Trải qua lịch sử lâu đời, Cá tháng Tư đã trở thành ngày để mọi người trên khắp thế giới cùng vui vẻ và gắn kết với những người thân yêu thông qua các trò đùa. Đây cũng là dịp để các công ty, tập đoàn, các nhãn hàng, các chương trình tranh thủ thời cơ quảng bá sản phẩm, tạo sự chú ý từ dư luận. Đôi khi chỉ từ mục đích đơn thuần là đùa vui, nhưng thiếu sự để tâm và thêm chút liều lĩnh, trò đùa có thể đi quá giới hạn, ảnh hưởng tiêu cực tới những người xung quanh. Trên thế giới đã có không ít lần những trò đùa Cá tháng Tư đã phản tác dụng như vậy, hãy cùng điểm qua một vài câu chuyện thú vị nhân Ngày nói dối 2025.

Cá tháng Tư (Poisson d’avril) có nguồn gốc từ Pháp, chỉ những người cả tin, dễ bị lừa
1. Nixon không làm gì sai
Vào ngày 1/4/1992, chương trình "Talk of the Nation" của Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) phát sóng một bản tin đặc biệt, thông báo rằng Richard Nixon quyết định tái tranh cử Tổng thống. Trong bản tin, có đoạn ghi âm giọng nói được cho là của Nixon tuyên bố: "Tôi chưa từng làm gì sai, và lần này cũng vậy". Nhiều thính giả đã tin vào thông tin này và bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách gọi điện phản đối đến đài. Tuy nhiên, đây chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư, giọng nói trong đoạn ghi âm thực chất do một diễn viên giả giọng Nixon thực hiện.
Trò đùa này gợi nhắc trực tiếp đến vụ bê bối Watergate (1972-1974), một trong những scandal chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon - Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ - phải từ chức. Vụ việc bắt đầu khi 5 người bị bắt vì đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate để cài thiết bị nghe lén. Cuộc điều tra sau đó tiết lộ rằng chính quyền Nixon đã tìm cách che giấu sự liên quan của mình trong vụ việc, bao gồm cả việc lạm dụng quyền lực và cản trở công lý. Trước nguy cơ bị luận tội, Nixon đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên từ chức vào ngày 8/8/1974.

Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon (1913-1994)
2. Titanic thứ hai
Ngày 1/4/2001, một DJ của đài phát thanh Southern FM tại Brighton, Anh, đã thực hiện một trò đùa Cá tháng Tư bằng cách thông báo rằng một bản sao kích thước thật của tàu Titanic sẽ đi ngang qua vùng biển gần vách đá Beachy Head ở East Sussex. Hàng trăm người dân tin vào thông tin này và đổ xô đến khu vực để chứng kiến cảnh tượng hiếm có. Tuy nhiên, sự tập trung đông đúc của đám đông đã gây ra một vết nứt dài khoảng 1,5 mét trên mặt vách đá cao 120 mét này. Trước nguy cơ sạt lở, lực lượng bảo vệ bờ biển và chính quyền địa phương đã phải can thiệp, yêu cầu mọi người rời khỏi khu vực và phong tỏa hiện trường để đảm bảo an toàn.
Đại diện của lực lượng bảo vệ bờ biển bày tỏ sự không hài lòng với trò đùa này, cho rằng nó không chỉ gây rắc rối cho họ mà còn đặt người dân vào tình huống nguy hiểm, đặc biệt khi khu vực vách đá vốn đã nổi tiếng là tiềm ẩn rủi ro và vào thời điểm đó còn bị bao phủ bởi sương mù dày đặc. Đài phát thanh Southern FM sau đó đã lên tiếng rằng đó chỉ là một trò đùa vui, nhưng sự việc đã làm dấy lên tranh cãi về trách nhiệm và giới hạn của các trò đùa trên phương tiện truyền thông.

