Gánh hàng rong - Hồi ức xưa trong nhịp sống nay

17/10/2024

Trải qua bao biến đổi của thời gian, gánh hàng rong vẫn lặng lẽ hiện diện như một mảnh ghép còn sót lại của quá khứ. Không chỉ đơn thuần là công việc mưu sinh, gánh hàng rong mang trong mình cả một phần văn hóa, những hồi ức gắn liền với nhịp sống của một Hà Nội xưa đầy hoài niệm.

Ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét đẹp riêng của văn hoá Hà Thành.

Từ sáng tinh mơ cho đến khi phố phường lên đèn, người bán cùng những chiếc đòn gánh vẫn cần mẫn bước đi, gánh trên vai không chỉ từng món hàng mà còn là cả câu chuyện cuộc đời, là hơi thở, là những số phận khác nhau. Những chiếc nón lá che đi khuôn mặt đã rám nắng, nhưng không che được sự vất vả, cần cù. Qua biết bao mùa mưa nắng, hình ảnh những gánh hàng rong không chỉ gợi nhớ về một thời khó khăn nhưng đong đầy tình người, mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại.

Gánh hàng rong vẫn tồn tại qua năm tháng,

Gánh hàng rong vẫn tồn tại qua năm tháng, "gánh" cả "đời sống" giữa chốn phồn đô hiện đại

Giữa phố thị tấp nập, hình ảnh gánh hàng rong vẫn mang một màu hoài niệm xưa cũ

Giữa phố thị tấp nập, hình ảnh gánh hàng rong vẫn mang một màu hoài niệm xưa cũ

Xuất hiện từ thời phong kiến, gánh hàng rong ban đầu là phương tiện mưu sinh của những người lao động nghèo, chủ yếu là nông dân từ các vùng ngoại ô mang nông sản và hàng hóa vào thành phố bán. Họ không có điều kiện mở cửa hàng cố định nên đã sáng tạo ra cách thức di chuyển hàng hóa bằng những đôi quang gánh, giúp dễ dàng đi lại trên các con phố nhỏ hẹp, lối đi chật chội của Hà Nội xưa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bài liên quan

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dưới sự ảnh hưởng của thực dân Pháp, Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao thương lớn. Tuy nhiên, giữa sự phát triển nhanh chóng đó, gánh hàng rong vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự kiên trì và tính linh hoạt của người lao động nghèo. Các gánh hàng ngày càng phát triển và mở rộng về loại hình sản phẩm. Không chỉ là những món ăn đơn giản như xôi, bánh, hoa quả, mà còn bao gồm cả đồ thủ công mỹ nghệ, quần áo và những mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày, đồng thời duy trì một phần bản sắc truyền thống của người Việt.

Bà Trần Thị Mão, 68 tuổi, cùng gánh hàng dép

Bà Trần Thị Mão, 68 tuổi, cùng gánh hàng dép

Gánh hàng rong không chỉ là phương thức kinh doanh nhỏ lẻ mà còn là nơi giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa dân gian của Hà Nội. Những món ăn dân dã, các sản phẩm thủ công hay các đặc sản theo mùa từ gánh hàng rong mang đậm nét văn hóa của vùng đất Kinh kỳ. Những chiếc bánh giò, xôi nóng, hay những ly chè mát lạnh là những món ăn gắn liền với đời sống người dân Hà Nội qua nhiều thế hệ, từ thời xa xưa cho đến hiện tại. Đây không chỉ là những món ăn quen thuộc, mà còn là những kỷ niệm, những hương vị của ký ức mà người dân Hà Thành luôn nhớ về.

Gánh hàng rong còn phản ánh rõ rệt phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Vào mỗi mùa, những món hàng trên gánh lại thay đổi theo từng mùa vụ, từng lễ hội. Từ những bó hoa tươi rực rỡ vào mùa xuân đến những trái vải, nhãn ngọt lịm vào mùa hè, hay bánh trôi, bánh chay trong dịp Tết Hàn thực, tất cả đều mang theo hơi thở của đất trời, thiên nhiên, và nhịp điệu của cuộc sống người Việt.

