Hồn rối nước - Mạch nguồn văn hóa dân gian Bắc Bộ

26/12/2024

Sân khấu rối nước là trải dài những văn phạm thị giác được nắn tạo bởi nhận thức tinh nhạy của con người. Khi mà mọi kịch bản được thoát ly, mọi ngôn từ được lược bớt, dành chỗ cho cái tưởng tượng phong phú của cả kẻ diễn lẫn người xem, đó vô tình lại trở thành hình thức sân khấu lý tưởng nhất, trả lại toàn bộ cảm thức cho chủ động mỗi khán giả.

Múa rối nước, đặc sản xuất khẩu đầy mặn mà và đằm thắm

Tiếng kèn trống ngân vang, lời hát thánh thót của lấp ló đưa tai theo từng màn sương mỏng giữa những lấp lánh của mặt ao lưỡi liềm, những chú rối được thổi hồn, thoắt lướt đi ngang ẩn hiện dưới dáng vẻ cong cong của lớp mái thuỷ đình. Đằng sau cột kèo vững chắc của toà thuỷ đình, một dáng vẻ của văn hoá hiện ra, như một nét hiện thân sinh động của tiếng nói văn hiến của Bắc Bộ, của hơi thở truyền kỳ trong cội nguồn dân gian, dã sử, vương vấn chút kì ảo, nhưng không xa rời khỏi tâm thức chốn nhân gian.

Bài liên quan
Empty

Có lẽ bên cạnh bát phở, thì múa rối nước cũng xứng đáng trở thành một đặc sản xuất khẩu đầy mặn mà và đằm thắm. Chúng ta có cả loạt những sân khấu mang hồn phách của diễn xướng dân gian, nhưng có thể khẳng định, trên phương diện nghệ thuật, múa rối nước là sự tổng hoà đặc sắc của nghệ thuật dân gian và kỹ xảo truyền thống.

Múa rối nước là sự tổng hoà đặc sắc của nghệ thuật dân gian và kỹ xảo truyền thống

Múa rối nước là sự tổng hoà đặc sắc của nghệ thuật dân gian và kỹ xảo truyền thống

Empty
Empty

Trên sân khấu nước, quân rối gỗ, một tạo tác độc đáo, sử dụng vật liệu gỗ vốn dĩ cứng cáp để tái hiện sự uyển chuyển mềm mại của văn hoá, mà văn hoá đó, kết tinh từ phong vị đời sống nguyên bản từ những làng quê Bắc Bộ, lại có cả tính văn học, lồng ghép với kết cấu của phương ngôn, tục ngữ, ca dao, dân ca đặc trưng của các làng nghề. Tính văn học trong rối nước bao quát, thoáng đạt, thoát thai khỏi sự gò bó cố định trong chỉ một hình thức thơ văn. Những con rối, sơn son thếp vàng bởi sự mộc mạc, tức nghĩa đủ đẹp mà gần gũi, không quá cao xa.

Nhắc tới các thể loại diễn xướng dân gian; kịch bản, ngôn ngữ văn học và nghệ thuật phản chiếu nội tâm qua diễn xuất bằng đài từ, thao tác được đề cao khổ luyện hơn cả. Nhưng ở múa rối nước, cái thu hút khán giả lại chính là hành động ngoại hình của quân rối. Quân rối đứng giữa, trở thành phần tử gián tiếp truyền tải tính liên kết giữa người với người. Vì thế, rối nước bỏ qua những diễn xuất của cơ thể vật lý, nhưng đòi hỏi một cách thức biểu đạt trung gian (quân rối) đầy điêu luyện và tài tình.

Empty
Empty
Empty
Ở múa rối nước, cái thu hút khán giả lại chính là hành động ngoại hình của quân rối

Ở múa rối nước, cái thu hút khán giả lại chính là hành động ngoại hình của quân rối

Tính người được thể hiện một cách ẩn dụ hơn, khi mọi đồ vật được phi vật chất hoá, nắm giữ vai trò điều tiết nhịp điệu tự nhiên của chúng. Ngay cả khi phát triển hơn, có lồng ghép ngữ điệu văn học, nhưng hành động ngoại hình của quân rối mới là thứ nắm linh hồn của cả vở diễn. Đồng ý rằng ngôn từ tô vẽ thêm màu sắc cho thể loại diễn xướng này, thì tính cốt yếu vẫn nằm ở mối quan hệ giữa người nghệ sĩ (biểu đạt) với quân rối (phương tiện biểu đạt). Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa óc tưởng tượng của con người, với những vật vô trihoạt động như thật.

Tại nhà hát múa rối nước Thăng Long (Hà Nội), tiếp nhận du khách ghé thăm cả trong và ngoài nước, sân khấu rối nước tại đây trải dài những văn phạm thị giác được nắn tạo bởi nhận thức tinh nhạy của con người. Khi mà mọi kịch bản được thoát ly, mọi ngôn từ được lược bớt, dành chỗ cho cái tưởng tượng phong phú của cả kẻ diễn lẫn người xem, đó vô tình lại trở thành hình thức sân khấu lý tưởng nhất, trả lại toàn bộ cảm thức cho chủ động mỗi khán giả.

Empty

Bởi lẽ đó, rối nước không chỉ là nét riêng của cộng đồng dân cư Bắc Bộ sau luỹ tre làng, mà còn được biến chuyển một cách tài tình theo dòng chảy đầy đa dạng của nhiều tộc người ở mọi lãnh thổ văn hoá khác nhau. Tinh gọn sự cầu kỳ về kịch bản và ngôn từ, để từ đó, ai cũng nhận thấy rằng, nội dung truyền tải qua ngôn ngữ biểu hình có tính phổ quát rộng hơn so với sự diễn giải bằng lời nói, vươn cao vươn xa hơn tới đa dạng bản sắc trên toàn cầu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Song dấu ấn của nghệ thuật múa rối nước còn lại đến ngày nay mà chúng ta nhận biết được là vào đời vua Lý Nhân Tông năm 1121, trên bia Sùng Thiện Diên Linh đặt tại chùa Long Ðọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Văn bia chùa Đọi có ghi nhân dân biểu diễn các trò diễn “leo dây múa rối” để mừng thọ Vua. Vì thế, có lẽ khi xưa Leo dây và múa rối thường được diễn tổng hợp với nhau. Leo dây có chăng chính là cha đẻ của xiếc hiện đại.

Empty
Empty
Empty

Căn cốt của nghệ thuật múa rối nước

Điểm giao kết giữa xiếc và múa rối đó là tính kỳ, tính nghịch thường, yếu tố níu kéo sự nhập tâm nơi khán đài. Những quân rối chuyển động, nhảy múa, ca hát trên nền nước mà người xem chẳng rõ chúng chuyển động bằng cách nào. Giữa mênh mông sóng nước, những nỗi trầm trồ xuất hiện lớp lang giữa màn sương ảo vọng.

Tính ly kỳ, thể hiện ở chỗ bất ngờ xuất hiện, bỏ ngoài sự phán đoán, tưởng tượng của người xem. Tính nghịch thường, cũng chính là cái kỳ ngộ và độc đáo. Trên sân khấu xiếc, người diễn viên có thể giữ thăng bằng trên dây, có sự thiên biến vạn hoá... những điều nghịch thường hoà quyện ở hai loại hình nghệ thuật này, là đòn bẩy cho cảm nhận phấn chấn, kích thích cái tò mò tìm hiểu, khơi dậy tư duy khám phá những điều mặc nhiên khó lý giải.

Điểm giao kết giữa Xiếc và Múa rối, đó là tính kỳ, tính nghịch thường, yếu tố níu kéo sự nhập tâm nơi khán đài

Điểm giao kết giữa Xiếc và Múa rối, đó là tính kỳ, tính nghịch thường, yếu tố níu kéo sự nhập tâm nơi khán đài

Sự hoan hỉ giữa khía cạnh kỳ ngộ trong nghệ thuật múa rối nước, thể hiện qua cái cười - vui của khán giả, quy kết cuối cùng thành công ở mọi thể loại diễn xướng, là cảm xúc nơi khán đài. Nội hàm trong cái cười - vui ấy, là cái đẹp của sự hồ hởi trong tâm hồn của người xem tổng hoà với cái nhộn nhịp của tinh thần múa rối nước. Đó, vẫn là một cái đẹp của nghệ thuật sân khấu dân gian, chẳng hề thiếu đi khía cạnh thẩm mỹ của sự cân đối, hài hoà trong bố cục, đường nét âm thanh, nhịp điệu, mà vẫn đủ đầy dư vị của hân hoan trong đời sống.

“Ô này bà con ơi

Đất Thăng Long ngàn năm lịch sử

Đã bao đời gìn giữ cố đô này

Mừng vui mở hội hôm nay

Trống ngân, cờ mở, tung bay khắp trời…”

Chú Tễu - người mở đầu, người giáo trò, một chính thể quan trọng cầm tay nắm chân mỗi khán giả đi vào không gian huyễn hoặc của múa rối nước. Tại sao không phải cô Tễu, chị Tễu... mà lại là chú Tễu - một nam giới? Điêu khắc rối ra đời theo nghệ thuật tạo hình, tạc khắc từ đôi bàn tay thủ công, bằng tư duy và khối óc sáng tạo của những người đứng đầu hệ thống không gian văn hoá làng xã của châu thổ sông Hồng. Chạm khắc đình làng và tạo hình rối nước mang nguyên lý hội hoạ đồng nhất trong cảm xúc thẩm mỹ của người nam giới phóng khoáng, mạnh mẽ, vuông vức, mộc mạc mà vô cùng sinh động, tinh tế.

Chú Tễu - người mở đầu, người giáo trò, một chính thể quan trọng cầm tay nắm chân mỗi khán giả đi vào không gian huyễn hoặc của múa rối nước

Chú Tễu - người mở đầu, người giáo trò, một chính thể quan trọng cầm tay nắm chân mỗi khán giả đi vào không gian huyễn hoặc của múa rối nước

Empty

Tính nam giới trong nghệ thuật múa rối nước được thể hiện rất rõ nét, ở đặc điểm “giữ bí mật” nghề nghiệp và tính chất bí truyền là một trong những đặc điểm nổi bật ở nghệ thuật múa rối nước. Vai vế của người nam trong múa rối nước được dựng xây dựa trên cách sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã, một sáng tạo độc đáo của những người nông dân nam giới “chân lấm tay bùn”. Giá trị cộng cảm, cộng mệnh chảy trôi theo dòng văn hoá của tinh hoa con người - nam giới vùng châu thổ sông Hồng, then cài chốt giữ với hồn đất, hồn nước, hồn lúa, và cả hồn làng. Từ cơ sở tự nhiên, xã hội, tạo ra hệ giá trị Nước, đất, làng, con người, là văn hoá Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà, mà không có những cơ sở đó, thì chẳng thể nào có múa rối nước Việt Nam.

Căn cốt của nghệ thuật múa rối nước, ngoài quân rối, kỹ nghệ biểu diễn, thì phải bàn tới sự góp mặt của thanh âm. Thanh âm trong múa rối nước là kết hợp của âm nhạc dân gian và dân ca, dân vũ. Thuở sơ khai của múa rối nước, chỉ tồn tại bộ gõ. Tiếng gõ, tiếng trống trong dân gian, là kết nối giao hảo giữa âm thanh của trời và đất, là tiếng kéo quân, là hội họp cộng đồng… Nay đi vào trong diễn xướng dân gian, để cách tân và thêm thắt, với đa dạng trống cái, trống con, trống cơm, mõ, thanh la, não bạt... tầng tầng lớp lớp thanh âm hoà quyện gần xa gõ rung động mặt nước đã tạo nên sự hấp dẫn thính giác của cả người diễn lẫn người xem.

Empty

Sau này, khi tiếp nạp chèo trong quá trình phát triển đi kèm với âm nhạc, người ta còn bổ sung diễn viên có âm sắc tốt để thể hiện những lời giáo trò qua các làn điệu chèo. Âm nhạc trong múa rối là cách thể hiện triệt để những tâm tư, tình cảm của con rối vô tri mà đôi khi lời thoại cũng không truyền tải hết. Âm nhạc còn gắn kết các trò diễn với nhau, xâu chuỗi các hoạt cảnh. Lúc mãnh liệt, lúc khoan thai, dẫn dắt khán giả đi sâu vào tiềm tàng những giá trị của nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Những đôi tay nghệ nhân tài hoa đằng sau tấm mành

Những đôi tay nghệ nhân tài hoa đằng sau tấm mành

Múa rối nước không gói gọn trong một khuôn khổ hay một định nghĩa. Nó giống như hơi thở của đồng quê, như tiếng cười khẽ khàng trong những ngày mùa. Những con rối gỗ, đơn sơ mà sống động, không chỉ là những tạo hình, mà là những câu chuyện, những mảnh ký ức mà mỗi người thợ đã gửi gắm, đã sống cùng. Trong từng bước nhảy của quân rối, là tiếng vọng của đất đai, là nhịp thở của làng quê, là ánh mắt của những người nông dân vẫn ngày ngày chờ đợi mùa màng tốt tươi.

Mỗi lần rối nước cất lời, như một lần những điều xưa cũ được khơi dậy, chậm rãi, bình dị, nhưng lắng đọng. Không phô trương, không cầu kỳ, múa rối nước tự nhiên như mạch nước ngầm, lan tỏa, thấm sâu, để lại dấu vết mộc mạc mà khó phai trong tâm trí người xem. Giữa cái tất bật của thời đại, múa rối nước như một nhịp cầu quen, để ta quay về, lắng nghe âm thanh của văn hóa, của một dòng chảy đã tồn tại qua bao đời, lặng lẽ mà bền bỉ.

Bài và ảnh: Tùng Lâm
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES