Nét Việt Nam nơi những gánh hàng rong ở Bangkok

04/07/2014

Cũng giống như ở Việt Nam, những gánh hàng rong ở Bangkok đã trở thành “đặc sản” của thành phố này mặc dù nó không chính thức được chính quyền nước này công nhận.

Người Thái có văn hóa ẩm thực ngoài trời, chính vì thế người bán rong là một phần của đường phố Bangkok sôi động.

Người bán rong trên phố ở Bangkok có thể kiếm được 500 baht (12 USD) mỗi ngày, số tiền này nhiều cả hơn mức lương của một lễ tân viên bảnh bao trong các khách sạn sang trọng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Cùng với những người dân ngoại ô Bangkok, người Việt Nam cũng tham gia vào lực lượng bán hàng rong khá nhiều. Tại Bangkok, người đàn ông này quê Hà Tĩnh sang đây bán dạo từ khá lâu. Anh đẩy xe bán dừa lạnh, trái cây. Địa điểm bán hàng của anh là chùa Trai Mít, nơi hằng ngày có rất đông du khách Việt Nam đến tham quan.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để trở thành người nhập cư hợp pháp có thời hạn trên đất Thái, mỗi tháng anh phải nộp cho chính quyền sở tại 4.900 baht, bao gồm các khoản bảo hiểm, lưu trú, an ninh… Khi đóng tiền, chính quyền sẽ cấp cho một tờ giấy nhỏ, ghi chữ và con số loằng ngoằng như mật mã, trong đó thể hiện đầy đủ tên tuổi, quốc tịch, nơi tạm trú, nghề nghiệp…

Ngoài số tiền phải nộp cho chính quyền sở tại, hai vợ chồng phải thuê nhà với giá 3.500 baht ở gần chùa Trai Mít để tiện đi lại mua bán. Vào giờ rỗi, khi cần, vợ anh có nhiệm vụ thay chồng bán, anh phụ giúp nhà chùa dọn dẹp, khuân vác đến thợ hồ… Anh cho biết; thấy mình chịu khó nên nhà chùa rất thương, tạo điều kiện cho mình có nơi buôn bán ổn định.

Cũng như những người chạy xe “túc túc” hay taxi ở Thái Lan, những người bán hàng rong vỉa hè này thường nghèo khổ và từ các tỉnh khác dạt đến. Đã có nhiều người nói về việc họ phải nộp tiền bảo kê cho cảnh sát, nhất là những người bán ở các địa điểm thuận lợi.

Tuy nhiên, ở Bangkok không phải người nghèo mới “đầu quân” vào lực lượng bán hàng rong, mà những người có tiền chạy ô tô cũng đi bán hàng rong.

Chính quyền thành phố không đánh thuế người bán hàng rong vỉa hè, nhưng cũng thu được một khoản nhờ tiền phạt. Những người muốn dọn dẹp sạch những hàng quán vỉa hè lập luận rằng các chủ hàng rong không phải là người Bangkok, không đóng thuế, làm bẩn đường phố và vì thế họ cần phải nộp phạt cho ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, dù có nhiều tranh cãi về việc có nên cho tồn tại những người bán dạo ở Bangkok hay không, nhưng cho đến nay giống như ở Việt Nam, hàng rong đang trở thành nét riêng của thành phố này.

RELATED ARTICLES