"ta tận hưởng một chuyến đi ngay từ khi bắt đầu nghĩ về nó"
Giữa những thách thức của đại dịch, các biện pháp cách ly làm giảm khả năng tạo ra trải nghiệm mới và kết nối giữa con người; còn chúng ta thì đang nhung nhớ sự tương tác đó hơn bao giờ hết. Song Amit Kumar, đồng tác giả trong nghiên cứu của Đại học Cornell, cho rằng cụm từ giãn cách xã hội nên thay thành giãn cách thể chất để miêu tả chính xác cái đang diễn ra, bởi thực tế, những giải pháp cách ly được đưa ra chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất con người. Việc kiểm soát cảm xúc tích cực lại là một khía cạnh khác.
Mặc dù không thể tiếp xúc gần với mọi người như thường lệ, chúng ta vẫn có thể tương tác với nhau thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến. Nhưng nếu bạn chưa biết phải nói gì, chủ đề về những dự định cho tương lai có thể là một gợi ý lý tưởng.
“Chúng ta có xu hướng dành nhiều sự quan tâm cho đời sống tinh thần của mình trong tương lai" - Matthew Killingsworth, đồng tác giả cùng Kumar, nhận định. "Suy nghĩ về những điều sắp xảy ra sẽ trở thành một niềm vui, nếu chúng ta biết hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Cũng như vậy, du lịch có thể coi là một hoạt động thú vị đáng để mong chờ”.
Khi tưởng tượng về một chuyến đi tương lai của mình, chính sự mới lạ và không chắc chắn sẽ càng kích thích hứng thú trong tâm trí. “Ở góc độ nào đó, chúng ta tận hưởng một chuyến đi ngay từ khi bắt đầu nghĩ về nó”, Killingsworth nói. “Giả dụ như khi ta tưởng tượng đang ăn Gelato trong một tiệm Pizza ở Rome hay đang đi trượt băng với bạn bè... những trải nghiệm đó hoàn toàn có thể xuất hiện trong tâm trí của ta trước khi thực tế diễn ra”.
GIỮA ĐẠI DỊCH, VẪN NÊN “mơ” về MỘT CHUYẾN ĐI
Tương lai của ngành du lịch sau đại dịch vẫn chưa rõ ràng, nhưng Killingsworth gợi ý bạn nên vẽ ra một hành trình trong mơ trước (về nơi sẽ đi, sẽ làm gì) mà không quá phụ thuộc vào thời gian cụ thể sẽ thực hiện. Hãy bắt đầu đặt vé máy bay và khách sạn ngay khi tình hình dịch ổn hơn và đã đủ an toàn để đi du lịch lại. “Nhưng nếu việc này khiến bạn càng chán nản hoặc vô vọng, thì tốt nhất hãy dẹp nó qua một bên và chờ đến thời điểm thích hợp hơn”, Killingsworth đưa ra lời khuyên.
Cựu nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả Alice Boyes đồng ý cách tiếp cận tổng quát là tốt nhất lúc này, có thể hiểu “giống như bạn đang tìm hiểu tất cả thông tin về một vườn quốc gia mà bạn muốn ghé thăm”. Khi du lịch trong mùa dịch trở thành một nỗi bất an, Boyes gợi ý rằng việc lập kế hoạch chuyến đi có thể phần nào giúp bạn xoa dịu cảm giác ấy.
“Nếu bạn có cảm giác lo âu, việc lập kế hoạch cho chuyến đi có thể mang đến sự thoải mái và giúp giảm căng thẳng”, Boyes cho biết. “Ví dụ, tôi muốn biết trước cách mình sẽ đi từ sân bay đến khách sạn khi ở một đất nước xa lạ, tôi thường xem trước hướng dẫn chỉ đường đến các địa điểm và sử dụng chế độ xem đường phố trên Google Maps, vì thế tôi tự lường trước về những vấn đề có thể xảy ra và cảm thấy tự tin hơn”.
“Loại virus này có thể là rào cản cho những chuyến đi của con người, nhưng nó không thể ngưng chúng ta suy nghĩ về những chuyến đi" - chuyên gia du lịch Rick Steves chia sẻ. “Lập kế hoạch đi du lịch có thể là điều tốt nhất cho bạn lúc này để giữ tinh thần lạc quan. Và ngay khi tình hình được kiểm soát, chúng ta đã sẵn sàng để tận hưởng chuyến đi của cuộc đời mình”.
Tạm kết
Chuỗi nghiên cứu về ích lợi của việc lập kế hoạch du lịch trong mùa dịch, thực chất, cũng là một minh chứng cho sự kì diệu của niềm tin và hy vọng. Bất chấp hoàn cảnh hiện tại ra sao, một tâm trí giữ được niềm tin và hy vọng, sẽ luôn biết cách hướng đến sự tươi sáng.
Để tạm kết lại, xin gửi tới độc giả một trích đoạn của chú Cáo dành cho Hoàng Tử Bé, về sự cần thiết của việc... lập kế hoạch.
“Chẳng hạn như cậu hẹn 4 giờ chiều sẽ đến, thế là từ 3 giờ, mình đã thấy vui. Càng đến gần giờ, mình càng thấy vui. 4 giờ mình cuống lên, mình lo lắng; và mình vụt hiểu ra cái giá của hạnh phúc!
Nhưng nếu cậu có thể đến bất cứ lúc nào, mình không biết vào lúc nào thì nên chuẩn bị trang điểm cho lông mình… Phải có nghi thức chứ!”
“Nghi thức là gì?”
“Đó là cái làm cho một ngày trở nên khác những ngày khác, một giờ khác với mọi giờ khác.”
(Hoàng Tử Bé, Antoine de Saint-Exupéry)