Bờ biển Skeleton - nơi hư vô tận cùng Trái đất

03/02/2022

Bờ biển Skeleton, một dải bờ biển nằm ở phía tây nam châu Phi, nơi tận cùng Trái đất, vẫn tồn tại như một lời nhắc nhở lạ kỳ và đẹp đẽ rằng cuối cùng, con người chúng ta cũng bất lực trước thiên nhiên và thời gian.

Chúng tôi đã lái xe suốt bốn tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy một bóng ma nào khác. Không có người. Không có ô tô. Chỉ có sự lạ kỳ, hư vô trống rỗng trải dài về phía nam đến tận chân trời. Bên trái, sa mạc; bên phải, đại dương. Một con đường đầy muối và cát khâu chặt hai bên trái phải với nhau. Dưới bầu trời u ám, cát-biển-đường mờ dần, thành ba vệt dài màu nâu xám không tài nào phân biệt nổi.

Đường cao tốc C34, dọc theo bờ biển của Namibia, hầu như không thể phân biệt được với sa mạc xung quanh.

Đường cao tốc C34, dọc theo bờ biển của Namibia, hầu như không thể phân biệt được với sa mạc xung quanh.

Chúng tôi đang đi dọc theo bờ biển Skeleton của Namibia, vùng đất được coi là nơi tận cùng của Trái đất. Nhìn qua tấm kính chắn gió đầy bụi, tôi nghĩ cái tên ấy cũng có vẻ hợp lý. Bờ biển Skeleton hoang dã khởi đầu từ biên giới phía bắc của Namibia với Angola, và tiếp tục kéo dài 482 km về phía nam đến thị trấn Swakopmund trước đây là thuộc địa của Đức, nơi các tiệm bánh và các quán bia sân vườn vẫn nằm đầy các con phố - và nơi, một thế kỷ trước, hàng nghìn người châu Phi của hai nhóm dân tộc Herero và Nama bị tàn sát bởi quân lính Đức.

Khu vực này cất giữ một sự pha trộn không giống bất kỳ nơi nào khác trên quả địa cầu - giữa các nền văn hoá, phong cảnh và giống loài - và đôi khi, gợi lên hình ảnh của một vùng đất hoang hậu tận thế.

Năm 1892, thị trấn cảng Swakopmund được thành lập làm thuộc địa của Đế quốc Đức, đến nay ngôn ngữ và kiến trúc Đức vẫn còn ngự trị ở đây. Hai nghìn người của bộ lạc Herero từng bị giết trong trại tập trung do quân đội Đức điều hành trong các cuộc Chiến tranh Herero vào đầu những năm 1900. Nhiều năm sau, thị trấn trở thành điểm đến du lịch của người dân Namibia, chủ yếu là người da trắng.

Năm 1892, thị trấn cảng Swakopmund được thành lập làm thuộc địa của Đế quốc Đức, đến nay ngôn ngữ và kiến trúc Đức vẫn còn ngự trị ở đây. Hai nghìn người của bộ lạc Herero từng bị giết trong trại tập trung do quân đội Đức điều hành trong các cuộc Chiến tranh Herero vào đầu những năm 1900. Nhiều năm sau, thị trấn trở thành điểm đến du lịch của người dân Namibia, chủ yếu là người da trắng.

Một ngôi nhà ở Swakopmund.

Một ngôi nhà ở Swakopmund.

Một năm trước đó, chúng tôi thu dọn cuộc sống, rời nhà và bỏ lại công việc ở Seattle với kế hoạch chu du vòng quanh thế giới, để rồi chỉ vài tuần sau chuyến đi đầu tiên, tất cả đột ngột bị đảo lộn vì dịch Covid-19.

Khi mọi thứ dần mở lại vào cuối năm 2020, chúng tôi quyết định rằng nếu làm cẩn thận, mình vẫn có thể bắt đầu lại kế hoạch du lịch lúc trước. Vậy thì phải trả lời những câu hỏi sau: Những quốc gia nào hiện đang cho phép công dân Hoa Kỳ nhập cư? (Rất ít). Đến đâu thì an toàn, dựa theo đánh giá về số lượng người nhiễm Covid-19, quy định xét nghiệm và yêu cầu đeo khẩu trang? (Thậm chí còn ít hơn). Và quan trọng nhất, ở đâu thì chúng tôi sẽ không trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế của đất nước sở tại, nếu không may chúng tôi nhiễm bệnh?

Namibia nhanh chóng vươn lên dẫn đầu danh sách. Nằm trong số các quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới, và là nơi chúng tôi có thể đi du lịch tự túc một cách hoàn toàn độc lập, đây có vẻ là một lựa chọn hoàn hảo. Lúc đó, chúng tôi không hề biết mình sẽ kinh ngạc ra sao trước cảnh quan rộng lớn và đa dạng của vùng đất ấy.

Các biển báo trên đường dọc theo đường cao tốc C34, hay còn gọi là Đường Bờ biển Skeleton.

Các biển báo trên đường dọc theo đường cao tốc C34, hay còn gọi là Đường Bờ biển Skeleton.

Namibia là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới, chỉ với ba người trên mỗi kilômét vuông.

Namibia là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới, chỉ với ba người trên mỗi kilômét vuông.

Trước khi chọn Namibia làm điểm đến tiếp theo, tôi biết rất ít về đất nước này, vậy nên chúng tôi đã ngay lập tức bắt tay vào tìm hiểu lịch sử và địa lý Namibia. Khi tìm đến bờ biển Skeleton, đọc những câu chuyện về các con tàu đắm, về bối cảnh lạ lùng và những viên kim cương từ thế kỷ 20, tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc. Sự hoang sơ, vắng lặng, bí ẩn chưa ai hiểu rõ - tất cả những điều ấy thắp sáng trí tưởng tượng của tôi, và tôi biết, mình phải trải nghiệm và chụp ảnh nơi này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Cổng Ugab, lối vào phía nam của bờ biển Skeleton, với hình ảnh trang trí để cảnh báo về những nguy hiểm và điều kiện khắc nghiệt đang chờ đợi du khách ở phía bên kia.

Cổng Ugab, lối vào phía nam của bờ biển Skeleton, với hình ảnh trang trí để cảnh báo về những nguy hiểm và điều kiện khắc nghiệt đang chờ đợi du khách ở phía bên kia.

Cánh cổng dẫn lối vào Công viên Quốc gia bờ biển Skeleton, một nơi gần sông Ugab, được canh giữ bởi hai chiếc đầu lâu xương chéo và bộ xương sườn cá voi cao ngất. Chúng nhìn chằm chằm như đang cảnh báo: "Hãy từ bỏ hy vọng đi, hỡi những kẻ lạ ghé thăm".

Chúng tôi nín thở khi lái xe vào địa phận bờ biển Skeleton, cầu nguyện rằng chiếc Toyota Hilux đi thuê này - chiếc xe nơi ăn chốn ở trong mấy tuần nay của mình, sẽ không bất chợt nổ lốp; và rằng chúng tôi sẽ không bị mấy con sư tử ven biển ăn thịt; vì phía trước sẽ không còn là vùng đất của con người.

Đi về phía tây từ cổng thị trấn Springbokwasser vào Công viên Quốc gia bờ biển Skeleton.

Đi về phía tây từ cổng thị trấn Springbokwasser vào Công viên Quốc gia bờ biển Skeleton.

Sa mạc khô cằn, đi mãi sẽ dẫn đến những con sóng khổng lồ vùng Đại Tây Dương - nơi biển khơi từng khiến nhiều thuỷ thủ, tàu bè, máy bay và động vật phải bỏ mạng. Những cái xác tàu chở hàng, những bộ xương trắng ởn, hiện vẫn còn đó như lời nhắc nhở về sự nghiệt ngã của nơi đây. Đó là một vùng đất khắc nghiệt, hầu như không có gì mọc lên, và nguy hiểm rình rập mọi nơi: từ những ngọn núi hoang vu đến cảnh sương mù dày đặc ven biển.

Du khách thường bị hấp dẫn bởi đường bờ biển rải rác xác tàu ấy. Mặc dù chỉ một ít trong số đó còn tồn tại đến nay, nhưng sự thật là đã có hàng trăm tàu thuyền phải chấm dứt số phận ở bờ biển Skeleton và bị môi trường tự nhiên từ từ nuốt chửng.

Về phía cực Bắc, dấu vết của con tàu chở hàng Dunedin Star vẫn còn đó. Và tàu Blue Star của Anh bị đắm rồi trôi vào bờ năm 1942, khiến 106 hành khách và phi hành đoàn hoàn toàn mắc kẹt. Hay một chiếc máy bay và một con tàu kéo, với những phi hành đoàn thiệt mạng trước khi kịp cứu hộ. Ở phía cực Nam, con tàu chở hàng Eduard Bohlen, mắc cạn vào năm 1909, bây giờ chỉ có thể nhìn thấy từ trên cao, nằm cách đất liền hơn 400 m, nay trở thành một con tàu ma quái được bao quanh bởi sa mạc.

Những tàn tích của một giàn khoan dầu cũ bị muối, cát và không khí biển ăn mòn.

Những tàn tích của một giàn khoan dầu cũ bị muối, cát và không khí biển ăn mòn.

Hộp sọ của một con eland, một con linh dương châu Phi trông giống bò và các động vật khác được gắn chặt vào một cột gỗ dọc theo đường cao tốc.

Hộp sọ của một con eland, một con linh dương châu Phi trông giống bò và các động vật khác được gắn chặt vào một cột gỗ dọc theo đường cao tốc.

Dấu tích còn lại của South West Seal, một tàu cá mắc cạn năm 1976.

Dấu tích còn lại của South West Seal, một tàu cá mắc cạn năm 1976.

Chúng tôi nhìn thấy tàn tích của South West Seal, một con tàu bị sóng đánh dạt vào bờ năm 1976, giờ chỉ còn là đống gỗ và kim loại rỉ sét lấp ló trên cát. Zeila, một chiếc thuyền đánh cá mắc cạn năm 2008 gần vịnh Henties, cũng mục nát lắm nhưng ít nhất vẫn còn nguyên vẹn - hiện đang là nơi sinh sống của hàng chục con chim cốc đế ngay ngoài khơi.

Những dấu vết nhân tạo ít ỏi ở đây đều trong tình trạng đổ nát: những tấm biển báo chỉ đường đã phai màu loang lổ, một giàn khoan dầu bỏ hoang chỉ còn lại một đống rỉ sét, đang dần bị ăn mòn bởi thời gian, cát và không khí biển. Cứ vài phút, tôi lại dừng xe lại để chụp những thứ ấy, khiến cho chuyến đi đáng lẽ chỉ 6 tiếng trở thành hành trình kéo dài 11 tiếng.

Khu bảo tồn Hải cẩu Cape Cross là nơi sinh sống của một trong những đàn hải cẩu lông nâu lớn nhất thế giới.

Khu bảo tồn Hải cẩu Cape Cross là nơi sinh sống của một trong những đàn hải cẩu lông nâu lớn nhất thế giới.

Dọc theo con đường, chúng tôi băng ngang những điạ điểm kỳ lạ khác: Khu bảo tồn Hải cẩu Cape Cross, nơi sinh sống của hơn 200.000 con hải cẩu lông nâu nặng mùi; hay Công trình muối Vịnh Walvis, nơi những vựa muối khổng lồ mang màu hồng sáng vì có chứa loài vi tảo Dunaliella salina, trông rất đồng bộ với những con hồng hạc đang rình rập săn tôm ở vùng đầm lầy gần đó. Những chiếc bàn tạm bợ xếp dọc con đường phía bắc Swakopmund, trên đó là hàng chục viên đá tinh thể muối khoáng halit màu hồng nhạt, bên cạnh thường là các thùng tiền rỉ sét, nằm chờ những người qua đường lương thiện bỏ lại vài đô để đổi lấy một kho báu.

Khung cảnh cằn cỗi mang đến cảm giác như một thế giới khác, thô sơ và hùng vĩ. Vừa phấn khích lại vừa kinh hãi. Màu sắc của cảnh vật và đường bờ biển từ từ thay đổi, cát đỏ dần khi chúng tôi đi xa hơn về phía nam và đi vào Công viên Quốc gia Namib-Naukluft, nơi có sa mạc lâu đời nhất thế giới: Namib.

Cồn cát 7 trên sa mạc lâu đời nhất thế giới vào lúc hoàng hôn. Được đo ở độ cao hơn 382 m, đây là cồn cát cao nhất ở Namibia.

Cồn cát 7 trên sa mạc lâu đời nhất thế giới vào lúc hoàng hôn. Được đo ở độ cao hơn 382 m, đây là cồn cát cao nhất ở Namibia.

Đất nước non trẻ Namibia mới giành được độc lập vào năm 1990, nhưng sa mạc Namib đã tồn tại ít nhất 55 triệu năm. Tưởng như trong suốt sự vô tận của thời gian, nơi ấy vẫn luôn có những đụn cát cao ngất mải miết lao mình xuống biển cả sôi trào.

Sự đơn độc và xa cách mà chúng tôi đang theo đuổi lúc ấy, trong hành trình tìm kiếm một phần cô đơn của thế giới, đã đưa chúng tôi thoát khỏi dịch bệnh đang hoành hành mọi nơi, hay những ngày giờ làm việc vất vả trong cuộc sống thường nhật. Namibia khiến chúng tôi cảm thấy mình nhỏ bé và tầm thường, theo một cách thật tuyệt vời. Đó là viễn cảnh mà tôi thường khao khát khi sống trong một thế giới ngập ngụa những cơn thoả mãn tức thì, và những trận chiến không bao giờ kết thúc để được làm trung tâm của sự chú ý. Và cuối cùng, bờ biển Skeleton thật là một lời nhắc nhở kỳ lạ và đẹp đẽ rằng, con người chúng ta bất lực trước thời gian. Rằng trong cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, thiên nhiên luôn chiến thắng.

(Bài viết và hình ảnh của Genna Martin, trong series "Thế giới qua ống kính", đăng trên tạp chí New York Times ngày 23/1/2022)

An dịch
RELATED ARTICLES