Thế nhưng càng đi nhiều, càng gặp nhiều người, tôi bỗng nhận ra rằng mỗi chúng ta thật ra đang sống với chiếc “đồng hồ” của riêng mình. Không phải ai cũng đều trưởng thành ở tuổi 18, kết hôn ở tuổi 25, và thành công ở tuổi 30. Bởi thế, tại sao phải cố gắng đuổi theo chiếc “đồng hồ” của người khác? Tại sao những phút giây cà kê dê ngỗng bên những người mình yêu quý lại là “lãng phí”?
Có lẽ đúng như John Lennon từng nói “Time you enjoy wasting, was not wasted” (Thời gian bạn vung tay hưởng thụ không hề lãng phí). Tôi dần thích những phút giây la cà bên vỉa hè.
Vỉa hè Việt Nam lắm điều thú vị, cái gì cũng có, bún chả, nem rán, cốm xào, thuốc lá… Ở Hà Nội, trà đá vỉa hè trở thành cả một nét văn hóa đặc trưng và đáng tự hào. Vỉa hè đơn giản, nhưng lịch sử Việt Nam toàn được viết trên ấy, cứ hời hợt thì không viết, không nói đúng được. Không tin, bạn thử xem phim Trò Đời (dựa theo sách của Vũ Trọng Phụng). Nhìn cảnh bán thuốc lá cất đầy trên vỉa hè Hà Nội là thấy kỳ. Thời ông Vũ Trọng Phụng, mấy thứ đó toàn dành cho Tây hay người Việt giàu, lấy đâu ra mà bán vỉa hè!
Xem phim hồi xưa, tôi thích nhất mấy cảnh lũ trẻ con tay xách nách mang, khệ nệ mang cái ấm (ấm đất hay ấm bằng sắt tây) và chồng bát đi rao khắp chợ, nhà ga, bến xe hay trên tàu hỏa. Bây giờ không ai lại đi rao ly trà đá chỉ vài nghìn đồng bạc. Ai thích thì cứ ra quán mà ngồi. Ngồi đến khi nào chán thì về, chẳng ai lườm nguýt đâu, đôi khi chủ quán còn kiêm luôn người kể chuyện.
Mấy chỗ bán trà đá rất ngộ, cái phích nước kiểu cũ, bình trà và dăm ba cái ghế nhựa là thành một quầy. Trà đá không có gì đặc biệt, cứ nhàn nhạt thơm thơm vậy thôi, chỗ nào pha nhiều nước quá thì uống hệt nước lọc. Thế nhưng đã ở Hà Nội thì đừng bận rộn đến mức quên rủ nhau ra vỉa hè uống trà đá, để từ từ nhâm nhi câu chuyện phố ta của bác lái xe ôm, càm ràm của chị em làng xóm, chuyện trẻ con chuyện người lớn…
Thế đấy, Hà Nội không vội được đâu!
Bài: Pan Banana | Ảnh: Minh Q.Phạm