Empty
Những gánh hàng rong đã trở thành một thứ

Những gánh hàng rong đã trở thành một thứ "hồn quê", một nét đẹp bình dị

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các giá trị văn hóa dân gian, các gánh hàng rong còn gắn liền với những mảnh đời vất vả, kiên cường của người bán. Ẩn sau những đôi quang gánh nặng trĩu là những câu chuyện mưu sinh đầy gian truân, họ không chỉ gánh trên vai hàng hóa mà còn là cả gánh nặng của cuộc đời, với hy vọng từng ngày kiếm được đủ miếng ăn, lo cho gia đình. Cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt ấy không làm phai mờ nụ cười trên khuôn mặt họ, nhưng cũng phản ánh một sự thật đau lòng về những khó khăn mà họ phải đối mặt. Hình ảnh những gánh hàng rong đã phác hoạ sự chịu đựng và nỗ lực của những người lao động nghèo, ngày qua ngày vẫn lặng lẽ lướt qua từng con ngõ nhỏ, qua những ngã tư tấp nập người qua.

Bà Hoa, tuy cười nhưng ánh mắt vẫn ánh lên nỗi vất vả của cuộc đời lam lũ

Bà Hoa, tuy cười nhưng ánh mắt vẫn ánh lên nỗi vất vả của cuộc đời lam lũ

Khi được hỏi về nghề quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", Bà Lương Thị Hoa, năm nay đã 62 tuổi, nói: "Khổ thì cũng quen rồi, bán cũng được 10 năm rồi chứ ít đâu. Có ngày bán đắt, có ngày bán ế, nhưng cũng phải ráng mà đi, đâu phải lúc nào cũng có tiền".

Vẫn còn rất nhiều gánh hàng rong trên khắp các con phố, mỗi gánh mang một nét đặc trưng riêng biệt, không ai giống ai. Thế nhưng, giữa họ có một sợi dây vô hình kết nối, đó là chung một số phận, là mảnh đời nghèo khó, rong ruổi từng ngày để kiếm kế sinh nhai. Mỗi sáng, họ phải gồng gánh hàng chục cân hàng hóa, bước đi hàng chục cây số qua từng ngõ phố để tìm kiếm khách hàng. Những tiếng rao vang lên trong không gian tấp nập của thành phố không chỉ là nhịp sống thường nhật mà còn chất chứa sự mệt mỏi, là những tiếng thở dài của nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Vẫn còn rất nhiều gánh hàng rong trên khắp các con phố, mỗi gánh mang một nét đặc trưng riêng biệt, không ai giống ai

Vẫn còn rất nhiều gánh hàng rong trên khắp các con phố, mỗi gánh mang một nét đặc trưng riêng biệt, không ai giống ai

Gánh hàng rong, một thứ hữu hình giờ đây đã trở thành một hệ giá trị, một thước đo của thời đại. Trước đây, gánh hàng rong là những đôi quang gánh đơn sơ, mang theo món hàng giản dị từ làng quê vào phố. Ngày nay, hình ảnh ấy vẫn còn, nhưng đã thay đổi để thích nghi với nhịp sống đô thị. Thay vì đôi quang gánh, nhiều người đã sử dụng xe đẩy hoặc phương tiện khác, hàng hóa cũng phong phú và đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu mới. Tuy nhiên, giữa dòng chảy hiện đại ấy, gánh hàng rong vẫn giữ được cái hồn của truyền thống, là cầu nối lịch sử, nơi lưu giữ phong vị đặc trưng của người Hà Thành qua hàng thế kỷ.

Người gánh hàng rong tranh thủ dành ít phút nghỉ ngơi ngay tại ngã tư đường

Người gánh hàng rong tranh thủ dành ít phút nghỉ ngơi ngay tại ngã tư đường

Bài và ảnh: Gia Huy
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES