“Phim độc lập” - theo cuốn "Thuật ngữ điện ảnh - truyền hình" của Hội Điện ảnh Việt Nam, còn gọi là “Phim vị nghệ thuật”, do một người hoặc một nhóm người tự sản xuất không vì lợi nhuận, kinh phí tự bỏ túi hoặc dựa vào các nhà bảo trợ, không có công ty chủ quản. Nội hàm thuật ngữ này còn chứa đựng tính độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật, độc lập với những thứ “ngoài mình” để đặt cái tôi sinh động hấp dẫn vào trung tâm của sự sáng tạo.
Những người làm phim độc lập chủ yếu để thỏa mãn đam mê cá nhân, vì vậy kinh phí làm phim không cần quá nhiều, diễn viên không cần nổi tiếng. Điều hấp dẫn khán giả chủ yếu là đề tài khai thác, góc nhìn mới lạ…
Không đóng khung trong những khuôn mẫu cũ kỹ, những đề tài mang tính chất "phục tùng" tuyệt đối với lễ giáo hay đạo đức chính thống; phim độc lập khai thác nhiều góc khuất bình dị nhất của mỗi con người, phô bày thẳng thắn hiện thực bằng sự trau chuốt đầy nghệ thuật, trân quý con người nhưng không phủ nhận những giá trị đạo đức. Chính những đặc điểm khác lạ đã khiến dòng phim này của điện ảnh Việt Nam thành công trên thế giới, nhận được sự chào đón của bạn bè quốc tế.
"Tro tàn rực rỡ" với dấu ấn nghệ thuật rõ nét
Với nỗi buồn nặng trĩu nhân sinh bay lên từ đống “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên một lần nữa mổ xẻ chủ đề quen thuộc: mối quan hệ nhiều bất ổn giữa đàn ông và đàn bà qua ngôn ngữ điện ảnh.
Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt được giải thưởng cao nhất, giải Khí cầu đốt lửa vàng (tiếng Pháp: Montgolfière D'or). Trên website của Liên hoan phim Ba lục địa đăng tải nhận xét của ban giám khảo dành cho bộ phim: "Chúng tôi trao giải cho bộ phim này vì chất thơ của thế giới lung linh và mê hoặc mà bộ phim mang lại...". Đây cũng là lần đầu tiên, một bộ phim đến từ Việt Nam giành chiến thắng cao nhất tại LHP Quốc tế Ba châu lục. Bộ phim được BGK tôn vinh chất thơ đầy mê hoặc và những giá trị thẩm mỹ cùng phong vị bản địa được tái hiện đặc sắc qua ngôn ngữ đậm tính tác giả của đạo diễn.
“Tro tàn rực rỡ” (Glorious Ashes) kể câu chuyện của ba người đàn bà, cách họ yêu và tìm cách giữ người đàn ông của mình. Bối cảnh chính của phim là Cà Mau. Bùi Thạc Chuyên tự viết kịch bản từ hai truyện ngắn “Củi mục trôi về” và “Tro tàn rực rỡ” với bối cảnh một vùng quê nghèo heo hắt và tù đọng ở miền Tây Nam Bộ. Anh không chỉ chuyển tải không gian văn hóa đậm đặc tính bản địa trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, mà còn soi chiếu nó dưới không gian tâm lý, với những nhân vật như đã chết hoặc quá nhiều thương tổn từ bên trong.
“Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà” – Nguyễn Ngọc Tư đã viết như vậy qua lời phân trần tỉnh queo của gã đàn ông say xỉn thích đốt nhà trong Tro Tàn Rực Rỡ. Còn trong bộ phim điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên, chứng nghiện đốt nhà của Tam dường như biểu đạt cho sự bất lực của nam tính và thương tổn của đàn ông, trong việc tìm kiếm hạnh phúc với những người đàn bà mà họ yêu thương.
“Bên trong vỏ kén” giành giải lớn tại Ý
Tác phẩm đầu tay “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân xuất sắc giành giải “Ống kính vàng” danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2023.
Bộ phim kể về nhân vật Thiện, do diễn viên Lê Phong Vũ đảm nhiệm, đưa hài cốt của người chị dâu trở về quê nhà sau một vụ tai nạn xe máy. Từ một thanh niên rời quê hương lên thành phố để mưu sinh, mải chạy theo những cuộc nhậu nơi góc đường cùng đám bạn, Thiện từ nay phải nhận nuôi đứa cháu nhỏ tên Đạo, con trai của người chị dâu, sau biến cố của gia đình.
Trong chuyến hành trình trở về quê để an táng cho người chị dâu, Thiện phải đối mặt với những mâu thuẫn nội tâm xen lẫn cùng những bất mãn của cuộc sống. Những câu chuyện quá khứ của Thiện hiện lên qua những lần hồi tưởng với những cảm xúc không có nơi bấu víu buộc anh phải bước chân vào hành trình tìm kiếm đức tin vốn đã bị anh bỏ bê từ lâu.
“Bên trong vỏ kén vàng” được thực hiện theo lối dẫn dắt như một bộ phim tài liệu, với nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người lại có những câu chuyện riêng của đời mình: người anh trai bỏ lại vợ con đi làm ăn xa, đứa cháu nhỏ mồ côi với những câu hỏi ngây ngô về “đức tin” và “thiên đàng”, chuyện tình dang dở giữa Thiện và Thảo - người sau đó đã quyết định trở thành nữ tu, cựu chiến binh tên Lựu làm nghề an táng cho dân làng,…
Trang Screendaily viết: "Nhà quay phim Đinh Duy Hưng cho khán giả thấy những cảnh đẹp của Việt Nam như khu rừng tĩnh mịch vào ban đêm, thác nước chảy xiết, cây cối đung đưa trước gió hay hình ảnh những chiếc kén vàng sặc sỡ. Các góc máy hợp lý và nhịp nhàng, tập trung vào các chi tiết mấu chốt. Phạm Thiên Ân biết rõ anh cần ghi lại những gì để truyền tải câu chuyện đến khán giả".
“Mưa trên cánh bướm” ra mắt thành công tại Venice 2024
“Mưa trên cánh bướm” là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn 9x Dương Diệu Linh, sau các bộ phim ngắn ấn tượng gồm “Thiên đường gọi tên”, “Ngọt, mặn” và “Mẹ, Con gái, Những giấc mơ”. Đây là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam tại Venice 2024 giành hai giải thưởng trong khuôn khổ Tuần lễ phê bình quốc tế gồm Circolo del Cinema Verona Award cho Bộ phim sáng tạo nhất (Most Innovative Film) và Iwonderfull Grand Prize cho Phim hay nhất.
Phim là câu chuyện về mẹ con Tâm (Tú Oanh đóng) và Hà (Nam Linh đóng) lên xe máy đi đánh ghen sau khi xem một trận bóng đá qua sóng truyền hình thì phát hiện ra người chồng, người cha (Lê Vũ Long đóng) ngoại tình. Tâm tìm thấy một thầy bùa online với mong muốn khiến người chồng ngoại tình hồi tâm chuyển ý, nhưng vô tình đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn trong chính căn nhà của mình.
“Mưa trên cánh bướm” đã nhận được sự cổ vũ của khán giả tại Tuần lễ các nhà phê bình ở Venice ngay sau khi ra mắt. Phim nhận tràng pháo tay dài 2 phút rưỡi và được nhiều trang tin điện ảnh quốc tế uy tín như IndieWire, Screendaily hay Cineuropa bình luận. Đạo diễn Dương Diệu Linh bật khóc sau buổi chiếu và bắt tay từng thành viên trong đoàn trước khi lên sân khấu phát biểu.
Ngay sau Liên hoan phim Venice, “Mưa trên cánh bướm” tiếp tục tham dự Liên hoan phim quốc tế Toronto và Liên hoan phim Busan diễn ra vào tháng 10, trong chương trình “Cửa sổ châu Á” (A Window on Asian Cinema).
Giải thưởng là điều bất ngờ và hạnh phúc đối với đạo diễn Dương Diệu Linh và đoàn làm phim, nhưng với cô gái trẻ, phần thưởng lớn hơn cả là những kỷ niệm trên trường quay, tinh thần đồng cam cộng khổ và tình yêu của cả ê-kíp đối với nhau cũng như đối với bộ phim.
Như mọi loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh cần phải hướng đến công chúng, đáp ứng nhu cầu lành mạnh của công chúng và phim độc lập cũng không thể là ngoại lệ. Điều chính yếu để một bộ phim độc lập tiếp cận được với công chúng cần có tài năng, tâm huyết, sự nỗ lực của người làm phim. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý đối với dòng phim này bằng cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí từ quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.