Ngôi làng Huai Sua Tao, là nơi sinh sống của hàng chục “phụ nữ cổ dài” - những người được biết đến với việc đeo rất nhiều chiếc vòng tròn bằng đồng để làm dài cổ. Sự độc đáo riêng có này đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến với ngôi làng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng đang là điểm du lịch gây không ít tranh cãi đối với người tị nạn gốc Myanmar này.
Văn hoá với những nét độc đáo riêng
Văn hóa cổ dài của bộ tộc Kayan không chỉ là một phong tục đặc sắc mà còn được xem là biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và vẻ đẹp trong xã hội của họ. Văn hóa này bắt nguồn từ bộ tộc Kayan ở Myanmar và duy trì qua nhiều thế hệ khi họ di cư vào Thái Lan khoảng ba thập kỷ trước. Mang theo bản sắc văn hóa phong phú của mình, bộ tộc Kayan đã giới thiệu truyền thống đeo vòng cổ bằng đồng vào cuộc sống hàng ngày ở Thái Lan, nơi họ tìm thấy một ngôi nhà mới.
Kayan là một nhóm thuộc tộc người Karenni, gốc Tây Tạng, sống ở vùng biên giới với Thái Lan. Phụ nữ Kayan làm đẹp theo cách truyền thống của riêng họ, đó là đeo những chiếc vòng lớn để làm cổ dài ra. Một người phụ nữ có thể đeo tới 25 chiếc vòng và cổ càng dài thì người đó càng được xem là xinh đẹp. Bên cạnh đó, đây còn là biểu tượng cho sự quý tộc và giàu có của gia đình.
Khi lên 5 tuổi, các bé gái Kayan bắt đầu đeo những chiếc vòng quanh cổ bằng đồng. Chúng được xếp chồng lên nhau và khiến cổ của họ dài ra theo thời gian do gây áp lực lên vùng xương đòn và ngực. Do đó việc đeo nhiều vòng lớn suốt một thời gian dài thường khiến các phụ nữ Kayan gặp vấn đề về sức khỏe ở cổ. Khu vực quanh cổ họ sẽ bị đau vĩnh viễn và có lớp da mỏng hơn những nơi khác trên cơ thể. Tổng trọng lượng mỗi bộ vòng cổ có thể lên tới 10 kg.
Tuy nhiên, nếu tháo những vòng ra, họ cũng cảm thấy không thoải mái. Họ thậm chí có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì cổ quá yếu. Trong bộ lạc Kayan, không phải tất cả mọi người đều có quyền đeo một bộ “nhẫn cổ” đầy đủ.
Có nhiều cách lý giải cho phong tục kỳ lạ này của họ. Một số người cho rằng đây là cách để phân biệt vẻ đẹp của phụ nữ Kayan với các bộ lạc khác. Đồng thời, nó sẽ giúp phụ nữ tránh trở thành nạn nhân buôn người qua biên giới.
Một cách giải thích khác là họ đeo những chiếc “nhẫn cổ” vì mẹ và chị gái cũng làm như thế. Trên thực tế, phong tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ. Trong một giấc mơ, trưởng bộ lạc được cảnh báo rằng vào ngày thứ tư sau khi con ông chào đời, một con hổ sẽ xuất hiện và tấn công dân làng. Nó sẽ cắn vào cổ họ cho đến chết. Vì thế, bộ lạc quyết định tất cả trẻ em phải đeo vòng quanh cổ từ ngày thứ tư sau khi sinh để con hổ không xuất hiện.
Vì lý do này, người dân rất tin vào quyền năng của những chiếc vòng cổ. Theo thời gian, thói quen này lan rộng và trở thành một trong những phong tục kỳ lạ và độc đáo của người Kayan. Ước tính hình thức biến đổi cơ thể này có từ thế kỷ 11 và đã trở thành truyền thống hơn 1.000 năm tuổi.
Những phụ nữ Kayan sẽ đeo những chiếc vòng cổ cho đến lúc chết. Nếu phản bội chồng, vòng cổ của họ sẽ bị tháo ra và bị cộng đồng xa lánh. Ngoài ra, các cô gái Kayan còn đeo vòng quanh cổ chân và tay để giữ tay và chân nguyên kích cỡ.
Phong tục đeo vòng quanh cổ là một trong những nét đặc trưng của người Myanmar. Mỗi năm, có khoảng 1.000 du khách đến nước này thăm ngôi làng của người Kayan để tìm hiểu về những phụ nữ “hươu cao cổ”.
Truyền thông phương Tây cho biết người Kayan coi trọng vai trò của phụ nữ là người quan trọng trong gia đình. Khi uống rượu, phụ nữ ngồi trong, còn cánh đàn ông được xếp ngồi phía ngoài cùng theo hình vòng tròn. Cụ thể là, khu vực trung tâm dành cho những phụ nữ lớn tuổi nhất của làng. Vòng thứ hai là các bà, các chị phụ nữ theo lứa tuổi. Các phụ nữ ở vòng trung tâm, sẽ có vinh dự cầm những chiếc vòng đồng đeo vào cổ cô gái Kayan trong buổi lễ trưởng thành.
Mặt trái của truyền thống văn hoá nhiều năm tuổi
Khách du lịch đến ngôi làng từ nhiều nơi, nhưng đa phần vẫn là người Thái. Du khách thường lướt qua chụp ảnh hoặc selfie (chụp ảnh chung dùng camera trước) với những người phụ nữ cổ dài, và mua các sản phẩm được bày bán tại các gian hàng. Du khách Thái Lan có thể vào cửa miễn phí, nhưng người nước ngoài thường phải trả 250 baht (khoảng 7,50 đô la) để vào làng, số tiền này dùng để trả cho mức lương cơ bản 1.500 baht hàng tháng của phụ nữ tại đây.
“Đó giống như là một vườn thú của con người vậy” - Kitty McKinsey, phát ngôn viên của UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) cho biết giữa những cáo buộc rằng, chính quyền Thái Lan đặc biệt ngăn cản phụ nữ Kayah tái định cư đến các nước thứ ba vì giá trị của họ mang lại cho hoạt động du lịch.
Đối với nhiều người phụ nữ Kayan, việc đeo vòng cổ bằng đồng từ khi còn nhỏ không chỉ là một phần của truyền thống mà còn là biểu hiện của niềm tự hào về bản sắc văn hóa của họ. Truyền thống này kết nối họ với tổ tiên và lịch sử lâu đời của bộ tộc, mang lại cảm giác thuộc về và tự hào. Mỗi chiếc vòng cổ không chỉ là một vật trang sức mà còn là một phần của câu chuyện cá nhân và bản sắc tập thể mà họ mang trên mình.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc đeo vòng cổ suốt đời cũng mang lại những bất tiện và thách thức. Các chiếc vòng cổ nặng có thể gây áp lực lên cột sống và cơ cổ, dẫn đến đau nhức và mệt mỏi. Ngoài ra, việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, từ việc ăn uống đến giấc ngủ, cũng có thể trở nên khó khăn hơn. Điều này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa việc gìn giữ truyền thống và đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái cho những người phụ nữ này.
Đối diện với những thách thức và tranh cãi, tương lai của truyền thống văn hóa cổ dài Kayan có thể phụ thuộc vào sự linh hoạt và khả năng thích ứng của bản thân bộ tộc trong việc duy trì bản sắc văn hóa mà vẫn đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho các thành viên của mình. Bằng cách này, niềm tự hào về bản sắc văn hóa và sự thoải mái của cá nhân có thể được cân bằng một cách hài hòa, đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của truyền thống cổ dài trong xã hội hiện đại.