Giữa tháng 3, hàng không Việt Nam trở lại bầu trời quốc tế
Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế nhập cảnh trở lại mà không cần cách ly. Các đường bay quốc tế thường lệ đã mở bán rộng rãi và phục vụ tất cả hành khách có nhu cầu ra vào lãnh thổ Việt Nam. Với kịch bản dự báo tăng trưởng trong năm nay của Cục Hàng không Việt Nam, trung bình, hàng không dự kiến đón khoảng 42-43 triệu khách, đạt hơn 50% so với 2019. Trong số này, dự báo có khoảng 8 triệu khách quốc tế, bao gồm 6 triệu khách du lịch.
Thông tin từ Turkish Airlines - Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, đã nối lại các chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội đến Istanbul và ngược lại từ tháng 10 năm ngoái, với tần suất 2 chuyến mỗi tuần. Từ tháng 2/2022, hãng bay đã được cấp phép đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước. Hoạt động trong giai đoạn bình thường mới, Turkish Airlines ghi nhận những tín hiệu khả quan, đồng thời lên kế hoạch tăng tần suất chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách - Ông Erkan Ince, Tổng Giám Đốc Turkish Airlines Việt Nam cho biết.
Kể từ khi hoạt động các đường bay quốc tế thường lệ, lượng du khách Việt ra nước ngoài (outbound) cũng bắt đầu sôi động trở lại. Giờ đây, họ có xu hướng lựa chọn những điểm đến rõ ràng về chính sách thị thực, đường bay gần và an toàn kiểm soát dịch. Dự kiến từ ngày 15/4 tới, Bộ Y tế Việt Nam bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine cho công dân có đầy đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác.
Nhập cảnh du lịch dễ dàng nhưng vẫn vắng khách quốc tế?!
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) trong tháng 3/2022 đạt 41,7 nghìn lượt, chủ yếu bằng đường hàng không. Con số này chưa đạt kỳ vọng từ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Hoạt động thời điểm mở cửa, doanh nghiệp chủ yếu đón nhóm nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia đi lại công tác, khách Việt bay ra nước ngoài hay kiều bào hồi hương,… Họ đã trông đợi suốt 2 năm dài phòng ngừa dịch Covid-19. Trong khi đó, mùa đón khách quốc tế sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau. Thêm nữa, thị trường và hành vi du khách quốc tế cũng đã thay đổi hoàn toàn.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3) vẫn còn chậm so với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Đại diện một công ty lữ hành tại TP.HCM, lo lắng sức cạnh tranh giảm khi Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho du khách đến từ 13 nước với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trong khi đó, các quốc gia lân cận như Thái Lan đã miễn visa cho du khách 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này ở Indonesia là 70, Philippines đã đạt tới gần 160.
Doanh nghiệp mong muốn thời hạn lưu trú cho khách quốc tế nhập cảnh tăng lên 30-45 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần trong chuyến du lịch. Vì hiện nay, du khách ra khỏi Việt Nam sang các nước lân cận là không quay lại được nữa. Quy định này khiến Việt Nam đánh mất lợi thế trở thành trung tâm hàng không và du lịch đường dài ở khu vực Đông Nam Á. Thêm nữa, việc phải làm các thủ tục visa, trả phí ngoài lề cao cũng khiến nhiều khách quốc tế ngại đến.
Từ góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho rằng hầu hết các hãng bay đang đối mặt nhiều bài toán khó khăn khi giá xăng dầu leo thang, khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, phát sinh chi phí về xúc tiến thương mại,… Đặc biệt, hai thị trường trọng điểm là Nga và Trung Quốc vẫn có nhu cầu sang Việt Nam du lịch nhưng hãng bay không thể cất cánh khi chính phủ nước sở tại chưa hoặc vừa mới nới lỏng quy định.
Tình hình giữa Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng, đồng rúp mất giá và bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT,… Chính phủ Nga khuyến cáo các hãng hàng không hạn chế bay ra nước ngoài. Từ ngày 25/3, các hãng bay buộc phải tạm dừng khai thác đường bay thường lệ Hà Nội – Mátxcơva, đồng thời các công ty lữ hành du cũng tạm dừng đưa khách Nga sang Việt Nam bằng các chuyến bay charter. Mặc dù sau ngày 9/4, Nga đã nối lại đường bay với 52 quốc gia “thân thiện”, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dự đoán khách Nga đi du lịch bình thường trở lại sớm nhất cũng vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm sau do trở ngại kinh tế.
Với những đường bay kết nối châu Âu và Việt Nam phải bay vòng khiến thời gian tăng thêm 1-2 tiếng mỗi chuyến so với bay qua không phận Nga, kéo theo chi phí bảo hiểm, thanh toán, bảo dưỡng tăng thêm.
Riêng Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid" ít nhất tới cuối năm nay, mặc dù vaccine đã phủ cộng đồng từ cuối năm 2020. Theo giới chức nước này chỉ riêng vaccine là không đủ để ngăn đại dịch và vẫn cần duy trì các biện pháp nghiêm ngặt để tránh rủi ro cho hệ thống y tế. Đại diện một công ty lữ hành tại Nha Trang, cho biết mở cửa du lịch khiến họ phấn khởi, nhưng rất khó khăn nếu vẫn vắng khách Trung Quốc.
“Giữ cánh” hàng không, tạo đà “cứu cánh” du lịch Inbound
Theo nhận định của TS Bùi Doãn Nề, tình hình tài chính khó khăn do dịch bệnh kéo dài, khả năng đầu tư phát triển của hãng hàng không và công ty lữ hành tại thời điểm mở cửa du lịch trở lại còn yếu. Để hàng không thực sự “giữ cánh” rất cần Chính phủ và hệ thống ngân hàng tiếp tục có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ mở rộng chương trình tín dụng trung dài hạn, tạo điều kiện cho các hãng bay có thể tiếp tục duy trì và phục hồi nguồn lực tài chính giai đoạn bình thường mới 2022.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng đồng bộ với nhu cầu hàng không, du lịch và các ngành kinh tế khác. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng kết nối giao thông hàng không với hệ thống đường bộ cần khẩn trương hơn, thu hút các thành phần tư nhân tham gia đầu tư nhà ga hàng không quốc tế và cả nhà ga địa phương.
Sau một tháng mở cửa, ngành du lịch ở nhiều địa phương đã sôi động trở lại với rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút du khách quốc tế. Đến nay, nhiều hãng hàng không và công ty lữ hành chung tay kết nối các địa phương khôi phục hoạt động đón khách bình thường trở lại như trước dịch. Cụ thể, các bên phối hợp tổ chức sự kiện quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn đến một số thị trường chính như Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Úc.
Riêng các hãng hàng không tiếp tục triển khai hệ thống kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu hành khách với hệ thống khách sạn, y tế, công ty lữ hành để nâng cao trải nghiệm cho hành khách theo xu hướng không chạm vốn rất thịnh hành từ khi đại dịch bùng phát. Song song đó, hãng bay bắt tay với các nhà cung ứng dịch vụ, nền tảng trực tuyến mở bán tour hay combo giá tiết kiệm. Đồng thời, các bên cập nhật nhanh nhất quy định thủ tục visa, hướng dẫn đi lại cho du khách đến Việt Nam thuận tiện và an toàn như thời điểm trước dịch.