Vách đá Beachy Head, East Sussex, Anh Quốc
3. UFO đáp xuống Jordan
Ngày 1/4/2010, tờ báo Al Ghad của Jordan đã đăng một bài viết trên trang nhất về việc ba phi thuyền ngoài hành tinh đã hạ cánh xuống sa mạc gần thị trấn Jafr, phía đông Jordan. Bài báo mô tả các sinh vật cao khoảng 3 mét xuất hiện từ phi thuyền, giao tiếp bằng ngôn ngữ lạ, và sự hiện diện của họ khiến các thiết bị điện tử trong khu vực ngừng hoạt động. Thông tin này đã gây hoảng loạn trong cộng đồng địa phương, nhiều phụ huynh giữ con em ở nhà, thậm chí khiến cho Thị trưởng Mohammed Mleihan cân nhắc việc sơ tán toàn bộ 13.000 cư dân của thị trấn.
Sau khi nhận ra đây chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư, ông Mleihan bày tỏ sự không hài lòng và xem xét kiện tờ báo vì lời nói dối này. Ban biên tập của Al Ghad sau đó đã công khai xin lỗi, cho biết họ chỉ muốn "giải trí, không phải làm người dân sợ hãi".
Sự việc này gợi nhớ đến buổi phát thanh "War of the Worlds" năm 1938 tại Mỹ, khi một chương trình giả tưởng về cuộc xâm lược của người sao Hỏa đã gây hoảng loạn cho nhiều người nghe. Trò đùa của Al Ghad phản ánh sức ảnh hưởng ngày một lớn của thông tin truyền thông và trách nghiệm của những người trong ngành đối với cộng đồng.

Sa mạc gần thị trấn Jafr, phía đông Jordan
4. “Nhà tiên tri” được tiên tri ngày mất
John Partridge là một nhà chiêm tinh nổi tiếng tại Anh vào đầu thế kỷ 18, được biết đến qua việc xuất bản các niên lịch với những dự đoán về các sự kiện sắp diễn ra. Năm 1708, nhà văn Jonathan Swift, tác giả của "Gulliver du ký", quyết định thực hiện một trò đùa nhằm vào Partridge. Dưới bút danh Isaac Bickerstaff, Swift xuất bản một niên lịch với dự đoán rằng Partridge sẽ qua đời vào ngày 29 tháng 3 năm đó do "một cơn sốt dữ dội".
Khi ngày 29 tháng 3 trôi qua, Swift tiếp tục phát hành một bài viết khác, tuyên bố rằng Partridge đã thực sự qua đời vào lúc 11 giờ đêm như đã dự đoán. Thông tin này nhanh chóng lan rộng, và nhiều người tin rằng Partridge đã chết. Thậm chí, một người đến nhà Partridge để thu thập thông tin cho bài điếu văn.
Trước tình huống này, Partridge phải công bố rằng mình vẫn còn sống và bác bỏ tin đồn về cái chết của mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự tồn tại của ông, và sự nghiệp xuất bản niên lịch của Partridge bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trò đùa của Swift không chỉ làm mất uy tín của Partridge mà còn là một trong những trò đùa Cá tháng Tư nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Anh.

Nhà chiêm tinh John Partridge
5. Gmail Mic Drop
Vào ngày 1/ 4/ 2016, Google giới thiệu tính năng "Mic Drop" trên Gmail như một trò đùa Cá tháng Tư. Tính năng này thêm một nút "Send + Mic Drop" bên cạnh nút "Gửi" thông thường, cho phép người dùng gửi email kèm theo một ảnh GIF của nhân vật Minion thả micro và tự động lưu trữ cuộc hội thoại, ngăn chặn mọi phản hồi từ người nhận.
Tuy nhiên, việc đặt nút này gần nút "gửi" truyền thống đã dẫn đến nhiều sự cố không mong muốn. Nhiều người dùng vô tình sử dụng tính năng này khi gửi email quan trọng đến sếp, khách hàng hoặc đồng nghiệp, gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến công việc. Một số người dùng đã lên tiếng trên diễn đàn hỗ trợ của Google, cho biết họ gặp rắc rối trong công việc do sử dụng nhầm tính năng này.
Trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng, Google đã nhanh chóng gỡ bỏ tính năng "Mic Drop" và đưa ra lời xin lỗi công khai, thừa nhận rằng trò đùa này đã gây ra nhiều phiền toái hơn là niềm vui. Họ cũng giải thích rằng một lỗi kỹ thuật đã khiến ảnh GIF được gửi ngay cả khi người dùng không chủ ý sử dụng nút "Mic Drop".
