Quán Cầm và những bản tình ca xưa

30/10/2024

Nằm khiêm tốn ở góc hành lang nhỏ trong một ngôi nhà cổ xây dựng từ thời Pháp thuộc, Quán nhạc Cầm mang trong mình vẻ đẹp của sự giản dị và xưa cũ, là nơi để lắng nghe những giai điệu trữ tình đã đi qua bao thế hệ. Cầm không chỉ là một quán cà phê, mà còn là nơi để vị chủ nhân tạo nên một không gian âm nhạc riêng tư, nơi lưu giữ và lan tỏa những bản tình ca da diết.

Khởi đầu từ đam mê âm nhạc hoài cổ

Quán nhạc Cầm do anh Minh và một người bạn lập nên vào năm 2017, khởi đầu đơn giản với bốn chiếc bàn nhỏ và số vốn vỏn vẹn năm triệu đồng. Đối với Minh, Cầm không chỉ là một quán cà phê bán đồ uống mà còn là nơi anh có thể sống trọn với đam mê âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc xưa.

Minh kể, trước đây, vào các tối thứ Sáu, anh thường được bạn bè mời hát ở nhiều tụ điểm khác nhau, nhưng đôi khi lại bị yêu cầu dừng lại. Chính điều đó đã thôi thúc anh mở ra không gian riêng để có thể tự do hát những bài hát mình yêu thích, không còn phải kiềm chế hay giới hạn bởi bất kỳ ai. Vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, quán lại tổ chức “Đêm Cầm Ca”, nơi những tiếng hát, bản tình ca tự do vang lên, lắng đọng trong lòng người nghe.

Bài liên quan

Anh Minh chia sẻ, tên gọi "Cầm" mang theo cảm hứng từ phòng trà “Lục Huyền Cầm” của cặp đôi nhạc sĩ Lê Uyên Phương – một biểu tượng của dòng nhạc Việt đầy chất thơ và cảm xúc trong thập niên 70. Với Minh, "Cầm" không đơn thuần là tên gọi, mà còn là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là cách để lưu giữ âm hưởng của một thời kỳ nhạc Việt rực rỡ. "Tôi muốn mỗi bản nhạc ở đây không chỉ là tiếng hát, mà là sự sống lại của ký ức, để người nghe cảm nhận về một miền không gian hoài cổ và những rung động sâu lắng của dòng nhạc xưa", Minh tâm sự.

Góc nhỏ đầy nắng bên cửa sổ, với sách, cây xanh và những bức tranh tại Cầm

Góc nhỏ đầy nắng bên cửa sổ, với sách, cây xanh và những bức tranh tại Cầm

Không gian “cũ kỹ" cùng tiếng hát xưa - linh hồn của Cầm

Quán nhạc Cầm khoác lên mình vẻ đẹp giản dị, đượm màu hoài niệm, từ không gian nhỏ xinh đến từng món trang trí đầy ý vị. Minh tận dụng các món đồ cũ kỹ thành những dấu ấn nghệ thuật cho quán: nhành cây trở thành đồ trang trí, những chiếc phích nước nóng được bày trên kệ tủ kính cổ, hay ánh sáng dịu dàng tỏa ra từ những lồng đèn làm tay. Mỗi góc quán như một lát cắt thời gian, gợi nhắc về một thuở xưa cũ, mang đến cảm giác gần gũi mà vẫn toát lên sự trân trọng với giá trị của ký ức và những vật dụng từng có một đời sống riêng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khắp không gian quán, anh Minh treo đủ loại đàn, từ guitar, ukulele đến balalaika (đàn tam giác của Nga) hay đàn tranh truyền thống. Những nhạc cụ ấy không chỉ là vật trang trí mà còn như lời mời gọi âm nhạc, một cách thì thầm về tình yêu mãnh liệt với giai điệu. Có lẽ, đây cũng là nét đẹp nhất của Cầm – nơi quán và âm nhạc như đôi tri kỷ song hành, hòa quyện với nhau trong từng khoảnh khắc.

Những chồng đĩa CD và bộ loa cũ

Những chồng đĩa CD và bộ loa cũ

Góc tự phục vụ mộc mạc, tạo nên không gian gần gũi, hoài cổ

Góc tự phục vụ mộc mạc, tạo nên không gian gần gũi, hoài cổ

Những bản tình ca sâu lắng luôn tràn ngập giữa không gian ấy, khi là tiếng nhạc phát ra từ chiếc đầu đĩa CD cũ kỹ, mang theo giọng ca của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, khi lại là giọng hát nhẹ nhàng của Minh và những người bạn. Đôi khi, chính các vị khách cất lên giai điệu, mang theo cả đam mê và cảm xúc của riêng họ, để mỗi ngày ở Cầm trở thành một khúc ca chung đầy dư âm, lưu lại những hoài niệm khó phai.

Dấu ấn tĩnh lặng giữa nhịp sống xô bồ

Thực khách đến với Cầm không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn để cảm nhận không khí yên ả, trầm lắng, nơi họ có thể thư giãn và tìm về những ký ức xưa cũ. Minh chia sẻ rằng, nhiều người thích sự tĩnh lặng và một chút “hàn” ở quán, như là nơi để tìm về lại một phần tâm hồn trong cuộc sống bộn bề.

Hành trình để giữ gìn không gian ấy không hề dễ dàng. Đã có lúc Minh phải tạm đóng cửa quán trong một thời gian dài, mất hai năm để tìm địa điểm mới. Dù gặp nhiều khó khăn, anh vẫn kiên trì, giữ vững tinh thần để duy trì một không gian xưa cũ mà anh trân trọng. Với Minh, Cầm không chỉ là công việc, mà là niềm đam mê, là phần hồn trong cuộc sống của anh.

Anh Minh, chủ Quán nhạc Cầm,

Anh Minh, chủ Quán nhạc Cầm, "chủ" của những tiếng ca mỗi tối thứ 6 tại Đêm Cầm Ca

Dù hiện nay nhiều quán cà phê mới liên tục xuất hiện, Minh vẫn mong muốn Cầm giữ trọn nét truyền thống, như một góc hoài niệm yên bình giữa lòng phố thị. Không vội vàng chạy theo xu hướng, quảng bá rầm rộ, Cầm thu hút mọi người bằng chính cái hồn xưa của mình - nơi ký ức được tái hiện và lan tỏa qua từng bản tình ca sâu lắng. “Thật ra, Cầm vẫn luôn thay đổi đấy chứ,” Minh cười chia sẻ. “Mỗi vị khách đến đều mang theo tâm tư, câu chuyện riêng của họ. Cầm cũng xoay chuyển theo những cảm xúc ấy, nên có lẽ quán vẫn ‘lột xác’ mỗi ngày mà phải không?”.

Empty
Empty
Góc nhỏ của tình yêu âm nhạc và ký ức tại Cầm

Góc nhỏ của tình yêu âm nhạc và ký ức tại Cầm

Minh mong rằng, một ngày nào đó, Cầm sẽ trở thành điểm gặp gỡ văn hóa và nghệ thuật, nơi mọi người tìm thấy sự đồng điệu và cùng nhau sẻ chia câu chuyện, cảm xúc. Nhưng lúc này, anh vẫn muốn giữ cho quán nét nguyên sơ vốn có: một góc nhỏ để ai đến cũng có thể lắng nghe những giai điệu hoài niệm, tận hưởng chút bình yên giữa dòng đời tấp nập và tìm lại những cảm xúc chân thành, sâu lắng nhất trong chính mình.

Gia Huy
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES