Tìm lại lịch sử từ những tàu buôn người nô lệ châu Phi

25/08/2021

“Ở Mỹ, lịch sử của chúng tôi - những người Mỹ gốc Phi - đã bị bỏ qua. Không ai dạy bất cứ điều gì về chế độ nô lệ trong trường học. Và tôi nghĩ, nếu bạn không biết về lịch sử của mình, bạn nhất định sẽ lặp lại nó. Điều quan trọng là chúng tôi phải dạy cho thế hệ tiếp theo. Họ là những người sẽ xoay chuyển tình thế".

Hành trình bắt đầu dưới đáy biển

Nhớ lại hồi tháng 6/2015, khi lặn qua khu tảo bẹ dưới đáy Đại Tây Dương, thợ lặn Kamau Sadiki đã dán mắt vào một vật gì đó trông giống thứ mà anh và các cộng sự đang tìm kiếm: “Đó là một mảnh gỗ bị kẹp giữa khe đá. Tôi đã do dự trước khi đến gần nó, và sau đó làn sóng dâng cao đã cuốn tôi trôi thẳng vào đây". Sadiki trở nên xúc động tột độ khi nhận ra mình đang nắm trong tay một mảnh vỡ của xác tàu Sao Jose-Paquete de Africa bị chìm ngoài khơi Cape Town, khi vận chuyển hơn 500 người châu Phi bị bắt làm nô lệ từ Mozambique đến Brazil vào năm 1794. Người ta cho rằng 212 nô lệ cùng thủy thủ đoàn đã đã thiệt mạng trong thảm họa chìm tàu này.

Các thợ lặn đang ghi chép những dấu tích của xác tàu. Ảnh: Kenneth Clark

Các thợ lặn đang ghi chép những dấu tích của xác tàu. Ảnh: Kenneth Clark

“Cảm giác như tôi có thể nghe thấy những giọng nói, tiếng la hét, sự đau đớn và thống khổ của tất cả những người bị cùm tay chân và sau đó chết trong vụ đắm tàu năm ấy”, Sadiki kể lại. “Khi đó tôi nhận ra rằng, tôi muốn giúp họ kể lại câu chuyện của mình và đưa những âm thanh thầm lặng đó vào sử sách”.

Lịch sử bị chôn vùi

Theo Cơ sở dữ liệu buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, có khoảng 35.000 con tàu được sử dụng để đưa 12 triệu người châu Phi bị bắt làm nô lệ qua Đại Tây Dương từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Một số người không thể sống sót trong cuộc hành trình và ước tính khoảng 500 đến 1.000 con tàu, bao gồm cả Sao Jos-Paquete de Africa, bị đắm trước khi đến đích. Tuy nhiên, chỉ có 5 xác tàu được tìm thấy kể từ đó đến nay, và chỉ có 2 con tàu được được khảo chứng đầy đủ. Điều này có nghĩa là hài cốt, cùng với những câu chuyện về những người nô lệ vẫn bị chôn vùi dưới đáy biển.

Sadiki là hướng dẫn viên lặn của Diving With a Purpose (DWP), một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc bảo tồn, xây dựng dữ liệu và khảo chứng các vụ đắm tàu buôn bán nô lệ ở châu Phi. Anh là một trong những người đang cố gắng mang dòng lịch sử đau thương đó ra ánh sáng.

Các thợ lặn rải cát lấy từ Mozambique gần điểm phát hiện mảnh vỡ của tàu Sao Jose-Paquete de Africa. Ảnh: Getty Images

Các thợ lặn rải cát lấy từ Mozambique gần điểm phát hiện mảnh vỡ của tàu Sao Jose-Paquete de Africa. Ảnh: Getty Images

DWP được thành lập vào năm 2003 bởi Ken Stewart, thành viên của Hiệp hội Quốc gia Những người lặn biển da đen (NABS) và Brenda Lanzendorf, một nhà khảo cổ học hàng hải của Vườn quốc gia Biscayne. Họ kết hợp với nhau sau khi cùng tham gia bộ phim tài liệu “Dự án Guerrero” năm 2004. Bộ phim kể về con tàu cướp biển Tây Ban Nha gặp nạn ngoài khơi bờ biển Florida khi đang chở 561 người châu Phi bị bắt cóc.

