Ai cũng uống trà, nhưng mấy ai hiểu văn hóa trà đạo Việt?

01/09/2024

Nếu nói trà đạo là một nét văn hóa của người Á Đông, thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khác với sự cầu kỳ, nghi thức của trà đạo Nhật Bản hay bề dày lịch sử của trà Trung Quốc, trà đạo Việt Nam mang một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc đến lạ thường. Mỗi tách trà là một câu chuyện về cuộc sống thường ngày, về những con người chân chất.

Văn hóa thưởng trà như một dòng chảy xuyên suốt từ xưa đến nay và thấm đẫm vào cuộc sống, tâm hồn của những con người Việt. Trà đã được bắt nguồn, gắn liền và có sức sống mãnh liệt như cuộc sống của những con người Việt trong quá trình lâu dài của 4000 năm lịch sử.

Bài liên quan

Hương trà Việt, hồn Việt ngàn xưa

Có câu chuyện kể rằng, từ cách đây hàng ngàn năm, có vị vua Thần Nông trong một chuyến thăm phương Nam đã uống nhầm một loại lá cây được nấu trong nước sôi. Sau khi uống xong, nhà vua không chỉ cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn mà hương vị ngọt chát nơi hậu vị còn làm người lưu luyến. Loại lá cây này được nhà vua gọi là “lá chè” và ngài quyết định nhân giống sử dụng rộng rãi cây chè để sử dụng.

Bộ đồ dùng trà từ thời Nguyễn

Bộ đồ dùng trà từ thời Nguyễn

Theo lời kể khác, do lịch sử nước ta trải qua hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ. Nhằm thuần hóa người Việt, Trung Quốc đã bóc lột, đàn áp, bắt nhân dân ta học tiếng Hán, học văn hóa Trung Quốc. Ắt hẳn có văn hóa trà đạo trung quốc trong đó. Đây được xem là một cách tiếp thu văn hoá trà đạo của Trung Hoa sang Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã xem uống trà là một nét văn hoá riêng của con dân nước Nam với nhiều điểm đặc thù của đất nước ta để từ đó hình thành nên nghệ thuật trà đạo Việt Nam mang bản chất riêng, hương vị riêng.

Trà đạo lưu giữ tâm hồn và cốt cách người Việt

Trà đạo lưu giữ tâm hồn và cốt cách người Việt

Đã có giai đoạn, trà hầu như chỉ được dùng trong tầng lớp vua chúa, danh gia vọng tộc. Tuy nhiên, nó ngày càng gần gũi, hết sức một mạc, xuất hiện ở mọi nơi và không còn sự phân tầng lớp. Văn hoá thưởng trà của người Việt tuy đã có nhiều sự thay đổi, thế nhưng, nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt vẫn mang những nét đẹp riêng và phản ánh được những phong tục, tính cách của người Việt.

Vì được dùng trong tầng lớp quyền quý cao sang, nên việc pha trà cũng từng rất công phu. Từng giọt sương mai tinh khiết đẫm trên búp sen được người ta chắt lọc, nâng niu đem về để pha trà. Tiền nhân còn sử dụng nước mưa để pha trà, giúp chén trà có vị ngọt thanh, đặc biệt sau khi uống sẽ lưu giữ vị ngọt đọng lại ở cuống họng.

Ngôn ngữ tâm hồn trong từng ngụm trà

Khác với sự cầu kỳ, nghi thức của trà đạo Nhật Bản hay bề dày lịch sử của trà Trung Quốc, trà đạo Việt Nam mang một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc đến lạ thường. Dưới bóng cây đa cổ thụ hay bên hàng rào tre xanh mát, người Việt Nam nhâm nhi tách trà, tâm hồn như hòa quyện vào thiên nhiên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Sự giản dị của người dân ta thể hiện trong cách dùng trà, thưởng trà

Sự giản dị của người dân ta thể hiện trong cách dùng trà, thưởng trà

Cây đa, giếng nước, sân đình những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam cũng là nơi những người hàng xóm tụ họp, cùng nhau thưởng thức chén trà thơm. Trong không gian ấm cúng đó, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, những câu chuyện đời thường được chia sẻ. Cảnh vật làng quê bình dị trở thành không gian lý tưởng để con người trò chuyện, sẻ chia những câu chuyện đời thường.

