Chúng tôi tìm đến chợ phiên Măng Đen (Chợ Phiên làng T'Măng Deeng) ngày thứ hai khi du lịch tại đây. Thoạt nhìn, cứ tưởng đây là tổ hợp được xây dựng để khách du lịch lưu trú, hoặc giống như những nhà hàng nhỏ bên trong tổ hợp nhà rông được dựng đan xen trong rừng thông. Vào trong mới biết, những ngôi nhà rông, nhà lá này là quầy kinh doanh của bà con tại huyện Kon Plông.
Phải công nhận, việc thiết kế phiên chợ này rất ấn tượng. Hầu như tất cả các chất liệu cho việc xây dựng đều từ thiên nhiên hoặc gần gũi với thiên nhiên. Việc chặt cây hay tác động tới môi trường xung quanh để xây dựng những căn nhà rông này được giảm tối đa. Do đó, bước vào đây cả khi đông đúc, vẫn cảm thấy mát mẻ và dễ chịu vì đi trong bóng râm của đồi thông. Ngoài ra, những hộ kinh doanh ở đây - đại diện cho 9 xã cùng thị trấn Măng Đen - đều đang sử dụng túi nilon tự phân hủy thân thiện với môi trường.
Chia sẻ với Travellive, Trần Nhựt Huy (24 tuổi, Vĩnh Long), hiện đang phụ trách truyền thông Chợ phiên T'Măng Deeng cho biết: "Ban đầu cũng khó khăn để kêu gọi bà con cùng tham gia vào chợ phiên, nhưng chúng tôi đã cố gắng vận động dân làng cùng nhau xây dựng, phát triển quầy hàng, tạo thành một chuỗi những sản phẩm du lịch mà du khách có thể trải nghiệm khi tới Măng Đen. Các sản phẩm nếu không bán hết, sẽ được thu mua lại để tiếp tục sử dụng để vừa đảm bảo chi phí cho bà con, vừa tận dụng tối đa nguồn cung sạch và an toàn".
NƠI HỘI TỤ SẢN VẬT TƯƠI NGON VÙNG CAO TRUNG DU
Chợ phiên T'Măng Deeng mở ra trước mắt với vô số những món ăn ngon được bài trí bắt mắt cùng với hương thơm ngào ngạt khắp cả khuôn viên đồi thông. Chợ phiên diễn ra vào 2 ngày cuối tuần tại khuôn viên đồi thông, đường Hùng Vương - thị trấn Măng Đen. Bước vào đây, chúng tôi có cảm giác mình đang đi vào một khu du lịch cộng đồng hơn là một phiên chợ thông thường, được chào đón nồng hậu bởi bà con huyện Kon Plông. Có tới 30 gian hàng của các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện, bày bán các sản phẩm OCOP, nông sản sạch, đặc sản, các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Ngạc nhiên thay, dù chỉ mới hoạt động một tháng, nhưng cảm giác như phiên chợ này đã hoạt động từ lâu bởi sự liên kết, chỉn chu trong các hoạt động. Từ cách xây dựng các ngôi nhà rông, bố trí các gian hàng... đến việc chào đón du khách trải nghiệm các mặt hàng đều diễn ra bài bản, có tổ chức. Càng vào bên trong, càng bị thu hút bởi không khí tươi vui, rộn ràng cùng mùi thơm ngất ngây của những món ăn hòa lẫn trong hương thơm quyến rũ của núi rừng.
Bên này, các chị em đang chăm chú nướng khoai lang, khoai mì... Bên kia các bà đang say sưa rang hạt kơ nia, bốc khói nghi ngút tạo thành một dải hương mỏng lờn vờn trong ánh nắng. Đang ngơ ngác nhìn, chúng tôi bị "lôi kéo" bởi vị chủ nhà hiếu khách. Chị mang cả mẹt kơ nia vừa rang nóng hổi, đem ra mời chúng tôi mỗi người một nắm. Kơ nia là loại hạt đặc trưng của vùng đất này, thuần tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. Chúng tôi chậm rãi thưởng thức loại hạt này, có vị thơm béo bùi bùi đặc trưng, không giống với các loại hạt đã quen tên như macca hay hạnh nhân... Rồi chợt cảm thấy ấm lòng giữa sự chân chất, xởi lởi trong một buổi chiều se se lạnh trên vùng cao trung du.
ĐIỂM GẶP GỠ CỦA NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Không chỉ là nơi mà du khách có thể chọn mua những đặc sản địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đây còn là nơi mà du khách có thể thưởng thức các hoạt động văn nghệ. "Hiện tại, các tiết mục văn nghệ, cồng chiêng, múa xoan từ người dân bản địa được biểu diễn vào các dịp lễ. Trong tương lai không xa, tại đây sẽ có những phần trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa từ các nghệ nhân", Trần Nhật Huy cho biết.
Ngoài ra, chợ phiên T'Măng Deeng còn là nơi tạo dựng lại các nghề thủ công truyền thống như đan lát, đóng khố hay dệt thổ cẩm... Du khách đến vui chơi, dạo quanh khu chợ cũng có thể nhìn thấy bà con đang cặm cụi, cần mẫn làm các sản phẩm thổ cẩm. Bên cạnh đó, bạn có thể giao lưu văn hoá cùng mọi người, tham gia vào những trò chơi dân gian, thực hành gói bánh, dệt vải theo cách truyền thống.
Bàn về định hướng phát triển trong thời gian gần, Huy cho biết: "Trong vòng 1 - 2 năm tới, chợ phiên hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm đặc trưng về ẩm thực, dược liệu, nông sản xanh, cũng như các sản phẩm thủ công gắn liền bản sắc văn hóa dân tộc như làm thổ cẩm, khố... Ngoài ra, sẽ có thêm địa điểm workshop trong chợ, kết nối các sự kiện lễ hội lớn. Chẳng hạn, tháng 1/2024, chúng tôi sẽ kết hợp với giải chạy Mang Den Adventure Sustainable Series làm điểm tiếp sức và điểm kết hành trình".