Mối lương duyên giữa Nguyễn Nhật Ánh và điện ảnh
Nguyễn Nhật Ánh, cái tên gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ 7x, 8x, là một "cây bút của tuổi thơ" đích thực. Với bề dày các tác phẩm văn học lấy đề tài học đường, tái hiện quãng trời tươi đẹp thời hoa niên mà chính tác giả từng thừa nhận rằng vì bản thân rời quê hương, xa tuổi thơ từ sớm mà luôn đau đáu nghĩ về nó. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của ông, dù dành cho lứa tuổi thiếu niên, hay thậm chí là thanh niên, dù trong trẻo và hồn nhiên nhưng luôn đau đáu một nỗi niềm, sự u hoài cổ điển, và trên hết và tôn thờ cảm xúc thanh tân.
Mỗi đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh khi ra mắt đều tạo thành hiện tượng văn hóa, xuất bản. Đọc văn của ông, ta luôn thấy một lối viết đặc biệt, hấp dẫn, đến từ sự hóm hỉnh, trong sáng, đầy ắp sự tử tế và lòng yêu thương. Là tác phẩm hướng tới thiếu nhi, nhưng những truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh đều có thể chạm tới cả tâm hồn người lớn.
Gần như các nhân vật nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về đều ôm một giấc mộng tuổi trẻ không thành với ai đó. Chàng trai trong “Đi Qua Hoa Cúc” trót thích một người hơn mình rất nhiều tuổi rồi phải ngậm ngùi chứng kiến người ấy ra đi khỏi cuộc đời mình. Ngạn yêu Hà Lan từ lúc anh còn chưa biết tình yêu là gì đến khi gần tứ tuần, và đã làm mọi thứ để giúp người mình thương được vui. Cậu bé cấp Ba trong "Hạ Đỏ" phải nước mắt ngắn dài chạy qua một cánh đồng rộng đầy ký ức để trốn khỏi người cậu thương, người qua mùa hè sẽ đi cưới chồng.
Hầu hết các phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có sự đầu tư tới nơi tới chốn từ kịch bản, đạo diễn, tuyển chọn dàn diễn viên, bối cảnh. Nhiều người trong giới nhận định đây là yếu tố góp phần quan trọng mang đến thành công, tạo mối duyên lành giữa tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh và điện ảnh. Việc chuyển thể cần giữ được "chất" trong câu chuyện của nhà văn nhưng vẫn có sự sáng tạo vừa phải, cân bằng của biên kịch và đạo diễn thông qua việc truyền tải cảm xúc bằng hình ảnh đến khán giả.
Văn học là một thế giới tưởng tượng vô tận, nơi mỗi độc giả có thể tự do vẽ nên những hình ảnh riêng. Điện ảnh, ngược lại, là một ngôn ngữ trực quan, cụ thể. Chính sự khác biệt này tạo nên một thử thách lớn cho các nhà làm phim khi chuyển thể tác phẩm văn học. Làm sao để hình ảnh hóa những câu chữ bay bổng mà vẫn giữ được cái hồn của nguyên tác là một bài toán khó.
"Tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng là kho tàng quý giá cho nhà làm phim. Việc chuyển thể các tác phẩm này có lợi thế về thương hiệu, cốt truyện, kịch bản nhưng cũng có nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua. Một tác phẩm hay, thuyết phục được số đông thì sẽ thành công về doanh thu", nhà biên kịch Đông Hoa nhận định.
Câu chuyện thanh xuân rời xa phố thị để “tìm bình yên"
Truyện dài "Ngày xưa có một chuyện tình" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được Trịnh Đình Lê Minh chuyển thể màn ảnh rộng. Nội dung tác phẩm kể về 2 chàng trai tên Phúc, Vinh và cô gái tên Miền. Họ bên nhau từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, phải đối mặt với những thử thách của số phận. Họ bắt đầu bằng tình bạn rồi dần dần chớm nở tình đầu, bỡ ngỡ bước vào đời, va vấp và vượt qua. Câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng thấm đẫm suy nghĩ về tình yêu, hành trình trưởng thành từng một thời chinh phục độc giả.
Lựa chọn một truyện dài ra đời vào năm 2016, dù với bối cảnh đồng quê, nhưng giọng văn giản dị, gần gũi, gọn gàng của Nguyễn Nhật Ánh vẫn đủ sức chinh phục, khiến độc giả sụt sùi vì xúc cảm tinh khôi của các nhân vật trẻ đi tìm tình yêu đầu đời. Cả "Mắt biếc" và "Ngày xưa có một chuyện tình" đều là những bản tình ca về tuổi trẻ, nhưng mỗi tác phẩm lại mang một sắc thái riêng. Nếu "Mắt biếc" là một bản tình ca buồn, khắc họa những nỗi niềm tiếc nuối, thì "Ngày xưa có một chuyện tình" lại là một bản tình ca ngọt ngào, ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu chân thành.
Ở đó, là sự hiện hữu đẹp đẽ của những người trẻ, yêu một cách yêu rất khác so với thời đại viễn thông bây giờ: Vinh, Miền và Phúc... cùng lớn lên trong môi trường trong lành của thôn quê, sự hồn hậu ăn sâu vào lương tri và khiến họ không thể làm gì sai trái để cướp đi tình yêu riêng mình. Tình yêu của Vinh, Miền và Phúc là một minh chứng cho thấy tình yêu đích thực không cần những lời hoa mỹ, không cần những hành động phô trương, mà chỉ cần sự chân thành và tin tưởng.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ khi biết Trịnh Đình Lê Minh đưa tác phẩm của mình lên màn ảnh rộng: "Tôi biết cũng nhân vật tiểu thuyết đó, một trăm người đọc sẽ có cho mình một trăm hình ảnh khác nhau tùy theo tính cách và trải nghiệm của từng người. Đạo diễn cũng thế thôi! Trịnh Đình Lê Minh sẽ hình dung ra Vinh, Phúc, Miền theo sự cảm nhận, óc tưởng tượng, theo cá tính và thiên hướng sáng tạo của anh ấy. Với tư cách một nhà văn, tôi chỉ mong từ nguyên liệu văn học, đạo diễn sẽ sáng tạo nên một bộ phim thành công, đặc biệt là chạm vào cảm xúc của người xem, vậy là tốt rồi!".