Âm thanh hoài niệm mùa “lâu phai”

16/08/2021

"Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cây cỏ của cả vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta."

Tiếng cà phê rót vào cốc, tiếng nồi niêu xoong chảo chị tôi rửa bát, tiếng mẹ tôi lanh lảnh phòng bên, tiếng chú mèo mài móng gọi tôi dậy... Tất cả còn được phóng đại hơn khi cái đầu tôi cứ quay cuồng với đống deadline chồng chất lên nhau. Nghĩ bụng làm tại nhà cũng khó mà đạt được chất lượng công việc tối đa, tôi bật bài nhạc cho xuôi đi cái tâm bồn chồn.

"Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cây cỏ của cả vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta."

Mở đầu bài nhạc là những lời nói thủ thỉ và nên thơ của bác Nguyễn Đình Toàn - vốn là một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Chương trình "Nhạc chủ đề" phát thứ Năm hàng tuần trên đài phát thanh được sáng lập bởi người nghệ sĩ này, đã trở thành một hiện tượng đặc sắc toàn quốc từ năm 1963. Mỗi số của chương trình là tuyển tập những bài hát nổi tiếng được chọn lọc theo chủ đề, trước và sau mỗi bài nhạc sẽ có lời dẫn để người nghe cảm nhận được ý nghĩa của những câu ca một cách sâu lắng hơn.

Đời sống văn học thời buổi bấy giờ chịu ảnh hưởng lớn từ các luồng tư tưởng văn hóa phương Tây, xuất hiện các phương tiện truyền thông như báo chí, âm nhạc và kỹ thuật in ấn hiện đại, công chúng cũng thế mà có những mối quan tâm sâu sắc tới nghệ thuật mang tính đổi mới sáng tạo theo văn hóa thế giới. Từ đó mà chương trình thu hút đông đảo thính giả bởi lối văn phong giữ đậm chất bình dị, thanh tao mà không chạy theo trào lưu của thời thế như các tác giả khác.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Nội, những cảm nhận của Nguyễn Đình Toàn về thế giới quan mang đậm chất của một chàng trai phố cổ: lãng mạn, cổ điển và vô cùng giàu cảm xúc của con người đương thời. Có lẽ vì thế mà lời dẫn của ông cũng chính là điều đã sưởi ấm những thổn thức sâu lòng người nghe, rộn ràng nên những luyến tiếc, những bâng khuâng, những hương nồng của quá khứ, của hiện tại và cũng của người thi sĩ.

Nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn - Nguồn: Uyên Nguyên/Người Việt

Nghệ sĩ Nguyễn Đình Toàn - Nguồn: Uyên Nguyên/Người Việt

Sau lời giới thiệu trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn là những giai âm ngọt ngào, gợi nhớ cho ta tới sắc tím của một căn phòng nhỏ, đôi mắt mơ màng của cô gái nhỏ đeo tai nghe học bài và chú mèo lười oằn mình bên ô cửa sổ… Đó là thể loại nhạc Lofi - từ nhiều năm nay đã không còn xa lại với giới trẻ nhờ các âm điệu êm tai kết hợp với các loại tạp âm như tiếng cơn mưa rào, tiếng người cười nói, tiếng lỗi băng ghi âm, tiếng giọng hát vọng lại… Với xuất xứ từ thập niên 50 tại châu Âu - nhưng mới đây vào những năm 90, Lofi mới bắt đầu được định hình qua một số yếu tố tương đồng với nhạc Indie và Alternative. Và qua bàn tay điêu luyện của người phổ nhạc tại Việt Nam, vài năm nay mới sinh ra một thể loại Lofi mới, có thể gọi là một sáng tạo từ dòng nhạc mới thu âm trên máy móc cũ thành nhạc cũ thu âm trên máy móc mới: Phần thanh nhạc của bài hát thường được trích dẫn từ những câu ca, những giai điệu thời tân nhạc của các thập niên 60, 70, còn phần khí nhạc được phối lại tạo nên một giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng. Thể loại này trước đã xuất hiện ở châu Âu, song sự kết hợp với lời dẫn của bác Nguyễn Đình Toàn là một đặc trưng của riêng phiên bản Việt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mang hai yếu tố trái ngược nhau giữa cũ và mới - cổ điển và phá cách - nhưng thể loại Lofi này không hề “kén tai”, mà lại trở thành một hiện tượng trên các trang nhạc như Soundcloud, YouTube. Khi nghe nhạc, người nghe không khỏi suy tưởng về những quan điểm định hình sẵn trong sự hơn kém giữa nhạc cũ và nhạc mới, mở mang cái nhìn về một hướng đi mới trong âm nhạc Việt Nam. Kết nối giữa giọng đọc trầm ấm và tiết tấu chậm rãi của bản phối nhạc, nhạc Lofi “Nhạc chủ đề” như cỗ máy thời gian chở người thính giả tìm lại những thổn thức, bâng khuâng ngày nào còn tung tăng theo đuổi những khát khao quá đỗi mơ màng...

Nguồn: Bex Glendining/ Lofi Record

Nguồn: Bex Glendining/ Lofi Record

Tôi lim dim ngắm nơi nắng đã lan trên mặt sông, hồng lên một không gian bình lặng phi thường. Vội vàng mở chốt then cài cửa, tôi lại mong đôi chân trần bước ra ngoài ban công được cảm cái lạnh mát trên nền đá... ngoài biển, ngoài nắng, ngoài cát, ngoài gió, ngoài cái gốc cây đa tôi hằng đi qua mỗi ngày… Đã được một tháng kể từ ngày đầu tiên tôi làm việc tại nhà. Cái mùa xa cách đồng bào, đồng chí này đã khơi lại trong tôi những nỗi nhớ gần mà tưởng như xa. Một "quá khứ" đầy ắp những chuyến đi của đôi mắt tò mò lẫn đôi chân bay nhảy, giờ đây hồi dậy trong tôi như một bản tình ca hoài niệm.

"Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơn, nhưng đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố."

(Lời mở đầu của Nguyễn Đình Toàn cho bài hát Hướng về Hà Nội - Băng số đầu tiên - Duy Trác)

Khi nghe bài nhạc, tôi không khỏi chối từ cái cảm giác muốn được quay lại quê hương ấy, thành phố ấy, cảm nhận những vùng đất hoa lá cây cỏ để phần nào kiếm tìm một mảnh kí ức chưa bao giờ thuộc về mình. Tôi không khỏi hình dung, có lẽ, ai đó cũng có những nỗi sầu não của riêng họ, đi tìm một thoáng đồng hồ ngâm mình bên tuyển tập Lofi thì lỡ lạc vào cái thế giới không rõ ràng quá khứ và hiện thực này. Nơi đây, chẳng cần chạy xa trốn đi thực tại, chẳng cần mưu cầu danh lợi, chỉ cần thả mình vào sắc tím của tán mây tròn trịa, sắc xanh của con đường rợp bóng cây và sắc vàng của ngọn đèn đường, cũng đủ để đưa tâm hồn tới một thành phố cổ kính đượm sắc mộng mơ và hoang đường.

Bỗng mẹ tôi nói nhạc hay thế, lúc đó tôi mới ngờ ngợ trở lại căn phòng nhỏ và góc làm việc bừa bãi của mình. Có thể mẹ thấy cái sự chật vật khổ sở của tôi khi nhìn vào màn hình máy tính nên nghĩ tôi rảnh rỗi nói chuyện được. Mẹ bảo phối lại chương trình này như thế cũng hay, vì hồi nhỏ mẹ cũng hay nghe chương trình này trên đài, về sau ông ấy còn sáng tác nhiều hơn, nổi tiếng nhất là bài Tình Khúc Thứ Nhất và Anh Đến Thăm Em Đêm 30, mấy bài nổi nổi hát bởi Khánh Ly hay Hồng Ngọc là Căn Nhà Xưa, Hiên Cúc Vàng, Mưa Trên Cây Hoàng Lan... Nhưng trước ông để tên bút danh là Hồng Ngọc với Vũ Ngọc Vân chứ không để tên mình. Cách mẹ kể như thể mẹ hồi lại mấy ký ức xưa khi còn đạp xe cùng anh chị, ngắm nghía mấy hàng bánh gato mà thòm thèm. Chỉ vài câu từ mà người nghe đã được du hành tới những ngày hạnh phúc của đời mình.

Ngân nga theo bài nhạc, chạy vào khu bếp rót thêm chút cà phê rồi lại quay lại góc làm việc vặn to tiếng loa lên, tôi ngỡ tưởng mình thực chất đang sống trong cái thành phố màu tím ấy, là cô gái nhỏ đeo tai chụp lắng nghe bản nhạc trong thầm lặng, lia bút theo từng nốt nhạc của giai điệu Lofi, hay cũng đang áp tai vào chiếc radio nhỏ vào thứ Năm hằng tuần và thả hồn vào từng giai điệu của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi. Phải chăng, cô gái này là tấm hình ghi nhớ lại tất cả những nỗi phiền muộn sầu não của giới trẻ ngày nay - ngày xưa - ước ao được ngồi chốc lát bên ngoài cổng một quán phòng trà nào đó, thẩm thấu từng lời dẫn “chapo” của người "MC" và ngân nga theo những khúc tình ca bất tử.

Cuốn theo giọng nói bình dị của bác Nguyễn Đình Toàn, cuốn theo giọng ca nghẹn ngào của cô Khánh Ly, cuốn theo âm vang cổ kính của tiếng kèn nhạc xưa, cuốn theo cả lỗi tạp âm của bài nhạc, tôi cảm giác như muốn níu kéo khúc ca chậm lại, nhưng không thể bởi đã quá quen với nhịp sống bộn bề rồi, hơi thở nào dường như cũng bồi hồi tiếc nuối từng câu ca trôi đi mà còn ngại ngùng tua lại.

Tìm lại mẹ tôi trên con đường của sắc tím, mẹ tưởng tượng lại được giờ phút mẹ gặp ba bên gốc cây xoài, chờ ba học xong khóa chuẩn bị du học Nga, mẹ hồi đó không nghĩ gì nhiều đâu, giờ có con, có ngôi nhà này, ngày nào mẹ cũng thấy bình yên... Tiếng cô Thanh Tuyền dừng lại, hóa ra tôi đang chỉ ngồi tâm sự với mẹ trên chiếc giường ga đỏ bên ô cửa sổ với mấy luống rau muống mẹ tôi mới trồng.

Thế là tôi lại cắm mặt vào chiếc laptop... Ngỡ tưởng cái mốc deadline ấy gay gắt thế nào mà bỗng dưng lu mờ vào chiều sâu của một hành trình chu du từ những lo lắng, nghi vực bản thân để tìm lại một phần tinh thần vẫn còn vững vàng chờ đợi ở đó. Quá khứ, hiện tại, tương lai, bỗng dưng chộn rộn những tiếng hát vang vọng khắp các nẻo đường cổ kính, để lại một áng văn chương đẫm tâm tư của một người trẻ chệch lối, nay đã "lánh nạn" được vài phút qua bản nhạc trữ tình.

Lưu Ngân
RELATED ARTICLES