Sức hút của "Anh Trai Say Hi" và "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai"
"Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" và "Anh Trai Say Hi" là hai chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đang làm mưa làm gió tại Việt Nam. Mỗi chương trình có phong cách riêng, với "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" dành cho các nam nghệ sĩ giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, diễn xuất và thể thao, còn "Anh Trai Say Hi" mang không khí tươi trẻ bởi các nghệ sĩ trẻ, thậm chí là lần đầu tiên tham gia truyền hình thực tế. Với cách tiếp cận đa dạng và phong phú, cả hai đã nhanh chóng thu hút lượng lớn người hâm mộ ở mọi lứa tuổi.
Các concert được tổ chức tại TP.HCM của hai chương trình đã minh chứng cho sức hút khủng khiếp này. Đêm nhạc đầu tiên của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vào ngày 19/10 đã quy tụ 32 nghệ sĩ và dàn khách mời, tất cả được đầu tư kỹ lưỡng từ âm thanh, ánh sáng đến vũ đạo, dàn dựng. Anh Trai Say Hi, không hề kém cạnh, đã tổ chức hai concert vào các ngày 28/9 và 19/10, thu hút hơn 78.000 khán giả tham gia trực tiếp.
Khi các chương trình công bố tổ chức thêm các buổi concert tại Hà Nội, khán giả vẫn đổ dồn về không hề suy giảm. Đêm nhạc thứ ba của Anh Trai Say Hi sẽ được tổ chức tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 7/12, tiếp theo là concert thứ hai của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vào ngày 14/12 tại Vinhomes Ocean Park 3.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định, bên cạnh sức ảnh hưởng từ mạng xã hội, chính chất lượng chương trình và sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng là những yếu tố tạo nên sức hút mạnh mẽ cho cả hai chương trình. "Việc cháy vé là điều dễ hiểu khi cả hai chương trình này đã được phổ biến rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook, Threads... Mỗi nghệ sĩ cũng có kênh truyền thông riêng để giao lưu với người hâm mộ, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền để đến tận nơi thưởng thức", ông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.
Sự đầu tư quy mô của hai chương trình cũng đã nâng tầm tổ chức các sự kiện giải trí tại Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về các chương trình "made in Vietnam" với chất lượng quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Long còn nhấn mạnh: "Trước đây, giới trẻ muốn xem concert của ngôi sao quốc tế phải bỏ tiền sang Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore, tốn kém nhiều chi phí. Giờ đây, việc có những chương trình chất lượng cao tổ chức tại Việt Nam cho thấy ngành công nghiệp biểu diễn nước nhà đã đạt đến một đẳng cấp mới, thu hút giới trẻ quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ".
Cuộc chiến săn vé quyết liệt
Không chỉ dừng lại ở sức hút truyền thông, hai chương trình còn mang đến một cuộc chiến săn vé vô cùng gay gắt. Đợt mở bán vé cho concert của Anh Trai Say Hi vào ngày 7/11 đã chứng kiến 50.000 người đổ dồn vào Ticketbox để tranh nhau từng tấm vé, với mức giá từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Chỉ sau 45 phút mở cổng đăng ký, các hạng vé đã hết sạch, khiến ban tổ chức phải mở thêm đợt bán chính thức vào 12h trưa cùng ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng, tất cả các vé đã bán hết.
Ngày 12/11, khi Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai mở bán vé cho concert tại Hà Nội, trang Ticketbox đã sập ngay lập tức do lượng truy cập quá đông. Mặc dù sau 10 phút hệ thống truy cập trở lại bình thường, nhưng lượng người xếp hàng vẫn lên đến hơn 160.000 người. Trong 40 phút, các hạng vé có mức giá từ 800.000 đồng đến 8 triệu đồng đã bán hết sạch.
Nhiều người hâm mộ, bất chấp khó khăn, đã thuê cả quán internet để đảm bảo tốc độ truy cập cao hơn nhằm giành lấy tấm vé quý giá. Một số người chia sẻ rằng “Quán nét full máy toàn Gai Con, vừa phải cầu nguyện vừa phải săn vé concert”. Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều người vẫn thất bại do phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các bot tự động - công cụ mà các tay đầu cơ sử dụng để giành lấy lượng lớn vé ngay khi mở bán.
