Theo Thương Vụ Việt Nam tại Pakistan (Bộ Công thương), mới đây Bộ trưởng thông tin Pakistan Attaullah Tarar họp báo tuyên bố Pakistan sẽ cấp thị thực miễn phí cho thương nhân và khách du lịch đến từ 126 nước trong đó có Việt Nam. Chính sách trên có hiệu lực từ ngày 14/8/2024. Để được cấp thị thực miễn phí thương nhân và khách du lịch truy cập trang https://visa.nadra.gov.pk/e-visa/ và chọn mục “Visa Prior to Arrival”.
Thị thực sẽ được cấp trong vòng 24 giờ và có thời hạn 90 ngày. Tờ khai xin cấp thị thực cũng sẽ được rút gọn lại còn 30 mục so với gần 100 mục trước đây. Thủ tướng Pakistan hy vọng chính sách thị thực mới sẽ giúp Pakistan trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài và khách du lịch.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Pakistan trong thời gian tới. Cụ thể, hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, nghiên cứu ký kết các hiệp định hợp tác mới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, trao đổi về di sản và bảo tàng.
Số liệu mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, năm tháng đầu năm 2024 xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 168,2 triệu USD, tăng 12,6 % so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, trong năm tháng năm 2024 Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Pakistan đạt 155,9 triệu USD tăng 57,6 % so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Pakistan chủ yếu là vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may da giày, bông các loại, xơ sợi dệt các loại… Trong khi đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan gồm chè, hạt tiêu, hàng thủy sản, cao su, sắt thép các loại, xơ sợi dệt các loại… Đáng chú ý trong năm tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chè đạt giá trị cao nhất với hơn 23,4 triệu USD.
Theo Cục Xuất khẩu, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ hai toàn cầu. Số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, trong sáu tháng năm 2024 nhập khẩu chè của nước này đạt 272 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng nhập khẩu chè cho thấy sự phổ biến của loại đồ uống này đối với người tiêu dùng tại quốc gia này bất chấp áp lực về kinh tế.