Một vở xiếc là bàn tiệc đầy đủ yếu tố thanh sắc
Ai trong mỗi người cũng từng có khoảng lớn lên với những chú khỉ mặc áo váy diễn tuồng, với đàn mèo tung tẩy đi bằng hai chân, là những trầm bổng về một chú hề biết bay vòng vòng quanh sân khấu. Ai cũng có một nỗi niềm riêng với xiếc, hay với tất cả những điều phi thường giữa chốn nhân gian.
Con người một thuở bé thơ rồi cũng tập tành làm người lớn, qua sóng cả ở đời để rồi chợt nhận ra những ước mong cổ tích phần nào đã bị vùi lấp bởi những thực cảnh không mấy dễ chịu trong cuộc sống thực tế, họ mệt mỏi nhận ra đã phần nào mất đi phần hồn vía, hay họ đã mặc nhiên quên đi việc săn sóc đứa trẻ bên trong của mỗi người.
Ai cũng từng là con trẻ, cũng từng có những bao quát thần tiên về một thế giới ngập tràn tiếng cười và những sự màu nhiệm. Có thể qua con chữ, lời ru, khó khắc hoạ lại một không gian cầu kỳ như thế. Nhưng những gánh xiếc, trải qua từng đó sự khôn lớn và đổi thay của bao thế hệ, vẫn chưa bao giờ mất đi sự yêu thích, vì không gì hơn, là họ đã hiện thực hóa mọi điều diệu kỳ vào thế gian.
Khác với truyện cổ tích hay truyện dân gian vốn được kết cấu bằng con chữ và mạch tinh thần, xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Ngôn ngữ của xiếc là những hình tượng nghệ thuật, được nhào nặn cho thành bóng thành hình từ thực tế cuộc sống, hiện hình đặc sắc qua những trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động sản xuất, đấu tranh sinh tồn, và sinh hoạt văn hóa công đồng… dần dần phát triển thành nghệ thuật xiếc.
Hay nói một cách khái quát hơn, xiếc bám dựa vào những kết cấu đời thường, để đặc tả khả năng phi thường của con người. Xiếc được vận hành bởi những động tác kỹ xảo, với khả năng vận dụng triệt để sự dũng cảm và sức mạnh, bởi lẽ đó, điều diệu kỳ được sản sinh từ điểm cực đại của thể chất và tinh thần.
Một vở xiếc không đơn thuần chỉ có chú hề nhào lộn, hay động vật đi trên dây, hay những cô nàng phụ trợ biểu diễn với màn chia người; xiếc bây giờ đã thay da đổi thịt, bởi nếu như một sự trầm trồ dần trở nên dễ đoán, sẽ chẳng còn ai buồn để tâm tới nữa. Nghệ sĩ xiếc, trước đây chỉ biết diễn mà ít biết quảng bá hay tiếp cận khán giả, nên dễ trở thành “ép” khán giả xem những gì họ có. Nhưng giờ đây, mỗi buổi biểu diễn gây sốt vé mỗi cuối tuần, bên cạnh những màn thực hiện kỹ xảo, là cả những nỗ lực dàn dựng sân khấu.
Và hơn nữa, không chỉ là sự tương tác giữa khán giả với nghệ sĩ xiếc, mà còn chính là một cơ hội quay về với những câu chuyện cũ đã dần quên trong lòng mỗi khán giả. Sân khấu tròn trở thành nơi tái hiện lại hàng loạt bối cảnh từ những câu chuyện có thật, khéo léo lồng ghép cả mảng màu trắng xám của chiến tranh và hoà bình qua concept kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Còn trao trả lại cho khán giả từng thước phim sống động của ngày Hà Nội dành lại quyền tự chủ, với những thế hệ trước, là bồi hồi những phút giây khi ký ức chầm chậm quay lại, với thế hệ mai sau, là một niềm tự hào cần gìn giữ.
Bên cạnh những tráng ca lịch sử, rạp xiếc dành riêng những concept cho các khán giả nhỏ, vẽ lên những lấp lánh thần tiên như vở diễn “Tấm Cám - bống bống bang bang”, “Câu chuyện nàng tiên cá”... Xiếc vốn đặc trưng với tính linh hoạt trong khả năng “sánh đôi” cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác. Một vở xiếc là bàn tiệc đầy đủ yếu tố thanh sắc, con người, tính bất ngờ, và cả những gia vị phi thường. Đằng sau lớp màn che dẫn vào sân khấu, như ẩn chứa một thế giới thần tiên đúng nghĩa, đa sắc thái và đa cảm xúc.
Mọi người đã nói quá nhiều về sự mong chờ và háo hức của mỗi đứa trẻ mỗi khi đi xem xiếc, nhưng đã ai từng tự hỏi, đối với những người lớn đã từng là trẻ con, nay trưởng thành hoặc tiếp tục làm cha làm mẹ, họ tìm tới xiếc vì điều gì? Sẽ không bao giờ họ đơn giản đến xem vì con cái họ muốn xem và kết thúc vở xiếc họ vẫn giữ nguyên một nét mặt. Chắc chắn trong tâm khảm mỗi kẻ đang lớn dần kia, vẫn còn phần nào đó ngắc ngoải về những vuốt ve xoa dịu tâm hồn họ giữa vô vàn nặng nhọc trong quá trình trưởng thành.
Câu chuyện ở đây, vẫn nói đến những tuổi thơ của biết bao thế hệ, họ từng sống với những khát khao cổ tích, để rồi dần lớn lên, trong mắt họ cổ tích không còn đơn giản là những ông Bụt bà Tiên, là thiện thắng ác, mà giờ đây, ánh mắt và cảm nhận của họ với những điều kỳ diệu kia dần đổi khác qua những lớp lang bài học trong suốt quá trình họ lớn.
Andersen không viết nên truyện cổ khi ông còn là đứa trẻ, mỗi chúng ta đem theo những câu chuyện đó ngày một trưởng thành, để rồi bàng hoàng nhận ra, với tâm khảm trẻ thơ, chúng ta luôn nhìn vào kết cục cuối cùng, vào “happy ever after”. Nhưng khi đã lên một bước hoàn thiện hơn về suy ngẫm, mọi khoảng hành trình đều được thấu cảm và trân trọng, để mỗi cuộc đời được nhìn với ánh mắt bao dung hơn. Đó là nền móng tâm hồn mà truyện cổ tích dựng xây, để chúng ta chưa bao giờ một lần lạc mất bản ngã thiện tâm của chính mình.
Nghệ thuật tân thời ở hiện đại
Với xiếc cũng vậy, xiếc quay lại với người trẻ dạo gần đây sau một thời gian dài bị bỏ quên sau ánh đèn sân khấu, một phép thử nhỏ nhoi trong việc tiếp cận khán giả trẻ vốn thịnh hành với những loại hình nghệ thuật tân thời hơn, nhưng cuối cùng lại thành công vang dội.
Sẽ không quá khó thấy khi dạo gần đây, xiếc xuất hiện dày đặc hơn trên các nền tảng mạng xã hội với những lời ngợi ca đến từ các bạn trẻ, đưa việc đi xem xiếc trở thành những điều phải làm vào mỗi cuối tuần. Sẽ có thể nghi ngờ rằng xiếc chỉ làm hình ảnh, nhưng nếu tự bản thân canh me từng chiếc vé trên fanpage, đến việc nhanh tay dò xét từng chỗ ngồi ít ỏi còn sót lại, và dành toàn bộ 90 phút tại rạp, mới thực sự hiểu rằng xiếc không thắng vì kịp thời bắt trend.
Mọi vở diễn đều là những điều quen thuộc, mà xiếc có được tình yêu thương từ mọi người, bởi những xúc cảm tuổi thơ được tái tạo trọn vẹn. Xiếc đưa khán giả đã lớn quay về những kí ức khi còn là con trẻ, để một lần nữa sống trong những hồ hởi thuở tấm bé với lời hứa cuối tuần được đi chơi, để sống lại tinh thần cùng những giải trí sau bao bon chen trong cơn lốc hối hả của thị thà. Và để giờ đây, họ không chỉ trầm trồ với những kết quả mãn nhãn của một vở diễn, mà dần thấu thị hơn những khó khăn trong cả một quá trình thực hiện.
Xiếc với đời, không phải là đắn đo xét nét kết cục, mà là biết thương yêu và tận hưởng mỗi chặng hành trình. Xiếc đem khán giả về những mộng ước tuổi thơ, rồi thầm ôm ấp họ khi trở về thực tại.
Tấm vé xem xiếc, bất giác khiến người ta nhớ tới rạp xiếc thiên đường, nơi tập trung mọi ánh đèn sân khấu, nuôi nấng ước mơ và thắp lên những phép màu kỳ diệu. Tuổi tác có thể làm nhăn nheo làn da, nhưng từ bỏ ước mơ khiến chúng ta nhăn nheo tâm hồn. Rằng bất cứ ai ngoài kia cũng có một ước mơ đang dần lớn và ai cũng có quyền được nhìn thế giới không phải như nó vốn có, mà như nó có thể, nếu chúng ta tin vào lòng can đảm, lòng tốt và đôi khi là một chút nhiệm màu.