Những ngày tháng 10 trên đất Tây Tạng

12/10/2021

"Mỗi một người chưa từng đến Tây Tạng, lòng đều tin chắc rằng sẽ có một ngày được đặt chân lên mảnh đất này. Mỗi một người đã rời xa Tây Tạng, đều đinh ninh sẽ có ngày quay trở lại, bởi vì họ đã để lại một phần linh hồn mình nơi đó."

Giữa tháng 10 của hai năm trước, những mỏm núi tuyết trắng xóa của dãy Himalaya hùng vĩ hiện ra trên nền trời xanh ngắt, những chiếc cờ lung-ta ngũ sắc phấp phới tung bay trên hoang mạc bao la, những hàng cây chuyển màu lá vàng ươm như thắp nến bên đường, những cơn gió nhẹ thoáng qua cuốn theo vài chiếc lá rơi vào không gian xanh thẳm, những dòng sông tĩnh lặng, mặt nước biếc xanh và hàng cây quyến rũ soi mình... Giữa cảnh sắc trời thu mênh mang ấy, tôi xao xuyến, ngẩn ngơ, không nghĩ mình lại có một mùa thu Tây Tạng đẹp và mơ màng đến vậy.

Con đường trập trùng núi tuyết.

Con đường trập trùng núi tuyết.

Cung đường vàng từ sân bay Gonggar về Lhasa

Đáp sân bay Gonggar trong một buổi chiều thu, chúng tôi cảm nhận rất rõ cái không khí lạnh giá của cao nguyên Thanh Tạng. Giữa trời xanh mây trắng trên độ cao gần 4.000 m so với mực nước biển, những con đường lá vàng cứ hiện ra thênh thang như trải thảm đón chúng tôi từ sân bay về thủ phủ Lhasa. Khung cảnh đẹp nao lòng khiến chúng tôi không tài nào cưỡng lại được. Ngồi trên xe lòng cứ thấp thỏm, mong được ra khỏi xe, được ôm lấy trời thu Tây Tạng huyền bí mà bao người mong một lần được đặt chân đến. Nhẽ ra phải sống chậm lại để thưởng thức trọn vẹn những phút giây đó, nhưng những kẻ phàm trần như chúng tôi, lần đầu tiên đặt chân lên cõi thiên đường hạ giới này, làm sao lòng có thể bình thản trước khung cảnh mộng mơ như thế? Chúng tôi cứ lo sợ những ngày sau đó, không biết có còn cơ hội được thấy cảnh thần tiên như thế nữa không, cũng may, bác lái xe hiểu ý và rất chiều lòng, thường báo hiệu cho chúng tôi khi xe sắp đi qua những cung đường đẹp, rồi thỉnh thoảng cho dừng xe lại để cả nhóm xuống xe, tha hồ chụp ảnh.

Empty
Empty
Trên đường từ sân bay Gonggar về trung tâm Lhasa

Trên đường từ sân bay Gonggar về trung tâm Lhasa

Tibetan Tree - một loại cây ở Tây Tạng

Tibetan Tree - một loại cây ở Tây Tạng

Sắc thu ngập tràn thủ phủ Lhasa

Những ngày đầu tiên khi đến Tây Tạng, chúng tôi dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và chỉ đi tham quan quanh nội thành Lhasa để cơ thể thích nghi dần với độ cao. Kunkun, anh hướng dẫn người Tạng bảo chúng tôi phải đi chậm, hít thở sâu, uống nhiều nước, tránh vận động quá sức bởi ở vùng cao như thế, lượng oxy loãng, rất dễ bị sốc độ cao. Nhờ thế mà mỗi khoảnh khắc khi ghé thăm cung điện Potala, đền Jokhang, đền Ramoche và khu phố Barkhor, chúng tôi đều thong thả dạo bước và cảm nhận rõ hơi thở mùa thu của Lhasa. Từ cung điện Potala, chúng tôi có thể nhìn được toàn cảnh thành phố. Dường như Lhasa đã thay đổi khá nhiều so với trước đây, nhiều nhà cao tầng khang trang lộng lẫy hơn, không giống “vùng đất của các vị Lạt Ma” hoang sơ như tôi đã từng đọc trong một vài cuốn sách. Nhưng dù sao từ Potala nhìn xuống, Lhasa vẫn nhỏ bé, yên bình và quyến rũ trong sắc thu.

Cung điện Norbulingka (Cung điện mùa hè của các vị Đạt Lai Lạt Ma)

Cung điện Norbulingka (Cung điện mùa hè của các vị Đạt Lai Lạt Ma)

Empty
Cung điện Potala

Cung điện Potala

Empty
Empty
Toàn cảnh thủ phủ Lhasa nhìn từ Potala

Toàn cảnh thủ phủ Lhasa nhìn từ Potala

Đường đến Everest Base Camp

Khi không khí mùa thu vẫn còn rộn ràng lắm ở Lhasa, chúng tôi phải khởi hành đến điểm tiếp theo của cuộc hành trình: trại ngắm đỉnh núi cao nhất thế giới Everest (Everest Base Camp) ở tu viện Rongbuk. Từ Lhasa đến Rongbuk khá xa, tầm 800 km đường đèo và hoang mạc bao la, chúng tôi phải chia hành trình thành hai chặng, mất hai ngày đường mới đến được nơi để ngắm nóc nhà thế giới. Những tưởng hành trình dài ấy chắc sẽ mệt mỏi lắm, rút cục, chúng tôi lại vô cùng phấn khích khi chiếc xe 24 chỗ của Tibet F.I.T đưa cả nhóm ngược dòng sông Yarlung, qua những vùng thôn quê hoang dã của Gyantse, Shigatse.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Dọc theo con sông dài nhất ở khu tự trị Tây Tạng ấy, chúng tôi lại một lần nữa ngỡ ngàng với những rừng lá vàng soi bóng xuống mặt nước, đẹp ngất ngây. Cứ mỗi điểm dừng, anh hướng dẫn chỉ cho 10 phút tham quan chụp hình để còn lên đường cho kịp hành trình đã định, nhưng lần nào chúng tôi cũng nán lại thêm vài phút. Nếu anh hướng dẫn không giục lên xe đi tiếp, chúng tôi tưởng như mình có thể ngồi đó mãi.

Empty
Hàng cây soi bóng xuống sông Yarlung

Hàng cây soi bóng xuống sông Yarlung

Empty
Dãy Himalaya với đỉnh Everest ngạo nghễ

Dãy Himalaya với đỉnh Everest ngạo nghễ

“Hàng cây thắp nến” trên đường đến thánh hồ Namtso

Sau khi ngắm đỉnh núi cao nhất thế giới từ Everest Base Camp ở độ cao 5.150 m và trải qua một đêm đáng nhớ ở Rongbuk, chúng tôi phải rời đi sớm bởi điều kiện sống ở đây khá khắc nghiệt, nhiều bạn trong đoàn mất ngủ vì lo lắng và sốc độ cao.

Tạm biệt Everest, chúng tôi trở lại Shigatse, rồi thêm một đêm nghỉ lại ở thị trấn Damxung nữa trước khi đến với hồ nước mặn cao nhất thế giới Namtso (ở độ cao 4.718 m). Namtso còn được biết là hồ nước vô cùng đẹp và linh thiêng, hầu như du khách nào đến với Tây Tạng lần đầu cũng sẽ tìm đến.

Empty
Empty
Những con đường từ Shigatse đến Namtso

Những con đường từ Shigatse đến Namtso

Cung đường Shigatse đến Namtso đưa chúng tôi đi qua nhiều bất ngờ thú vị. Có đoạn đường với những tán lá cây đan vào nhau thành vòm, lãng mạn như lối vào một thánh đường. Có đoạn đi qua những hoang mạc bao la, những đồi núi tuyết nhấp nhô, trắng mịn như những “ly kem dừa” hấp dẫn. Rồi còn cả con đèo Lakenla cao 5.190 m làm chúng tôi choáng ngợp.

Empty
Empty
Hồ Namtso nhìn từ đỉnh đèo Lakenla

Hồ Namtso nhìn từ đỉnh đèo Lakenla

Xe dừng lại trên đỉnh đèo, tôi phóng tầm mắt nhìn xuống hồ Namtso xanh biếc bên dưới. Nhiệt độ ngoài trời lúc ấy khoảng âm 4 độ C, lạnh tê tái. Chúng tôi không thể ở ngoài trời quá lâu nên phải đổ đèo càng sớm càng tốt. Rời Lakenla trong luyến tiếc, chúng tôi đi thêm 30 km nữa mới đến hồ thiêng. Namtso quả thật xứng danh là biển hồ, với diện tích mặt nước rộng lên đến 1.920 km2, được bao bọc bởi những dãy núi quanh năm tuyết phủ. Ngắm Namtso mới thấy rõ được thiên nhiên Tây Tạng hùng vĩ đến nhường nào.

Empty
Empty

Rời Namtso, chúng tôi trở lại Lhasa, chuẩn bị chia tay thiên đường hạ giới để trở về với cõi thực. Khi lên kế hoạch đến Tây Tạng vào tháng 10, tôi chỉ hy vọng sẽ gặp thời tiết tốt, ít mưa, trời trong xanh để có thể nhìn ngắm thật kỹ đỉnh Everest ngạo nghễ - giấc mơ của biết bao người. Nhưng không ngờ Tây Tạng lại ưu ái đón tôi trong tràn ngập sắc thu đẹp miên man đến vậy.

Empty

Tạm biệt Tây Tạng, tôi lại nhớ đến lời của Diêu Mẫn trong cuốn “Bất Phụ Như Lai Bất Phụ Khanh” viết về vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 Thương Ương Gia Thố: Mỗi một người chưa từng đến Tây Tạng, lòng đều tin chắc rằng sẽ có một ngày được đặt chân lên mảnh đất này. Mỗi một người đã rời xa Tây Tạng, đều đinh ninh sẽ có ngày quay trở lại, bởi vì họ đã để lại một phần linh hồn mình nơi đó.

Mai Trang
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES