*Andean, hay cộng đồng Andean (Andean group) là thị trường chung được Hiệp hội Thương mại Tự do Mỹ Latin phê chuẩn và được các nước Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru thông qua vào năm 1969.
Một ngày nọ, River Claure ngẫu hứng tìm kiếm từ khóa “Bolivia” trên mạng. Đúng như dự đoán, anh chỉ tìm được những hình ảnh lạc đà, núi cao và người dân mặc quốc phục. “Những hình ảnh này đều được thể hiện qua lăng kính người ngoại quốc, và cứ như thể văn hoá Andean đã đóng băng vậy” - River bộc bạch. Với anh, văn hoá Andean vẫn luôn song hành và phát triển cùng thế giới này.
Sau khi đọc Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry, River trăn trở về những hình ảnh trong cuốn sách, và về hình ảnh của quê hương. Người nhiếp ảnh gia, khi đó 23 tuổi, bắt đầu băn khoăn: Nếu như tác phẩm kinh điển ấy không lấy bối cảnh ở sa mạc Sahara mà ở núi Andes thì sao? Và nếu như nhân vật chính của câu chuyện không phải là cậu hoàng tử tóc vàng, mà là một đứa trẻ Andean tóc sẫm màu?
Trong tiếng Aymara (ngôn ngữ của nhóm người Aymara-Bolivia ở dãy Andes), không có từ nào để dịch ra với nghĩa “hoàng tử”. River đã đặt tiêu đề cho câu chuyện phiên bản của mình là Warawar Wawa ("warawar" là ngôi sao và "wawa" là đứa trẻ). Anh cảm thấy cái tên ấy mang một tính nghệ thuật, vừa nắm bắt được tinh thần của tác phẩm gốc, vừa tượng trưng cho sự linh thiêng của dãy Andes. Qua ống kính của mình, River đã nhào nặn Hoàng Tử Bé thành đứa con của các vì sao.
Trong Hoàng Tử Bé, chúng ta được nhìn thế giới qua đôi mắt trong trẻo nhất. River đã chơi cùng câu chuyện ấy với chính mình. Nhiếp ảnh gia được truyền cảm hứng bởi nhà xã hội học Silvia Rivera Cusicanqui, người đã khuyến khích mọi người tái nhận thức về văn hóa Bolivia bằng cách nắm bắt được ch'ixi. Trong tiếng Aymara, ch'ixi là cách dệt các sợi chỉ đen-trắng với nhau để tạo ra cảm giác về màu thứ ba, màu xám. River cho rằng: "Toàn cầu hóa cũng chỉ là những vệt loang màu của văn hóa bản địa". Trong tác phẩm của mình, anh "dệt" những biểu tượng Andean đan xen các biểu tượng toàn cầu một cách trực quan nhất, để người xem có thể nhìn được xa hơn, sâu hơn những hình ảnh mơ hồ trước đây về dãy Andes.
River Claure đã kết nối bộ ảnh của mình với nguyên gốc Hoàng Tử Bé như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, River Claure cho biết anh (và ekip) dù đã lên ý tưởng mới, thoát khỏi câu chuyện Hoàng Tử Bé, nhưng thực tế vẫn được dẫn dắt nhờ tác phẩm gốc. "Tôi đã xem tất cả các hình minh họa trong cuốn sách gốc, sau đó vẽ ra những ý tưởng của mình, từ rất lâu trước khi thực hiện chụp. Dù các bản phác thảo vẽ ra những thứ cụ thể, trên thực tế, tôi đã quyết định để những bức hình tự do "lơ lửng", cũng chẳng có chú thích ảnh, để chúng bay trong thế giới riêng của mình".