Đất nước Thái Lan với hơn 90% dân số theo Phật Giáo, mặc dù vậy, không phải một đất Phật nào cũng luôn trải qua bình yên. Bạo loạn có, biểu tình có, thiên tai có, nhưng Đạo Phật chính là chất keo hàn kết những thương tổn trong quốc gia này.
Ở Thái Lan chùa còn nhiều hơn cao ốc
Tôi đã từng làm Marketing với một khách hàng từ đất Thái. Việc tìm hiểu gốc gác những nét tính cách đặc trưng của dân cư quốc gia này sẽ phục vụ phần nhiều cho những chiến dịch hiệu quả. Bên cạnh những khía cạnh phục vụ cho insight thương mại, có một điều rõ ràng mà tôi nghĩ ai từng tiếp xúc qua người Thái cũng luôn ấn tượng và ghi nhớ: hiền hậu, nhường nhịn, bao dung, có lòng vị tha, thật thà và mến khách.
Phải chăng, những sản phẩm du lịch của họ được ưa chuộng bởi tứ phương thập khách, không chỉ với lý do đó là sự thú vị và năng động từng ngày của nền du lịch quốc gia, mà niềm nhung nhớ còn tới từ những sự gần gũi, thân thiện từ chính những cư dân bản địa. Vậy, điều gì khiến những tính cách này, được lưu truyền, được bảo tồn, và trở thành biểu trưng cho họ?
“Không Phật, không chùa, người Thái Lan sẽ chẳng còn là người Thái Lan nữa”. Tôi đã nghe thấy câu cảm thụ này qua một anh hướng dẫn viên trong tour du lịch Thái Lan mà tôi tham gia vào năm 2019. Phật giáo đồng hành với lịch sử, chính trị, văn hóa và trở thành một trong 3 thành tố đại diện của quốc gia, thể hiện trên quốc kỳ Thái Lan: Màu trắng tượng trưng cho tôn giáo; màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh quốc gia; màu xanh lam tượng trưng cho Hoàng gia.
Người ta nói rằng, đất nước này, nhà cửa dù có lụp xụp tới đâu, hay cư dân có đói nghèo cỡ nào, cũng ráng để cho ngôi chùa của vùng đó phải thật lộng lẫy. Chùa chiền Thái Lan như một sự kích thích thị giác, khi luôn mang một lối tạo tác khác biệt và nổi bật, với tông sơn vàng đậm trên nền trắng, hay lối sơn son thếp vàng cầu kì với những pho tượng mang dáng dấp nghệ thuật đặc trưng của nền Phật Giáo Nam Tông, gần như họ đã xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh cho văn hoá Thái. Có chùa tượng Phật đúc bằng vàng ròng nặng 4 tấn, hoặc chế tác từ ngọc bích (emerald) nguyên khối. Lại có chùa toàn bằng gang, toàn bằng gỗ, hay toàn bằng đá…
Hầu như làng nào cũng có ngôi một hoặc vài ngôi chùa, nhưng đi trên đường, ta vẫn thấy những ngôi chùa mới, đang xây dựng. Thăm Thái Lan, chùa là nơi du khách không thể không đặt chân đến trong các tour du lịch. Bất cứ tỉnh nào trong 76 tỉnh của Thái cũng có vài Wat (chùa) nổi tiếng. Các dân tộc khác sống ở Thái như người Hoa, người H’Mông, người Miến (Myanmar), người Khmer cũng có chùa của riêng mình.
Tôi đã đọc một tài liệu cũ, thống kê năm 1959, Thái có khoảng 21.380 ngôi chùa, thì trong một tập sách nhỏ vừa mua tại chùa Wat Doi Suthep (Chiang Mai), xem để giết thời giờ trong lúc chờ mưa tạnh, vô tình được biết năm 1990 đã có 29.002 ngôi chùa. Như vậy chứng tỏ việc đúc tượng xây chùa vẫn là việc làm thường xuyên: trong 31 năm, người Thái có thêm 7.782 ngôi chùa mới. Con số thống kê mới nhất chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa.
Khi đức tin là một dạng tế bào
Chùa sinh ra nhiều vậy, vốn dĩ không phải chỉ để phục vụ cho du lịch. Bởi lẽ, có những địa phương không thực sự phát triển kinh tế du lịch, nhưng cũng cố gắng hun đúc niềm tin tín ngưỡng qua sự cung kính với mái chùa. Chúng ta đã quá quen với những ngôi chùa Việt Nam gần gũi, nép mình yên ả bên cây đa giếng nước; nhưng với người Thái Lan, họ thể hiện một tâm lý thành kính với đức tin của họ qua cách công quả và góp phần xây dựng chùa tháp. Thấy chùa sẽ thắp hương, thấy Phật sẽ bái lạy, gặp tháp sẽ quét tháp... bởi những ngôi chùa luôn mới, luôn lộng lẫy, vì được xây dựng từ những thành kính tuyệt đẹp của người dân, bởi được chu toàn từ đức tin bền vững. Họ quét chùa xây tháp, như một cách gọn gàng lại những muộn phiền ngoài kia.
Người Thái Lan gửi gắm vào chùa mọi tin yêu, ân sai oán trái và cả những hỉ nộ ái ố ở đời. Họ xây chùa cao hơn nếp nhà, để như được chở che dưới bóng hình của Đức Phật. Chùa là trường là nhà, là chốn dung dưỡng, chan hoà, cũng là chốn ngơi nghỉ giữa lúc gian lao. Mỗi đứa trẻ ở Thái Lan đều trưởng thành với những nghi lễ Phật Giáo và với những định hướng giáo dục của gia đình về căn cốt của lòng tốt.
Không chỉ góp mặt về khía cạnh tâm linh, các ngôi chùa Phật giáo dang rộng cánh tay từ tâm cưu mang những mảnh đời non trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống. Chùa ở những vùng nông thôn Thái Lan còn là nhà của con trẻ nương tựa dưới gối Đức Phật. Chúng còn được gọi là những đứa trẻ chùa - Dek Wat. Nhà chùa đem lại cuộc sống ấm êm, được “trả lương” với những giáo lý và những công việc phụ trợ nhẹ nhàng.
Phần lớn chúng đều có cha mẹ là những nông dân nghèo. Tuy nhiên, một số trẻ em trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng cha mẹ vẫn muốn gửi con mình vào chùa, vì tin rằng chúng sẽ trở thành những đứa trẻ tốt do được các nhà sư chỉ dẫn về đạo đức và dạy chúng kỷ luật và điều tốt đẹp về Đạo Phật. Nhiều người nắm giữ các chức vụ cao trong xã hội trước đây từng trưởng thành từ trẻ chùa, điều này chứng tỏ cuộc sống trong chùa có giá trị vì họ được trưởng thành trong môi trường đạo đức tốt.
Sự kính trọng bậc chân sư thể hiện rất rõ. Có những gì mắc mứu trong cuộc sống, người dân Thái Lan dù ở chức vị cao cũng tìm đến với các nhà sư để giãi bày, tìm những lời khuyên bảo, nghe theo lời hoà giải của họ trong những vụ mâu thuẫn, nếu không thành mới nhờ cậy đến pháp luật.
Tôi từng biết rằng, ở Thái Lan rất ít khi đặt bàn thờ người đã khuất, một phần họ tin vào sự nương nhờ cửa Phật và vãng sanh về cõi Niết Bàn, nên họ mang tro cốt gửi ở chùa, để phần nào đó tiếp diễn những giáo lý Phật Pháp sang tận kiếp sau. Ở mỗi nhà, đều mang duyên mong muốn được tự thỉnh cho gia chủ một ngọn tháp Xá Lợi của những bậc chân tu, họ tin rằng một mối lương duyên với nhà Phật, như sự vững bền trong tu tập về đạo đức và luân lý. Chẳng phải ai cũng dễ dàng thỉnh được Xá Lợi, nhưng nếu có, thì chắc chắn gia tộc họ đã có đạo hạnh lâu đời.
Người đàn ông Thái Lan được ảnh hưởng cốt yếu bởi một nghi lễ trọng đại, đó là lễ Thụ phong “Kan Upsombot hoặc Ordination Ceremony” (vào chùa tu). Thời gian này, chính là cách một thanh niên nam học hỏi để trở thành người tốt, hay cũng chính là cách báo hiếu bậc sinh thành, vì vậy, hầu hết nam giới tại quốc gia này đều phải trở thành chú tiểu một khoảng thời gian trong đời. Quy định được vào chùa tu là không dưới 20 tuổi, thời gian tu có thể từ 1-3 tháng. Một người phải trải qua 7 năm tu hành mới trở thành chú tiểu. Nếu người con trai nào đó, không vào chùa làm lễ thụ phong thì không được coi là một người trưởng thành và không giành được sự tôn trọng từ cộng đồng. Thời gian tu hành với đàn ông Thái Lan, như một con dấu son chứng thực cho đạo hạnh của họ, không những trong đời sống tâm linh, mà cả đời sống gia đình. Khi họ đã sẵn sàng để trở thành một trụ cột có cả tâm-tài-trí.
Giáo lý nhà Phật đã hun đúc và vững chắc bên trong mỗi người dân Thái Lan, để theo họ đến cả những nếp ăn ở trong cuộc sống hàng ngày. Tới Thái Lan, vô tình để quên dù chỉ một chiếc mũ bình thường, cho dù nơi để quên chỉ là một quán ăn địa phương, xin thưa rằng tới 5 hay 10 năm sau quay lại, chiếc mũ của bạn vẫn ở đó. Hay như xe cộ để ven đường với chiếc chìa khoá còn chưa rút khỏi, cho dù cố ý để đó tới một tuần sau, chiếc xe của bạn vẫn còn nguyên vẹn trong một vị trí ngay ngắn hơn. Bởi đó, người dân Thái uốn nắn hành vi qua những chuẩn mực đạo đức hành thiện đã được đúc rút từ khi họ còn chập chững.
Nói về đạo đức của người Thái Lan không thể không nhắc đến đạo đức trong kinh doanh của các doanh nghiệp nước này. Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) cho rằng, phát triển bền vững cần được xem như một tấm hộ chiếu giúp doanh nghiệp làm ăn ở mọi nơi trên thế giới.
Công ty này sáng tạo các dòng sản phẩm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng như vòi tiết kiệm nước, sợi quang điện được sản xuất từ việc tái sử dụng các dụng cụ thủy tinh, sản phẩm giấy có thành phần sản xuất từ các sợi sinh thái. SCG được xếp vào bảng xếp hạng chỉ số bền vững Down Jones (DJSI) trong lĩnh vực vật liệu xây dựng từ năm 2004. Đạo kinh doanh của doanh nghiệp Thái Lan bắt nguồn từ tư duy “vừa phải thôi”. Kinh doanh vừa phải thôi để bảo vệ môi trường. Lợi nhuận vừa phải thôi, dùng một phần đền đáp lại môi trường, xã hội. Cạnh tranh vừa phải thôi, kẻo vì hám lợi mà gây tổn hại đến doanh nghiệp khác, làm mất lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Bởi có lẽ, họ biết cách nhường nhịn, biết cách cân bằng, hạ nhẹ cái tôi cho một sự hành thiện cao cả hơn, há chẳng phải những đạo lý đó, cũng xuất phát từ những mái chùa.
Với người Thái Lan, dù gần, dù xa, không có ai không từ chùa mà ra. Dẫu nghèo túng, bần hàn, hay phong hoa kiểu cách, ai cũng có một tâm Phật để quay về. Sự gắn bó giữa con người Siam với mái chùa, giống như một đời hàn gắn giữa tâm tưởng và đạo hạnh. Bình tĩnh gạn lọc những mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh… vẻ đẹp thực sự của đạo trong đời sống hồng trần hiện lên như một viên ngọc long lanh trong văn hoá xứ chùa Vàng đang ngày một phát triển và tân tiến.
Xã hội Thái Lan, sau bao phong vân bão táp, vẫn còn đạo, bởi đó là nơi bao dung nhất, làm bệ đỡ cho những phồn hoa bát nháo chốn thị thành. Bởi họ luôn tin, còn vững một hình thái tâm thức an tĩnh, mà người dân họ đang mỗi ngày gìn giữ một lòng, là họ còn đủ sức bước đi qua mọi sóng cả cuộc đời.