Stewart cam kết sẽ giúp Lanzendorf xác định vị trí một số xác tàu và dạy các kỹ thuật khảo cổ hàng hải khác, trong khi Lanzendorf hứa sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để xác định vị trí của con tàu Guerrero.

Những tiếng nói không được cất lên

Không may thay, Lanzendorf đã qua đời vào năm 2008, 5 năm sau khi DWP được thành lập. Lúc này, nhóm nghiên cứu vẫn đang mù mờ về vị trí chính xác của xác tàu Guerrero. "Nếu cô ấy biết nó (Guerrero) ở đâu, cô ấy cũng đã mang nó xuống mồ rồi. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm”, Stewart nói.

Trong những năm qua, DWP đã tham gia khoảng 18 sứ mệnh tìm kiếm các hiện vật chìm dưới đáy biển liên quan đến người châu Phi ở châu Mỹ. Họ hợp tác với Dự án Xác tàu Nô lệ (SWP), một sự kết hợp của các tổ chức điều hành bởi Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi ở Smithsonian.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Thợ lặn đang phác thảo tại chỗ hình của một hiện vật trong vụ đắm tàu. Ảnh: Matt Lawrence

Thợ lặn đang phác thảo tại chỗ hình của một hiện vật trong vụ đắm tàu. Ảnh: Matt Lawrence

Nhà khảo cổ học hàng hải Tara Roberts đảm nhận vai trò người kể chuyện của DWP. Giống như Stewart và Sadiki, cô tin rằng việc đưa ra ánh sáng những tiếng nói bị lãng quên của người châu Phi bị bắt làm nô lệ là vô cùng quan trọng. "Ít nhất 1,8 triệu người châu Phi đã chết trong cuộc vượt biên. Ai sẽ nói về điều này? Ai sẽ thương tiếc cuộc sống của những người đó?" Roberts nói.

"Chúng ta sẽ không bao giờ biết tên của họ, chúng ta cũng sẽ không bao giờ biết bất cứ điều gì về họ. Họ là những người đã mất và không ai đau buồn cho họ, không ai thương tiếc họ. Tôi không nghĩ cứ để mọi chuyện mãi như vậy", anh nhấn mạnh.

Những cuộc tìm kiếm thành công

Một trong những thành tựu gần đây nhất của DWP là vào năm 2019, họ giúp xác định vị trí của Clotilda, con tàu nô lệ cuối cùng đưa những người châu Phi bị bắt làm nô lệ đến Hoa Kỳ. Con tàu được cho là đến vào khoảng giữa năm 1859 và 1860, nhiều năm sau khi việc buôn bán nô lệ bị bãi bỏ vào năm 1808. Roberts giải thích: “Clotilda đã đi bất hợp pháp đến Tây Phi, kéo theo khoảng 110 người châu Phi”.

Ngay khi con tàu cập bến an toàn, những nô lệ bị đưa xuống, Clotilda đã bị đốt cháy để tiêu hủy mọi bằng chứng về việc vượt biên trái phép. Sau đó khi nô lệ được giải phóng, nhiều người đã quay trở lại khu vực này với hy vọng trở lại Tây Phi. Đến năm 1866, họ thành lập thị trấn đầu tiên của người gốc Phi trên đất Mỹ có tên Africatown.

Một bức tranh tường về con tàu nô lệ Clotilda được trưng bày ở Africatown, Alabama. Ảnh: Carmen K. Sisson

Một bức tranh tường về con tàu nô lệ Clotilda được trưng bày ở Africatown, Alabama. Ảnh: Carmen K. Sisson

Không giống một số xác tàu nô lệ khác, câu chuyện về những người trên tàu Clotilda được ghi chép lại rất rõ ràng. Thực tế ngày nay, vẫn có một số lượng lớn hậu duệ của những người nô lệ gốc Phi đó đang sống ở Africatown. Các cuộc kiểm tra đang được tiến hành để xác minh liệu có ai phù hợp với ADN được tìm thấy trong đống đổ nát hay không.

Sadiki, một trong những thợ lặn góp công xác định vị trí con tàu, cho biết: “Điều đáng kinh ngạc về câu chuyện này không chỉ là sự vận chuyển người bất hợp pháp, mà còn cho thấy hiện vẫn tồn tại một cộng đồng lớn người có liên quan đến con tàu đó. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với họ để kể lại câu chuyện của con tàu Clotilda".

Nhiều năm nay, Africatown bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm công nghiệp, dân số giảm và sự nghèo đói. “Một số điều khủng khiếp đã xảy ra với cộng đồng dân ở đây. Nhưng hy vọng rằng, với việc phát hiện ra Clotilda, chúng tôi có thể bắt đầu mang lại sự thịnh vượng, hòa bình và quan trọng nhất là công lý cho Africatown", Sadiki chia sẻ.

Một số ngôi mộ của những người sống sót sau chuyến tàu Clotilda có thể được tìm thấy tại nghĩa trang Cao nguyên cũ ở Africatown. Ảnh: Internet.

Một số ngôi mộ của những người sống sót sau chuyến tàu Clotilda có thể được tìm thấy tại nghĩa trang Cao nguyên cũ ở Africatown. Ảnh: Internet.

Chữa lành

Nhà khảo cổ học Roberts tin rằng bằng cách đào sâu vào quá khứ của những người đã bỏ mạng trên thuyền và kể lại những câu chuyện đó, việc “chữa lành” có thể bắt đầu. "Tôi nghĩ rằng phần lớn cách mà chúng tôi (người Mỹ gốc Phi) nhìn nhận bản thân là qua thấu kính của chấn thương, sự đau đớn và nỗi buồn", cô nói.

“Những ý niệm, cảm xúc và quan điểm đó thường được nhắc khi nói về câu chuyện của những người da đen. Tôi không nghĩ đó là tất cả, nó không đầy đủ. Tôi quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết cụ thể, và tôi tin rằng câu chuyện của chúng tôi không bắt đầu từ chế độ nô lệ”.

Stewart cũng rất đồng tình với quan điểm này. Ông đã đồng sáng lập nên Nhóm Phát triển và Dự án Thủy sinh Tennessee, nhằm thu hút những người trẻ tham gia vào tổ chức, cũng như môn lặn. Năm 2011, ông bắt đầu phát triển Nhóm thanh niên lặn có mục đích (YDWP), hướng đến độ tuổi từ 15 đến 23. Đối với Stewart, việc để thế hệ trẻ tham gia là cực kỳ quan trọng, vì ông cho rằng có nhiều người trẻ không nhận thức đầy đủ về chế độ nô lệ.

Những người trẻ tham gia

Những người trẻ tham gia "Nhóm thanh niên lặn có mục đích" năm 2013. Ảnh: DWP

Stewart nói: "Ở Mỹ, lịch sử của chúng tôi (người Mỹ gốc Phi) đã bị bỏ qua. Họ thực sự không dạy bất cứ điều gì về chế độ nô lệ trong trường học. Và tôi nghĩ 'nếu bạn không biết về lịch sử của mình, bạn nhất định sẽ lặp lại nó'. Điều quan trọng là chúng tôi phải dạy cho thế hệ tiếp theo. Họ là những người sẽ xoay chuyển tình thế".

Bây giờ, ở tuổi 76, Stewart vẫn tham gia tích cực vào hoạt động của DWP, nhưng ông cũng biết rồi sẽ đến một ngày mình phải dừng lại. Tuy nhiên, có một mục tiêu mà ông vẫn luôn nung nấu trước khi rút lui: “Nhiệm kỳ của tôi với DWP sắp kết thúc, và tôi chắc chắn muốn kết thúc bằng cách tìm ra xác tàu Guerrero. Nhưng điều tôi thực sự muốn làm hơn cả là giáo dục và thu hút một số người trẻ tiếp tục phát triển DWP”, ông chia sẻ.

"Có hàng nghìn con tàu ngoài kia vẫn chưa được tìm thấy. Và chúng tôi muốn tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm lịch sử này” - Ken Stewart.

Huyền Châu - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES