Vị du khách duy nhất của Bhutan trong đại dịch

15/10/2021

Trải qua nhiều hành trình tâm linh sau những mất mát, Fran Bak từng đến Bali và Ấn Độ, rồi cuối cùng dừng bước tại Bhutan và trở thành vị khách du lịch duy nhất được phép tiến vào Vương quốc này kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Khi người chồng cùng chung sống 30 năm của bà qua đời vào năm 2018, Bak đã tìm đến và trải nghiệm rất nhiều những phương pháp thực hành tâm linh. Trong thời gian 6 tháng tại Bali, người phụ nữ 70 tuổi ấy trọ lại ở một quán cà phê, nơi người dân địa phương đang sử dụng nhiều loại cồng kim loại khác nhau để tiến hành trị liệu bằng âm thanh, họ gọi đó là thiền định bằng cồng chiêng. Mới đầu, Bak vẫn còn ngờ vực, nhưng sau đó, bà đã nhanh chóng yêu thích phương pháp này và bắt đầu tự mình tập luyện nó.

"Một sáng nọ tôi tỉnh dậy và tự nhủ, Mình sẽ mang những chiếc cồng chiêng đến Bhutan".

Từ du khách thành người nhà

Lần đầu tiên đến Bhutan vào tháng 11/2019, Fran Bak không rõ điều gì đang đợi mình ở phía trước. Ban đầu, Bhutan - hay còn có nghĩa là Vùng đất của Rồng Sấm theo tiếng địa phương - chưa bao giờ nằm trong danh sách điểm đến của Bak. Nhưng bà nghe nói, đây là đất nước đã thành lập nên Ủy ban Tổng Hạnh phúc Quốc gia và được mệnh danh là "Shangri-La cuối cùng của thế giới". Vậy nên, vào một ngày gần cuối năm 2019, bà tìm đến Công ty du lịch MyBhutan thông qua giới thiệu, sau đó tài xế Gambo và hướng vẫn viên Tashi của công ty đã đảm nhận trách nhiệm dẫn đường cho bà.

Ban đầu, Bak nghĩ hai người bạn người Bhutan này quá ít nói. Trong khi đó, Gambo và Tashi lại nghĩ Bak và tiếng cồng của bà quá ồn ào. Trong một chuyến viếng thăm quê làng Nabji của Gambo tại miền Trung Bhutan, Bak ngã bệnh và đã được dân làng hết lòng chăm sóc. Từ đó, một mối quan hệ sâu sắc được hình thành. Bak nói, dân làng gọi bà là lah, có nghĩa là "chị gái". Không chỉ yêu quý người dân Bhutan, bà còn xiêu lòng trước vùng nông thôn đẹp như tranh vẽ của đất nước này, đến mức đã phải thốt lên rằng đây quả thật là "chốn mộng mơ".

journey-to-bhutan-2e4f29fb8483

Bak đã lưu lại Bhutan suốt ba tháng, lâu hơn một tháng so với dự định ban đầu. Khi chuyến du lịch kết thúc, Bak cùng Gambo và Tashi "trở thành một gia đình", họ đã cùng nhau đến 18 trên tổng số 20 quận của Bhutan. Sau khi Bak rời đi vào tháng 2/2020, họ vẫn giữ liên lạc qua điện thoại và ứng dụng WhatsApp.

"Tôi vẫn tin rằng đến được đất nước này là một cái duyên. Bây giờ, tôi cảm thấy Bhutan như nhà của mình. Tôi thuộc về nơi đây" - Bak nói.

Từ 2020 đến đầu năm 2021, Fran Bak tiếp tục lên kế hoạch để quay lại vùng đất này. Bà chia sẻ, “Bhutan giống như một loại thuốc gây nghiện. Khi đã bắt đầu thì bạn sẽ luôn khao khát đến đó”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khi Covid-19 càn quét khắp thế giới, Bak nghĩ rằng mình không thể sớm quay lại Bhutan, tuy nhiên bà vẫn giữ liên lạc với công ty du lịch MyBhutan và bày tỏ mong muốn quay trở lại. Công ty này đã đề xuất Chính phủ xem xét để đặc cách cho Bak nhập cảnh. Bất ngờ là Hội đồng Du lịch và các cơ quan chính phủ của Bhutan, bao gồm cả Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Covid-19 đã chấp thuận.

“Tôi nhận được một cuộc gọi từ MyBhutan nói rằng 'Chúng tôi có thể đưa bà vào Bhutan, nhưng bà sẽ phải cách ly ba tuần'. Dĩ nhiên tôi rất vui lòng đồng ý. Tôi đoán họ đã phải trải qua rất nhiều thủ tục để đưa tôi đến đây” - Bak nhớ lại.

Mặc dù theo Chính phủ Bhutan, thị thực cho khách du lịch có thể được cấp tùy từng trường hợp, nhưng trên thực tế, Bak là người có thị thực đầu tiên được cấp kể từ tháng 3/2020, và cho đến nay, cũng là đơn xin duy nhất. Một đại diện của Chính phủ Bhutan xác nhận rằng Hội đồng Du lịch đã đề nghị đài thọ chi phí điểm dịch cho Bak, nhưng bà từ chối và lựa chọn tự chi trả. Theo bà, đó là một cách để bà "thể hiện tinh thần đoàn kết" của mình.

Trở về Bhutan - trở về nhà

Đặt chân đến Bhutan, Bak được giới truyền thông săn đón từ tận sân bay, hình ảnh của bà liên tục xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo địa phương. Cho đến giây phút ấy, Bak mới nhận ra mình đã làm nên lịch sử. Bà không hề mong đợi sẽ nhận được những lời hỏi thăm, cảm ơn và chào mừng từ người dân như vậy. Điều đó khiến Bak tin rằng, để đến được nơi này, mọi thứ đều đáng giá.

"Trở về Bhutan là quay trở về nhà. Giấc mơ của tôi bắt đầu ở Bhutan, và nó sẽ không bao giờ kết thúc" - Bak nói.

Empty

Người đầu tiên Bak gọi điện liên lạc sau khi trở lại Bhutan là Gambo. Lần này, vẫn là Gambo và Tashi đồng hành cùng Bak suốt chuyến hành trình. Trong ba tháng ở lại, bà lên kế hoạch đến thăm các tu viện, những cơ sở Phật giáo khác nhau và tiếp tục biểu diễn phương pháp thiền định bằng cồng chiêng của mình. Bà cho biết, phương pháp này có nhiều lợi ích, giúp mọi người thư giãn đầu óc và tâm hồn. Bà muốn đi khắp nơi để chơi cồng chiêng và tiến hành trị liệu tinh thần bằng âm thanh. Bà nói rằng những buổi trình diễn cồng chiêng tại Bhutan giúp bản thân cảm thấy kết nối hơn với người dân địa phương, “Khi biểu diễn, tôi quan sát mọi người và thấy mình đã mang đến những điều khác biệt, cũng giống như họ đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của tôi”. Bak cũng tìm đến những khu vực ít khách du lịch và chọn ở lại nhà dân để được "thấy người dân thắp đèn đốt bằng bơ (loại bơ làm từ sữa bò Tây Tạng) trên bàn thờ tổ tiên".

“Đất nước này rất đẹp, mọi người thể hiện tình yêu và lòng nhân ái. Nơi này có cách sống và cách yêu thương rất khác so với thế giới" - bà chia sẻ.

Empty

Ngay từ trước khi đại dịch bùng phát, không phải ai cũng có thể dễ dàng đến được Bhutan. Chính phủ ban hành chính sách “High Value, Low Impact”, nghĩa là du lịch mang về giá trị lớn cho đất nước nhưng đồng thời phải có ảnh hưởng ở mức thấp nhất đến quốc gia. Điều đó có nghĩa, tham quan Vương quốc là việc cực kỳ tốn kém và được điều chỉnh để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức. Tất cả các thị thực đều phải được cấp thông qua một công ty điều hành tour du lịch được Chính phủ phê duyệt, và mức thuế hàng ngày bắt buộc 250 USD (tương đương 5.700.000 VND) được áp dụng cho mọi du khách.

Matt DeSantis, người đồng sáng lập Công ty MyBhutan và cũng là người đã hết lòng giúp đỡ để đưa Bak trở lại Bhutan, cho biết chuyến thăm của Bak cũng có thể coi như một trường hợp thử nghiệm, để xem xét việc hoàn toàn mở cửa du lịch Bhutan. "Fran Bak đã tạo nên bước đột phá về nhiều mặt, bà là tia sáng hy vọng cho ngành du lịch” - ông nói.

1

Mặc dù chưa có thông tin cụ thể, nhưng Matt cho biết, ông nghe nói rằng Bhutan sẽ chính thức mở cửa trở lại vào khoảng giữa tháng 12/2020 và tháng 2/2021. Hiện tại, Chính phủ vẫn cho phép bất kỳ ai đến thăm đất nước miễn là người đó đồng ý trải qua 21 ngày cách ly bắt buộc trong trường hợp chưa được tiêm chủng, và 14 ngày nếu đã được tiêm cả hai liều.

Đồng tình với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bhutan, Bak chia sẻ rằng chuyến thăm này của bà sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu vắng một nhà lãnh đạo thực thụ mà Bhutan rất may mắn có.

Bà nói, "Bệ hạ là tấm gương về sự đoàn kết giữa các cộng đồng và cách Bhutan phản ứng chống lại đại dịch là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của việc có một nhà lãnh đạo tận tâm. Đây là sự đánh giá trung thực từ một người nước ngoài đã chứng kiến đất nước của mình thất bại trước cuộc chiến chống Covid-19. Đó là lý do tôi biết tại sao mình sẽ không bao giờ hối hận về quyết định này, vì tôi biết mình sẽ an toàn ở đây. Sau ba tháng, hãy xem số phận quyết định mọi việc như thế nào, nhưng dù sao tôi cũng không bao giờ ngừng trở lại Bhutan".

An - Ảnh: Internet - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES