Công diễn 5 của Chị đẹp đạp gió 2024 tiếp tục bùng nổ với Sân khấu tự do của 3 đội trưởng: Tóc Tiên, Kiều Anh và Mie. Thứ tự biểu diễn của phần này dựa trên tổng điểm Hoa sóng 2 tiết mục trước đó của mỗi đội. Tại sân khấu đội trưởng, 3 chị đẹp bắt buộc phải thực hiện thử thách chơi nhạc cụ bất kỳ. Theo đó, Tóc Tiên lựa chọn bộ môn trống nước, Kiều Anh chơi đàn nguyệt và trống, Mie chơi đàn tam.
Kiều Anh đáp lại sự mong mỏi của khán giả từ khi xuất hiện tại Chị đẹp đạp gió 2024 bằng việc đưa hát văn Cô Đôi Thượng Ngàn đến với Công diễn 5: “Tình cờ đến lúc mình có phần solo đội trưởng thì chủ đề lại là world music. Mình nghĩ quá hợp lý, thiên thời - địa lợi - nhân hoà để mình làm điều ý nghĩa này trong chương trình Chị đẹp”.
Tôn vinh văn hoá dân tộc trong từng cử chỉ
Hóa thân thành Sơn Tinh - công chúa giáng trần, Kiều Anh mở ra một chân trời hùng vĩ nơi núi đồi trùng điệp, mây giăng trập trùng. Bối cảnh sân khấu tuyệt mỹ, ánh sáng ảo diệu lẫn dàn vũ công đông đảo, “Phong Nữ x Cô Đôi Thượng Ngàn” phản chiếu sinh động cảnh đẹp Việt Nam hoang sơ nhưng choáng ngợp, thiêng liêng biết bao. Kiều Anh chưng diện bộ trang phục theo đúng lề lối khăn áo nhưng đã được biến tấu lại để phù hợp với tính chất trình diễn nghệ thuật.

Những chi tiết trên phần visual led cũng góp phần tái hiện khung cảnh núi non hùng vĩ ở vùng đất Nho Quan, Ninh Bình - nơi Cô Đôi về ngự lúc thanh nhàn
Tận dụng sở trường “ca trù”, Kiều Anh gây mê hoặc với phong cách hát yêu mị, thanh vang, vừa luyến láy vừa ém hơi nhả chữ qua làn điệu “chầu văn cổ”. Nữ ca sĩ không những chơi đàn nguyệt, gõ trống mà còn trổ tài dancebreak múa mồi lên đồng điệu nghệ. Nửa cuối tiết mục khơi dậy không khí với nhịp điệu dồn dập hơn, như một “giá đồng” thực sự. Kiều Anh khép lại bài hát với 1 không gian lễ hội màu nhiệm, đầy rực rỡ. Không ngoa khi nói, tiết mục này đã vượt qua khuôn khổ 1 bài thi, xứng đáng là 1 tác phẩm nghệ thuật.
Không chỉ thể hiện nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu, Kiều Anh còn thể hiện múa mồi lên đồng, chơi đàn nguyệt và trống. Khán giả chuyển từ thờ kính sang hoà mình vào không gian lễ hội với sự sôi động, rực rỡ mà ca nương và phần trình diễn mang lại. Sáng tác mới Phong Nữ được chắp bút bởi nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.

Cất giọng bằng những câu hát quen thuộc trong Cô Đôi Thượng Ngàn, Kiều Anh khiến khán giả bất ngờ khi chuyển sang ca khúc Phong Nữ
Tiết mục "Cô Đôi Thượng Ngàn" của Kiều Anh không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật xuất sắc mà còn là một thông điệp sâu sắc về giá trị văn hóa truyền thống. Bằng cách tái hiện hình tượng "Cô Đôi Thượng Ngàn" một cách tinh tế và đầy cảm xúc, Kiều Anh đã góp phần tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu - một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc.

Mang đến một không khí ma mị, huyền ảo, Kiều Anh lột tả sự uy quyền, thần bí, đầy linh thiêng của một vị thánh
Bằng cách sử dụng những kỹ thuật trình diễn hiện đại, cô đã mang đến cho khán giả một cái nhìn mới mẻ về một hình tượng văn hóa dân gian quen thuộc. Đồng thời, cô vẫn giữ nguyên được những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo nên một tổng thể hài hòa và ấn tượng.

Sự tích về Cô Đôi oai phong, hiển hách, được biên đạo Mạnh Quyền diễn tả khéo léo bằng rất nhiều cụm đội hình xếp tầng, tương ứng với từng phần ca từ trong bài Phong Nữ
Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả đã dành những lời khen cho màn biểu diễn của Kiều Anh. "Xem nổi da gà, mãn nhãn cả phần nghe và phần nhìn"; "Không có gì để chê"; "Giọng hát và thần thái của Kiều Anh quá đỉnh"; "Vượt ra khỏi tầm của một cuộc thi, phần trình diễn này quá xuất sắc";.... Với phong độ ấn tượng từ đầu chương trình, Kiều Anh là hiện đang là chị đẹp được đánh giá cao và hứa hẹn sẽ góp mặt trong đội hình ra mắt của Đạp gió mùa 2.

Đây không phải là một phần thi mà là một phần trình diễn với biết bao nhiêu tinh túy về văn hoá của dân tộc
Sau khi tiết mục gây sốt, Nguyễn Kiều Anh cảm thấy trân trọng và tự hào khi được gọi với danh xưng “ca nương”. Cô cảm thấy hạnh phúc vì thời gian gần đây khán giả ngày càng thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống. “Sinh ra từ cái nôi dân gian, đây không chỉ là ước mơ của tôi, mà còn là giấc mơ của rất nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang cần mẫn gìn giữ các giá trị văn hóa tưởng chừng như có những thời điểm đã mai một”, người đẹp bộc bạch.
Tín ngưỡng thờ Mẫu - một nét đẹp của văn hóa Việt
Đây là một hình thức tín ngưỡng trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần, là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ qua lịch sử. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu còn được cộng đồng biết tới qua khái niệm “hầu đồng”. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của Tín ngưỡng thờ Nữ thần
Bên cạnh đó, Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.