CÁC VÙNG CẤM BAY GÂY GIÁN ĐOẠN GIAO THÔNG HÀNG KHÔNG
Cuộc chiến Nga-Ukraine bùng phát hôm 24/2 lập tức khiến Ukraine tuyên bố đóng cửa không phận nước này, tạo nên No-fly zone (vùng cấm bay) với các chuyến bay thương mại, gây “tắc nghẽn” một điểm trung chuyển khá tấp nập. Các No-fly zones (vùng cấm bay) sau đó nhanh chóng mở rộng sang Moldova ở phía tây nam Ukraine, Belarus ở phía bắc Ukraine và những khu vực ở phía đông nước Nga.
Vương quốc Anh đã công bố lệnh cấm tất cả máy bay Nga sử dụng không phận của Anh từ ngày 25/2, dẫn tới phản ứng của Nga bằng lệnh cấm bay tương tự với máy bay của Anh.
Các No-fly zones (vùng cấm bay) tiếp tục mở rộng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đóng cửa không phận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên vào ngày 27/2. Đối tượng của lệnh cấm này là tất cả các hãng hàng không Nga, các máy bay thuộc sở hữu của Nga và do Nga điều hành. Canada sau đó cũng có động thái tương tự như EU, bằng tuyên bố đóng cửa không phận với các máy bay Nga từ ngày 27/2.
Đáp lại, hôm 28/2 Nga cũng thông báo đóng cửa không phận với 36 quốc gia, bao gồm Canada và nhiều nước châu Âu. Đồng thời do không thể vào không phận Canada, hãng Aeroflot (Nga) cũng thông báo dừng các chuyến bay tới 4 điểm đến tại Mỹ gồm New York, Washington, Los Angeles và Miami; cũng như tới Cancun, Mexico và Punta Cana thuộc Cộng hòa Dominica.
Từ phía Mỹ, theo báo USA Today ngày 1/3, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden thông báo: Mỹ sẽ đóng cửa không phận với tất cả các chuyến bay của Nga.
NHIỀU CHUYẾN BAY TỚI CHÂU Á PHẢI BAY VÒNG XA HƠN
Tình trạng đóng cửa không phận, tạo ra ngày càng nhiều No-fly zones (vùng cấm bay), lập tức ảnh hưởng tới ngành công nghiệp hàng không vốn đang phải “gồng mình” khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra, nay lại đối mặt với áp lực giá xăng dầu gia tăng “chóng mặt”.
Để tránh rủi ro, các hãng hàng không vẫn buộc phải định tuyến lại một số chuyến bay theo đường vòng để tránh các No-fly zones (vùng cấm bay). Điều đó khiến các tuyến đường dài hơn, làm tăng thời gian bay và tăng chi phí nhiên liệu. Ngược lại, sẽ có ít Alternate airport (sân bay thay thế nếu việc hạ cánh xuống điểm dự định ban đầu không thực hiện được) hơn, vì thế sẽ có ít chuyến bay hơn.
Trước mắt, giao thông hàng không Nga đang đối mặt với các khu vực No-fly zones (vùng cấm bay) rất lớn ở châu Âu, buộc các chuyến bay về phía tây phải đi đường vòng xa hơn nhiều.
Kể từ 27/2 tới trưa 28/2, theo dữ liệu trên website theo dõi chuyến bay FlightAware của Mỹ, số chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Sheremetyevo lớn nhất của Nga (ở Thủ đô Moskva) bị hủy chiếm tới 1/5 tổng số chuyến bay. Trong số các chuyến bay của Nga phải quay đầu tránh No-fly zones, có một chuyến của hãng hàng không Aeroflot bay gần tới không phận Canada đã phải quay lại Nga.
Tác động với các quốc gia khác cũng đã hiện hữu. Ví dụ như các chuyến bay từ London (Anh) sang châu Á phải bay vòng xa hơn nhiều về phía nam để tránh không phận Nga. Trong khi các chuyến bay của hãng Polar Air từ Mỹ tới châu Á cũng không thể sử dụng không phận Nga để có các Alternate airport (sân bay thay thế)…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chiến sự Nga-Ukraine đang tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động du lịch toàn cầu, do tình trạng gián đoạn các dịch vụ hàng không gia tăng. Điều này gây bất lợi lớn với ngành du lịch khi số lượng hành khách đa phần là du khách, được dự báo gia tăng dịp cao điểm du lịch mùa hè 2022, nhờ nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại với du lịch quốc tế.