Chén trà mở đầu câu chuyện

Chén trà mở đầu câu chuyện

"Chén trà mở đầu câu chuyện", là cầu nối để những con người xa lạ trở nên gần gũi hơn. Dù mang dáng vẻ mộc mạc, giản dị, trà đạo Việt Nam không đồng nghĩa với sự cẩu thả, mà lại ẩn chứa một thế giới tinh tế. Mỗi tách trà là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Với đôi bàn tay khéo léo và tấm lòng yêu trà, họ đã thổi hồn vào từng ngụm trà, tạo nên những hương vị độc đáo, khó quên. Dù mộc mạc là vậy, nhưng hương vị của trà Việt vẫn đậm đà, ngọt chát, mang một nét đặc trưng riêng biệt.

Nói đến nguyên tắc phải nhắc tới “Nhất thủy – Nhì trà – Tam bôi – Tứ bình – Ngũ quần anh”. “Nhất thủy” thứ nước dùng để pha trà nhất định phải là nước mưa hứng giữa trời, nước suối thiên nhiên. Và sau này, nhiều người còn dùng nước giếng sâu hoặc dùng sương sớm đọng trên lá buổi sáng để pha trà. Nước sẽ được đun sôi, để nguội khoảng 75 -90 độ C tuỳ theo yêu cầu của từng loại trà để không làm mất hương vị vốn có.

Thậm chí, uống trà còn được coi là một bộ môn nghệ thuật, đứng đầu trong nghệ thuật ẩm thực

Thậm chí, uống trà còn được coi là một bộ môn nghệ thuật, đứng đầu trong nghệ thuật ẩm thực

“Nhì trà” loại trà được sử dụng phải có đủ năm tiêu chí: sắc, thanh, khí, vị, thần. Trà pha ra phải có màu sắc thanh tao, mùi vị nhẹ nhàng nhưng không phai nhạt, nhiệt độ nóng ấm vừa đủ, vị chát ngọt nơi hậu vị. Và cuối cùng, “thần” – sự lôi cuốn của trà khiến người thưởng thức khó quên.

Những lá trà được sử dụng cũng mang những câu chuyện riêng

Những lá trà được sử dụng cũng mang những câu chuyện riêng

“Tam bôi” ý chỉ chén uống trà, chén trà phải đủ số lượng người dùng. Trước khi rót trà, chén trà cần tráng qua nước sôi, để giữ vệ sinh, và khi rót trà vào không bị chênh lệch nhiệt độ. “Tứ bình” chính là ấm pha trà. Thường sử dụng ấm đất nung ở nhiệt độ cao. Ấm trà phải giữ được nhiệt, không lẫn mùi tạp chất. “Ngũ quần anh” hay còn gọi với nghĩa bạn trà, thưởng trà cần có người bạn tâm giao, tri kỷ để đàm đạo chuyện nhân sinh.

Giống như “học ăn, học nói/ học gói, học mở” thì trước khi thưởng thức chén trà ngon cần phải học cách dâng trà. Mỗi lần dâng trà là một nghi thức trang trọng, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn. Cử chỉ “tam long giá ngọc” khi nâng chén trà không chỉ là một động tác kỹ thuật mà còn là lời chào hỏi trang trọng, gửi gắm những tình cảm chân thành.

Người xưa uống trà không chỉ để thưởng thức hương vị của trà. Họ còn lưu tâm đến nội dung các cuộc mạn trà

Người xưa uống trà không chỉ để thưởng thức hương vị của trà. Họ còn lưu tâm đến nội dung các cuộc mạn trà

Để đáp lại, người nhận trà cũng nâng chén bằng hai tay, cúi đầu nhẹ nhàng như một cách bày tỏ sự trân trọng. Thưởng thức trà không chỉ là việc uống mà còn là một nghệ thuật. Mỗi ngụm trà được nhấp chậm rãi, để vị trà lan tỏa khắp khoang miệng, từ vị chát nhẹ ban đầu đến dư vị ngọt ngào nơi hậu vị. Đó là khoảnh khắc để tâm hồn thư thái, lắng nghe tiếng lòng mình.

Thưởng trà đạo Việt, ngoài cảm nhận hương vị trà, còn nên cảm nhận câu chuyện của từng loại trà, nếu trà ướp hương sen cho vị thanh tao, hương thơm dịu nhẹ khiến ta cảm nhận được sự mát mẻ, tươi mới của sương sớm ở nơi đầm sen, thì trà hoa lài mang đến hương thơm nồng dịu hơn và thanh khiết đến lạ kỳ.

Văn hóa uống trà ngày nay đã thoát khỏi những khuôn khổ truyền thống, trở nên đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết. Mỗi người đều có cách thưởng thức trà riêng, tùy thuộc vào sở thích, phong cách sống và hoàn cảnh của bản thân. Uống trà không chỉ đơn thuần là một thú vui, mà còn là cách để chăm sóc sức khỏe và cân bằng cuộc sống.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES