Chúng ta có cần thiết phải bàn về phim “Vị”?

02/10/2021

“Vị” không chỉ là một bộ phim được tạo ra bởi sự trống rỗng, cường điệu và tính “scandal” như một vài ý kiến đã nhận định. Ở bộ phim đó còn có sự chu đáo, phức tạp và nhiều cảm xúc thăng hoa được tạo ra. Nhưng từng đó, chưa đủ để khiến khán giả rung cảm.

Vị?

Taste (Vị) là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo, hợp tác với một số nhà sản xuất Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan. Phim dài 97 phút, lấy bối cảnh khu ổ chuột ở TP.HCM, kể câu chuyện cầu thủ người Nigeria bỏ lại cậu con trai ở quê hương để đến làm việc tại TP.HCM, nhưng nhanh chóng thất nghiệp. Anh sau đó kết bạn và chuyển đến sống cùng bốn phụ nữ trung niên người Việt.

Trước khi bị cấm phổ biến tại Việt Nam, phim "Vị" đoạt giải đặc biệt của Ban giám khảo ở hạng mục Encounters tại LHP Berlin (Đức) vào tháng 3/2021. Việc đưa phim dự LHP Berlin mà chưa được Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) cấp phép khiến công ty sản xuất phim bị phạt 35 triệu đồng. Mới đây nhất, để bộ phim được đến với đông đảo khán giả, nhà sản xuất lẫn đạo diễn đã thông báo từ bỏ quyền sở hữu đối với bộ phim, và "quốc tịch" mới của "Vị" hiện thuộc về Singapore.

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim "Vị" (nguồn: Internet)

Trong suốt tiến trình lịch sử, con người thường rất dễ bị cám dỗ để hình dung rằng mọi khái niệm văn hóa đều trải qua quá trình được sinh ra, trưởng thành, tiến tới thoái hóa, và cuối cùng là suy tàn rồi biến mất. Tất nhiên, đây là những phép ẩn dụ cho thấy con người có xu hướng tìm cách phóng chiếu vòng đời của chính mình - hoặc của thực vật hay động vật - vào các thực thể vô tri vô giác, hay trừu tượng để tìm cách hiểu hết mọi khía cạnh của thế giới. Và trong kỷ nguyên mới của kỹ thuật số, công thức này đã trở lại với chính trị, phê bình xã hội, khái niệm văn hóa và quan trọng nhất, là nghệ thuật.

Câu chuyện của bộ phim “Vị” mới đây chỉ là một xao động nhỏ trong cả làn sóng biến động của lịch sử nói trên. Rất nhiều ý kiến và góc nhìn đã được nêu ra, nhưng để thực sự chạm vào bộ phim cùng vấn đề nó đối mặt một cách khách quan lại là điều khá khó. Nếu ai từng thực sự ngồi và thưởng thức “Vị” như một bộ phim, sẽ thấy: giống như tên của chính nó (Taste), đây là một bộ phim có rất nhiều điểm nhìn, mà cần phải đối chiếu cụ thể, để phóng chiếu, mới có thể đưa ra một “phán quyết” khách quan về số phận của tác phẩm. “Vị” mang trong mình tính bản chất của cuộc tranh luận đã từng diễn ra vào năm 1917 bởi tác phẩm “Fountain” của Marcel Duchamp - một chiếc bồn tiểu bằng sứ, được ký tên R.Mutt - người thì khinh bỉ thứ tác phẩm dán mác nghệ thuật ấy, kẻ thì lại tán dương, ca tụng coi chiếc bồn tiểu bằng sứ ấy là cả một kì quan nghệ thuật hiện đại. Điều đó dẫn ta về với thực tế, để có thể đánh giá “Vị” một cách vẹn toàn thì thứ duy nhất cần được bàn bạc nhiều hơn trong xao động ấy, là cách mà nó hình thành và cách mà người ta chủ động mổ xẻ, khai thác, cũng như chia sẻ nó, liệu đã “đúng” hay chăng?

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim "Vị" (nguồn: Internet)

Văn hóa đại chúng không thể bao trùm văn hóa của một dân tộc

Các loại hình nghệ thuật, âm nhạc và văn học kết hợp với sức mạnh kỹ thuật số như “Vị”, đôi khi không nhất thiết phải được khen thưởng hoặc được đề cao trong bối cảnh của truyền thông đa phương tiện - khi người ta chỉ nhìn ở một khía cạnh mà tư duy của họ chấp nhận được - và từ điểm nhìn đấy, họ phán xét nó. Thực chất, chính những tranh cãi không đáng có đã tước đi của khán giả một trải nghiệm thú vị. Khi những cuộc cãi vã qua đi, người ta không còn xem “Vị” vì muốn xem “Vị”, mà họ sẽ chỉ soi xét kĩ lưỡng từng chi tiết, sàng lọc từng hình ảnh, để tìm cho mình những vật chứng, những chi tiết đáng để đưa vào luận điểm của riêng mình mà thôi. Thế là, họ đã thành công trong việc giết chết trải nghiệm của “Vị” dưới danh nghĩa là một bộ phim và một tác phẩm nghệ thuật.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một thực tế đáng buồn nữa cần được chú ý, bất kỳ ai cùng có thể có tư duy khách quan trong khi vẫn có những tiêu chuẩn rất chủ quan khi nhìn nhận sự việc. Chính bởi thế, nếu mang “Vị” với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật cùng luận điểm “vì nó nghệ thuật nên nó xứng đáng được tự do phóng tác”, “vì trên thế giới người ta làm thế đầy” thì rõ ràng chưa đủ. Khán giả vội vã quên đi rằng, văn hóa đại chúng không thể bao hàm khái niệm văn hóa của cả một dân tộc - những gì diễn ra trong mạch truyện chính của “Vị” có thể được chấp nhận ở Đức, ở các quốc gia phương Tây, nhưng ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung thì nó vẫn sẽ là điều cấm kị, là sự xúc phạm đến những giá trị của một dân tộc coi hình ảnh người mẹ là tôn nghiêm, là trân quý. Vì thế, đối với từng tác phẩm nghệ thuật cần phải có sự chọn lọc trong đối tượng và ý tưởng để phù hợp với mục tiêu nghệ thuật cần hướng đến. Tiếc rằng “Vị” đã chọn sai đối tượng để truyền tải thông điệp của chính nó, ngay từ đầu. Việc bộ phim bị cấm chiếu ở Việt Nam cũng chỉ là một sự kiện “giọt nước tràn ly”, hơn là điều gì đó đáng bất bình, thể hiện sự “bảo thủ”, “độc đoán” của những người đại diện cho nền điện ảnh - nghệ thuật nước nhà.

Tác phẩm Thérèse Dreaming (1938) của danh họa Balthus (nguồn: Internet)

Tác phẩm Thérèse Dreaming (1938) của danh họa Balthus (nguồn: Internet)

Trường hợp của “Vị” có thể so sánh với những gì đã xảy ra với tác phẩm Thérèse Dreaming (1938) của danh họa Balthus. Vào năm 2017, đã có hơn 8.700 kiến nghị gửi đến bảo tàng nghệ thuật Metropolitan của Mỹ, yêu cầu họ phải gỡ bức họa ấy xuống vì họ cho rằng bức tranh về một giây phút hớ hênh của cô gái trẻ sẽ tạo ra một điểm nhìn “lãng mạn hóa việc tình dục hóa một đứa trẻ”. Nhưng kiến nghị chỉ dừng lại ở việc xin gỡ bỏ, không phải tiêu hủy, hay dọa phá hủy bức tranh. Đơn kiến nghị chỉ là hình thức để yêu cầu bảo tàng tận tâm hơn trong cách tạo ra ngữ cảnh, để các tác phẩm nghệ thuật truyền tải được đúng ý nghĩa của nó. Công chúng chỉ yêu cầu bảo tàng Metropolitan thêm vào một khuyến cáo rằng: “Một số khán giả sẽ thấy tác phẩm này xúc phạm hoặc biến thái, vì sự say mê nghệ thuật của Balthus với các cô gái trẻ”.

Phát ngôn viên của bảo tàng Metropolitan khi đó đã gọi cuộc tranh cãi là “cơ hội để tranh luận” về “sự tiến hóa liên tục của nền văn hóa hiện có”.

Hành trình từ cái tôi đến cái ta

Từ câu chuyện của “Vị” và ví dụ kể trên, để thấy mỗi nghệ sĩ là một cá nhân luôn chủ động thử nghiệm các ý tưởng và hướng đi vô tận trong nghệ thuật của riêng họ, để tìm ra hành trình “đúng đắn” cho riêng mình. Nhưng trước nhất, họ phải có cái gọi là “nghệ thuật của riêng mình”. Nếu chỉ dừng lại ở một sự lai tạp chưa đủ sâu sắc hay một thử nghiệm chưa hoàn hảo, sẽ rất khó để mọi ý tưởng của người nghệ sĩ đều được chấp nhận bởi công chúng thế giới.

Người nghệ sĩ được quyền tự do sáng tạo khi và chỉ khi họ cho khán giả (hay nhân loại) được quyền tự do chấp nhận hoặc chối bỏ sự sáng tạo mà họ tạo ra. Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng không phải chúng ta chưa sẵn sàng cho “Vị”, mà thực tế, “Vị” chưa thực sự sẵn sàng cho chúng ta. Hãy nhớ, vị đạo diễn Bong Joon Ho đã cần gần hai thập kỷ theo đuổi những câu chuyện rất con người để có thể tạo lập được ra một Parasite mang tư duy của riêng mình, và được chấp nhận bởi toàn thế giới.

Bộ phim 'Parasite' (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho, chiến thắng tại lễ trao giải Oscar 2020 (nguồn: Internet)

Bộ phim 'Parasite' (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho, chiến thắng tại lễ trao giải Oscar 2020 (nguồn: Internet)

Sau cùng, điều làm cho một tác phẩm nghệ thuật trở nên sống động không phải là tính tất yếu của nó, mà chính là những quyết định mà người nghệ sĩ đã đưa ra. Chúng ta đắm chìm trong một tác phẩm, mến mộ một người nghệ sĩ không phải vì những từ ngữ, những nốt nhạc, những hình ảnh họ tạo ra là “đúng”, mà bởi vì nghệ thuật của họ mang tính mặc khải: Nó khiến cá nhân trở nên cởi mở hơn và tương phản hơn với chính thế giới mà họ đang sống.

B.J.
RELATED ARTICLES