Đến Hà Giang đi chợ phiên Lũng Phìn

02/06/2014

Chợ phiên Lũng Phìn ở Hà Giang không chỉ là nơi trao đổi mua bán những sản vật vùng cao, mà còn là phiên chợ tình giao duyên của trai thanh gái tú.

Từ thị trấn Mèo Vạc đi thêm khoảng 15 km, trên trục lộ 4C thuộc cung đường đi Đồng Văn – Mèo Vạc – Yên Minh, vào các ngày Thân và ngày Dần, bạn sẽ bắt gặp chợ phiên Lũng Phìn tại xã Lũng Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Đây là ngày hội lớn của hơn 16 dân tộc anh em sinh sống trên miền Cao nguyên đá và là một trong những phiên chợ lùi độc đáo ở cực Bắc Việt Nam. Sở dĩ còn gọi là chợ lùi vì cứ đều đặn 6 ngày một phiên, tuần này họp ngày Dần thì tuần sau họp ngày Thân. Chợ phiên họp trong ngày, từ khoảng 4 - 5h sáng cho đến 3 - 4h chiều thì tan.

Khắp nẻo đường quanh co lưng chừng núi, người dân tộc váy áo rực rỡ đổ về chợ phiên vui như đi trẩy hội.

Đến hẹn lại lên, ngay từ sáng sớm tinh sương, bà con từ khắp các thôn bản đã gùi hàng hoá đổ về cho kịp phiên chợ. Nét độc đáo riêng có ở chợ phiên Lũng Phìn là hàng hóa đem đến chợ đôi khi chỉ là một con gà, chục quả trứng, hay đơn giản chỉ vài bó mía, mấy mớ rau quả trong vườn nhà. Chính điều ấy làm nên nét đơn sơ, dân dã cho phiên chợ vùng cao, gợi sự thích thú cho khách khi đến tham quan, du lịch. Các mặt hàng đặc sản như mật ong bạc hà, chè tuyết Lũng Phìn, gà đồi, thổ cẩm... được khách du lịch mua nhiều nhất.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Mang theo chú gà đi họp chợ.

Tuy nhiên, những cô gái, chàng trai ở bản xa đi chợ đâu chỉ để mua bán mà còn để vui chơi, tìm bạn tình, vì thế ai cũng mang trên mình bộ cánh đẹp chẳng khác gì đi trẩy hội. Các thiếu nữ váy áo xúng xính xuống chơi chợ. Cô thôn nữ H’Mông xinh tươi trong dáng váy xòe hoa, cô gái Dao đỏ lấp lánh trang sức ánh bạc... cả một rừng hoa đủ màu lung linh khoe sắc. Trẻ em cũng mặc váy mới, theo bà theo mẹ đi chợ ăn quà.

Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố mỗi tuần. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình, chấm cùng bát muối với ớt tươi dầm cay xè lưỡi. Đậm đà, đưa đẩy. Những người bạn già ăn thắng cố cùng nâng chén rượu nồng, hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe. Con trai, con gái say rượu bên bàn thắng cố để cất tiếng hát tiếng khèn tìm người tình trăm năm. Còn khách du lịch tò mò cũng lấy hết can đảm ăn thử miếng thắng cố để cảm nhận hương vị làm mê say lòng người.

Những chàng trai khi đã say men rượu, ngất ngây men tình thường cất tiếng hát “Gọi em bằng tiếng khèn/ Sao em mải mê hát/ Chẳng nghe tiếng khèn anh…/ Bát rượu dưới chợ phiên/ Anh uống uống thật say/ Thương anh dìu anh lên ngựa/ Thương anh theo anh về bản/ Thương anh hãy về cùng anh”. Tiếng hát của người có men rượu và say tình thật mượt mà, đằm thắm. Còn những cô gái, khi đã ưng cái bụng cũng nâng chén mà rằng “Tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày. Tay em biết cầm sợi se lanh, anh không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm... ”

Đường về bản xa.

Sau mỗi phiên chợ, ai cũng bịn rịn bước chân chưa muốn về. Họ lại hẹn phiên chợ sau gặp gỡ. Từng tải gạo, mớ rau được chất lên lưng theo bước chân chèo non lội suối về nhà.

Một lần đến với chợ phiên Lũng Phìn để trải nghiệm những nét độc đáo về văn hoá chợ của người vùng cao mới thấy cuộc sống giản đơn mà đậm đà tình nghĩa biết bao.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES