Tại đây có một câu nói rằng, Chỉ cần trong người ta còn chảy dòng máu vùng cực bắc, vùng đất ấy sẽ luôn cất tiếng gọi.
Evgenia Arbugaeva đã dành cả thời thơ ấu để chạy khắp đây đó quanh lãnh nguyên, ngắm nhìn cực quang trên đường đi bộ tới trường, dưới màn đêm vùng cực.
Nhiều năm trước, cô rời quê hương Tikis, một cảng biển xa xôi trên bờ biển Laptev nước Nga, để đến sống ở các thành phố lớn, các quốc gia khác nhau. Nhưng đúng như câu nói cổ, Bắc Cực đã cất tiếng gọi. Cô khao khát sự cô lập và nhịp sống chậm rãi của nơi ấy. Tại miền viễn bắc băng giá, trí tưởng tượng của cô bay như gió, không có chướng ngại vật. Mọi đồ vật đều trở thành biểu tượng, mọi sắc màu đều có ý nghĩa.
Đối với những người tôi chụp cũng vậy. Đôi khi, tôi lại nghĩ câu chuyện của họ là các chương trong một cuốn sách, chúng hé lộ những giấc mơ khác nhau, nhưng đều được kết nối bằng tình yêu dành cho mảnh đất này. Có một ẩn sĩ tưởng tượng rằng mình đang sống trên một con tàu trên biển, và một người phụ nữ trẻ ước mong được sống cùng người mình yêu bên rìa thế giới. Có một cộng đồng người vẫn đang lưu giữ quá khứ và tương lai, họ tuân theo các truyền thống và kể lại những câu chuyện thần thoại của tổ tiên. Cuối cùng, có cả giấc mơ khám phá và chinh phục vùng địa cực của Liên Xô cũ. Mỗi giấc mơ lại có một bảng màu và bầu không khí riêng biệt. Mỗi con người ở lại đây, đều có một lý do để ở lại.
Giấc mơ đầu tiên thuộc về Vyacheslav Korotki. Ông là trạm trưởng của Trạm khí tượng Khodovarikha lâu đời, trên một bán đảo biệt lập ở biển Barents - một vùng đất cằn cỗi, gầy guộc mà Korotki tả, có cảm giác giống như một con tàu.
Lần đầu tiên gặp ông, Evgenia ngay lập tức nhận ra chiếc áo khoác vải bạt ông đang mặc, loại mà tất cả đàn ông đều mặc thời Xô Viết ở quê cô. Ông Korotki là một polyarnik - có nghĩa là chuyên gia về vùng cực bắc, và đã dành cả cuộc đời mình để làm việc ở Bắc Cực. Đến hôm nay, ông vẫn làm công việc báo cáo thời tiết.
Bên ngoài cửa trạm, Evgenia có thể nghe thấy tiếng băng chuyển động và tiếng gió mài qua dây điện đài radio, nghe như có người thổi sáo. Bên trong thì yên lặng, chỉ có tiếng bước chân của Korotki và tiếng cửa kêu cót két đánh dấu thời gian trôi qua. Cứ sau ba tiếng, ông lại ra ngoài, rồi trở lại, lẩm bẩm quan sát một mình: "Gió nam tây nam, 12 mét/giây, gió giật tới 18 mét, đang mạnh dần lên, áp suất giảm, sắp có bão tuyết”. Sau đó, ông sẽ báo lại toàn bộ những thứ ấy cho một người mà ông chưa bao giờ gặp mặt, ở đầu bên kia của chiếc radio cũ kêu rè rè.
Đến một ngày, Evgenia cảm thấy chán ngán. Màn đêm vùng cực khiến suy nghĩ của cô trở nên hỗn loạn. Cô mang một tách trà đến cho Korotki và hỏi rằng làm thế nào ông có thể sống ở đây, một mình, ngày qua ngày lặp lại y như nhau.
Ông nói với tôi: "Con trông đợi nhiều quá, ai cũng vậy cả. Nhưng không phải ngày nào cũng giống nhau đâu. Con nhìn xem, hôm nay cực quang sáng ngời và có cả hiện tượng băng mỏng bao phủ biển rất hiếm gặp. Không tuyệt sao khi ta được thấy những vì sao tối nay, chúng đã trốn sau những đám mây cả tuần trời rồi". Tôi thấy có lỗi vì đã chăm chăm nhìn vào bên trong bản thân quá nhiều mà quên mất quan sát bên ngoài. Kể từ đó, tôi học cách ngắm nhìn mọi thứ với niềm yêu thích.
Có một tháng, Evgenia sống cùng một cặp vợ chồng trẻ - Evgenia Kostikova và Ivan Sivkov, họ đang thu thập dữ liệu khí tượng ở một vùng đất lạnh giá khác bên rìa nước Nga. Kostikova đã rủ Sivkov yêu quý của mình cùng nhau lên phía bắc, sau một năm bên nhau tại một thành phố ở Siberia. Họ đến đây, theo dõi thời tiết, đốn củi, nấu ăn, trông nom ngọn hải đăng và chăm sóc lẫn nhau. Nguồn trợ giúp y tế duy nhất là một chiếc trực thăng ở xa, nhưng cũng có khi phải mất hàng tuần để trực thăng bay đến nơi nếu thời tiết trở xấu. Hầu như ngày nào Kostikova cũng gọi điện thoại cho mẹ, nhưng vì có rất ít chuyện để nói, lắm khi cô chỉ bảo mẹ mở loa ngoài và cứ đi làm việc nhà như thường. Kostikova sẽ ngồi đó và lắng nghe âm thanh ở nhà nơi phương xa.
Một phần có lẽ vì sự cô lập gần như tuyệt đối, 300 người Chukchi ở làng Enurmino vẫn giữ những truyền thống từ xa xưa, sống ngoài khơi xa đất liền như tổ tiên ngày trước, tin vào những huyền thoại và truyền thuyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đối với người Chukchi, được làm thợ săn là một điều vinh dự. Dân làng săn hải mã và cá voi để sống sót qua mùa đông dài, nhưng họ vẫn tuân theo quy định hạn ngạch của Liên bang Nga và quốc tế.
Giấc mơ về sự vĩ đại của Liên Xô nay đã bị bao phủ trong sương giá ở Dikson, trên bờ biển Kara. Vào thời kỳ hoàng kim những năm 1980, nơi đây được gọi là thủ phủ Bắc Cực của Nga, nhưng kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Dikson gần như trở thành một thị trấn ma.
Những tuần đầu tiên, tôi cảm thấy thất vọng với những bức ảnh mình chụp, trong bóng tối vô tận của Dikson. Nhưng bất chợt sau đó, cực quang bừng sáng trên bầu trời, tô lên mọi thứ những ánh màu neon suốt vài giờ đồng hồ. Có một bức tượng người lính được chụp đúng lúc cực quang chuyển xanh, trông như gã quái vật Frankenstein đã trốn khỏi cuốn sách của Mary Shelley để chạy đến vùng Bắc Cực cô độc. Rồi cực quang mờ dần, và thị trấn từ từ biến mất trở lại trong bóng tối, cho đến khi không thể nhìn thấy được nữa.