Theo báo cáo của Imperva, 83,4% lưu lượng truy cập vào các trang bán vé sự kiện trên toàn cầu là từ các bot tự động. Những bot này được thiết kế để vượt qua các lớp bảo mật và mua vé hàng loạt với tốc độ vượt xa khả năng của người mua thật. Điều này đã tạo nên áp lực lớn lên những người hâm mộ chân chính, khiến họ phải xếp hàng chờ đợi rất lâu mà vẫn không mua được vé.
Theo TechWire, với mỗi đợt mở bán vé, các bot thường sử dụng chiến thuật "3 giai đoạn":
- Ở giai đoạn đầu, bot liên tục rà soát các trang web bán vé, các mạng xã hội. Nhờ đó, chúng xác định thời điểm mở bán và các sự kiện sắp tới. Chúng còn có thể tạo ra hàng loạt tài khoản giả nhằm tối đa hóa cơ hội mua vé.
- Sau đó, để đảm bảo có thể mua số lượng lớn vé mà không bị phát hiện, các bot sử dụng mạng proxy để lẩn tránh các rào cản, vượt qua những bước kiểm tra an ninh như CAPTCHA, tạo ra các yêu cầu từ nhiều địa chỉ IP khác nhau và mua ngay khi có cơ hội.
- Cuối cùng là thanh toán tự động. Các bot thanh toán bằng nhiều phương thức, tài khoản và thẻ tín dụng khác nhau để tránh bị phát hiện.
Vì tạo ra khối lượng giao dịch lớn, những bot tự động này có thể khiến hệ thống bán vé dễ quá tải, thiếu ổn định và gặp lỗi kỹ thuật. Do đó, khán giả chân chính phải chờ đợi rất lâu và đôi khi không mua được vé.
Vé chợ đen đẩy giá cao, fan đối mặt nhiều khó khăn
Vấn nạn vé chợ đen đã đẩy người hâm mộ vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Khi vé chính thức đã hết sạch, những người muốn tham gia concert của Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai buộc phải tìm đến vé chợ đen, nhưng không ít trường hợp bị đội giá lên rất nhiều, thậm chí tăng gấp 8 lần. Các tay đầu cơ lợi dụng tình trạng vé khan hiếm để trục lợi từ người hâm mộ, gây khó khăn cho những fan thực sự mong muốn có mặt tại đêm diễn.
Với giá chênh lệch từ vài trăm đến vài triệu đồng so với giá gốc, không ít người hâm mộ đã phải chấp nhận mua vé từ phe vé chợ đen để không bỏ lỡ sự kiện. Anh Dương Minh Hải, một fan của chương trình cho biết: "Thực sự nản khi vé đã khó mua, lại còn đội giá lên gấp nhiều lần. Đã xếp hàng rồi mà còn bị lừa nữa".
Bên cạnh đó, hiện tượng lừa đảo trên các nền tảng bán vé trực tuyến cũng ngày càng gia tăng. Chị Nguyễn An chia sẻ, "Mua online sợ scam quá, không biết đến hôm đấy ra sân concert có ai bán vé không". Điều này khiến người hâm mộ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mua vé chợ đen.
Nhiều fan của hai chương trình hiện đang kêu gọi nhau tẩy chay vé chợ đen và không mua lại từ các tay đầu cơ. Một số nghệ sĩ như Quân A.P cũng khuyến cáo người hâm mộ không nên mua vé qua kênh không chính thức để tránh rủi ro "tiền mất tật mang". Nhiều ý kiến cho rằng ban tổ chức và các nền tảng bán vé như Ticketbox nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, từ việc yêu cầu đăng ký thông tin chính chủ cho từng vé đến việc mở thêm đợt bán vé chính thức nhằm giảm tình trạng đầu cơ, bảo vệ quyền lợi của khán giả và giúp người hâm mộ dễ dàng sở hữu vé hơn.