khiến khán giả không thể nào quên.
Ai có thể ngờ rằng, giữa một thế giới giải trí đầy ồn ào và sôi động, lại có một không gian nơi hàng chục nghìn bạn trẻ cùng nhau hòa mình vào những làn điệu dân ca cổ truyền? Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã tạo nên một hiện tượng bất ngờ khi chứng kiến sự yêu thích nồng nhiệt của giới trẻ đối với vọng cổ, chèo và cải lương. Đó không chỉ là một buổi biểu diễn âm nhạc, mà còn là một thông điệp đầy ý nghĩa về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chính NSND Tự Long đã chia sẻ sự xúc động của mình khi chứng kiến thế hệ trẻ ủng hộ văn hóa dân tộc trong đêm nhạc: “Giá trị truyền thống chính là giá trị của sự kết nối. Đừng vội nói rằng thế hệ trẻ không yêu dân tộc, không yêu truyền thống. Họ yêu rất nhiều!”.
Mặc dù còn một số điểm hạn chế trong khâu tổ chức, nhưng không thể phủ nhận, “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho live concert tại Việt Nam. Kết hợp giữa âm nhạc, văn hóa và tính giải trí, chương trình không chỉ là thành công về mặt tổ chức mà còn là biểu tượng của sự vươn lên trong ngành công nghiệp âm nhạc nội địa. Và điều ý nghĩa nhất chính là sự hồi đáp từ thế hệ trẻ - những người sẵn sàng hát lên niềm tự hào về văn hóa dân tộc, mang giá trị truyền thống lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.