Bảo tàng Nam Kỳ - Dấu ấn kiến trúc Đông Dương

01/10/2013

Là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp xây dựng, Bảo tàng Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh) đã qua nhiều lần đổi tên, qua các giai đoạn lịch sử, nhưng vẫn nhất quán chức năng ban đầu của kiến trúc: là bảo tàng. Đây cũng là một công trình đặc sắc, một đại diện tiêu biểu kiến trúc Đông Dương ở đất Sài Gòn - Gia Định.

Bài và ảnh: Hà Thành

Lịch sử của Bảo tàng lịch sử

Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) được khởi công xây dựng vào năm 1926 và hoàn thành năm 1928; khởi nguyên có tên gọi là Bảo tàng Nam Kỳ.

Bảo tàng ra đời xuất phát từ đề nghị của Hội Nghiên cứu Đông Dương (Socíete des Etudes Indochinoises) ở Sài Gòn. Ý định thành lập bảo tàng có từ năm 1882 khi Hội nghiên cứu Đông Dương cần một cơ sở để lưu trữ, bảo quản hiện vật và nghiên cứu.

Sau một thời gian dài từ khi có ý tưởng thành lập, bảo tàng cũng được ra đời. Ngày 24/11/1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse ra nghị định thành lập Bảo tàng Nam Kỳ (Musée de la Cochinchine) với trụ sở như hiện nay - là tòa nhà lớn đang xây vào năm đó (dự kiến cho mục đích khác). Công trình nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Để cho thấy vai trò của người Pháp ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung, ngày 6/8/1928, có một nghị định đổi tên Bảo tàng Nam Kỳ thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse – tên thống đốc Nam Kỳ đã ký quyết định thành lập. Bảo tàng Blanchard de la Brosse do chính quyền Nam Kỳ trực tiếp quản lý, và thuộc quyền quản lý khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ (có trụ sở tại Hà Nội). Ngày 1/1/1929, Bảo tàng được khánh thành và chính thức ra mắt công chúng. Thời gian đầu, bảo tàng có khoảng 3000 hiện vật.

Ngày 2/9/1945, Việt Nam dành được độc lập. Bộ Quốc gia Giáo dục của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đổi tên Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành Gia Định Bảo tàng Viện. Ngày 14/6/1954, Bảo tàng được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp quản. Ngày 16/5/1956, Bảo tàng được đổi tên là Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục - Việt Nam Cộng hoà; đến 26/8/1979, được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh - tên này được giữ cho đến nay. Tuy vậy, cái tên Bảo tàng Nam Kỳ vẫn được gọi như một dấu ấn của lịch sử kiến trúc.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Dấu ấn kiến trúc Đông Dương

Bảo tàng Nam Kỳ được thiết kế bởi kiến trúc sư Auguste Delaval (Pháp). Công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương, một phong cách khá phổ biến và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ những năm 1920 tới 1945 ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn (TPHCM). Các kiến trúc sư Pháp và cả những kiến trúc sư Việt Nam đã có những tìm tòi, sáng tạo, kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và kiến trúc bản địa, khai thác các yếu tố truyền thống và đặc điểm khí hậu địa phương.

Công trình có mặt bằng đối xứng, với một khối đại sảnh ở giữa có mặt bằng hình bát giác. Cấu trúc của công trình giống như một toà công thự phương Tây, mang cảm giác uy nghi. Kết cấu bê tông cốt thép với những hệ dầm sàn ô cờ vượt được nhịp lớn tạo nên những không gian trưng bày lớn. Khối đại sảnh như một điểm nhấn của công trình, vươn cao với hai tầng mái dốc đầy ấn tượng, các đao mái có các hình trang trí rồng phượng cách điệu. Phía trước là khối tiền sảnh, với bộ mái dốc – 4 mái, gợi âm hưởng kiến trúc ngôi nhà truyền thống. Tất cả hệ thống mái đều lợp ngói âm dương, và đua ra khỏi tường bằng những cong-xon.

Hai dãy nhà hai bên khối đại sảnh có cấu trúc hình chữ U, khép kín với khối đại sảnh, tạo nên hai sân trong nho nhỏ ở hai phía. Ở “đáy” chữ U, phía đầu hồi công trình là khối kiến trúc cũng có cấu trúc mặt bằng hình bát giác. Trước hai dãy nhà là một hệ thống “pergola” (dàn cây leo) bằng bê tông - rất đặc trưng của kiến trúc phương Tây. Phần này không hẳn chỉ là để chức năng cho cây leo, mà là một thành phần trang trí quan trọng cho công trình, cũng như định tuyến giao thông.

Các trang trí kiến trúc trên mặt tiền, nội thất sử dụng nhiều những chi tiết, hoạ tiết, hoa văn... mang âm hưởng truyền thống Á Đông và Việt Nam. Tất cả hài hoà, kết nối logic trong một tổng thể chung của công trình. Năm 1970, bảo tàng được xây dựng mở rộng thêm phần nhà phía sau. Công trình xây thêm có hình chữ U, với hai dãy nhà cầu nối vào công trình cũ và khối nhà sau cùng cao 3 tầng, tạo nên một sân trong khá lớn ở giữa. Tác giả của thiết kế này là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Cấu trúc không gian phần xây mới bổ sung vẫn tôn trọng trên nền kiến trúc cũ, song có giản lược hơn ở phần chi tiết.

Dòng chảy lịch sử Việt Nam ở đất phương Nam

Bảo tàng lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh là bảo tàng lịch sử có quy mô trưng bày lớn nhất ở khu vực Nam bộ về suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng còn kế thừa được nhiều cổ vật, hiện vật quý từ thời Bảo tàng Nam Kỳ của Hội Nghiên cứu Đông Dương.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP Hồ Chí Minh có 18 không gian trưng bày, trong đó có 10 không gian trưng bày lịch sử theo thời gian, 6 không gian trưng bày chuyên đề trong nhà, 1 không gian trưng bày chuyên đề ngoài trời và 1 không gian trưng bày ngắn hạn.

Bảo tàng có hơn 30.000 hiện vật và trên 25.000 đầu sách, báo, tài liệu có giá trị đặc biệt trong các chuyên ngành lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, bảo tồn - bảo tàng.

Đây không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu lịch sử của đất nước, là không gian chứa đựng dòng chảy lịch sử Việt Nam ở đất phương Nam mà còn là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu về lịch sử. Bản thân công trình cũng là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc có những dấu ấn lịch sử của riêng mình.

RELATED ARTICLES