ĐÀ LẠT, “MỘT GÓC NHỎ NƯỚC PHÁP”

23/03/2017

Bạn đồng hành cùng tôi trong chuyến ghé thăm Đà Lạt lần đầu tiên trong đời là một người Pháp. Chỉ mươi phút khi vừa đặt chân xuống sân bay Liên Khương, Sylvie đã thốt lên: “Chúng ta chẳng khác gì đang đi trên những cung đường Tây Nam nước Pháp.”

Trong suốt kỳ nghỉ cuối tuần ở thành phố mộng mơ này, chúng tôi đã hơn vài lần lặp lại câu nói đó. Chỉ khác ở chỗ sẽ so sánh ấn tượng gặp gỡ mới bằng tên một địa danh khác - trong lúc tản bộ dưới những tán thông, khi đi ngang những cung điện từng là chốn nghỉ dưỡng yêu thích của các quan chức thuộc địa. Hay đơn giản là khoảnh khắc bắt gặp một khóm hoa tưởng chỉ có thể vươn mình khoe sắc trong khí hậu ôn đới.

 

 

Thật tình cờ, nơi chúng tôi trọ lại trong đêm đầu tiên đến Đà Lạt là một cụm biệt thự Pháp được xây dựng đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Kín đáo nép mình bên những đồi thông, Dalat Cadasa Resort là cụm 12 biệt thự từng bị bỏ phế trong một thời gian dài, sau được một nhà giáo từ Sài Gòn bắt tay trùng tu, nâng cấp.

 

 

Cả khu resort như một bảo tàng kiến trúc biệt thự Pháp, với mỗi tòa là một vẻ đẹp điển hình của từng vùng miền: Bretagne, Savoie, Provence, Pays-Basque… Chưa hết, nét duyên dáng của những ngôi biệt thự này còn ẩn mình nơi chiếc lò sưởi giữa nhà, góc thưởng trà đọc sách bên ô cửa lớn và khu vườn rực rỡ sắc hoa.

 

 

Có tất cả những loài hoa đẹp nhất trong khu vườn biệt thự: hoa hồng, hoa mimosa, hoa bất tử, hoa cẩm tú cầu, hoa trà, hoa thủy tiên, tulip. Và cả loài hoa mong manh mà tôi yêu thích nhất - lưu ly - loài hoa xuất hiện gần như ở bất kì khoảnh khắc nào ta muốn thấy: trong vườn biệt thự, giữa sân nhà thờ lớn, trên ban công những quán cà phê trữ tình, hay trên những lối đi về dọc ngang phố núi.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Sylvie đến Đà Lạt vì lời hứa với một người bạn có bố sinh ra và trải qua những năm tháng trung học tại Lycée Yersin (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), một trong 1.000 công trình được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là công trình xây dựng độc đáo của thế kỷ 20. 

Khi nhìn ngắm dãy lớp học hình vòng cung ửng đỏ trong nắng và chiếc tháp chuông sừng sững giữa trời, chúng tôi đã nghĩ đến Toulouse, nơi được mệnh danh là “thành phố hồng” do hầu hết các công trình ở đây đều được xây dựng bằng gạch đỏ không tô. Trường trung học Yersin và Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn là hai trong số các công trình được xây bằng loại gạch trần này. 

Bước chân về phía dãy phòng học đối diện, tôi thấy tim đập rộn ràng khi gặp lại những cánh cửa sơn xanh, những cánh cửa vẫn mở toang đón gió Địa Trung Hải trong những ngày nắng ấm ở miền nam nước Pháp.

 

 

Đúng vậy, một cánh cửa sổ cũng có thể khiến những trái tim thân Pháp thổn thức nhớ lại những ký ức tươi đẹp nơi đất nước hình lục lăng. Và cũng thật may cho những đứa con xưa khi chốn cũ một thời gắn bó vẫn còn nguyên ở đây, kiên nhẫn đợi đến ngày hội ngộ - dẫu chỉ là qua vài tấm ảnh chụp vội.

Được thiết kế vào năm 1927 bởi kiến trúc sư Moncet, mái trường này từng là nơi theo học của con em người Pháp và những gia đình Việt Nam giàu có. Sau khi mang tên Petit Lycée Dalat rồi Grand Lycée de Dalat, trường chính thức được đổi tên thành Lycée Yersin vào năm 1932 để tưởng nhớ bác sĩ Alexandre Yersin, người đã phát hiện vào một ngày tháng 6 cách đây 124 năm “un grand plateau dénudé mamelonné" (cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô) mà sau này chúng ta gọi tên là cao nguyên Lang Bian.

 

 

Bản thân bác sĩ Yersin có lẽ cũng chẳng biết rằng đó chính là giây phút mở ra một trang sử mới cho vùng đất và cư dân nơi này.

Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, thiên đường trăng mật của các cặp đôi mới cưới xa kia từng là trạm nghỉ dưỡng của người Pháp trong thế chiến thứ hai, khi súng đạn ngăn cản bước chân họ quay về quê cũ. Người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình mang âm hưởng kiến trúc phương Tây tại Đà Lạt như để tặng những người đồng hương của mình một chút thân quen nơi viễn xứ.

 

 

Và cũng như những thành phố châu Âu khác, ở Đà Lạt có một nhà thờ chánh tòa theo phong cách Roman với móng hình chữ thập. Đứng trên tháp chuông cao 14m của nhà thờ, bạn sẽ được sở hữu góc nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Biểu tượng con gà sừng sững trên nóc tháp chuông gắn liền với chuyện Thánh Phêrô ghi trong Phúc âm nhắc nhở sự sám hối, thức tỉnh. Vì lẽ này, nhà thờ còn có một tên gọi khác là “Nhà thờ Con gà”.

 

 

Thật chẳng ngoa khi ví Đà Lạt như một bảo tàng kiến trúc liên văn hóa, nơi giao thoa giữa vật liệu tre, gỗ của Việt Nam với gạch trần, xi măng cốt thép và thủy tinh mang âm hưởng Tây phương. Nhà thờ Domaine là một công trình điển hình của xu hướng này. Nhiều chuyên gia cho rằng độ dốc mái của nhà thờ được xây cao hơn so với các nhà thờ truyền thống khác là để thể hiện cho lối dựng nhà Rông của đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

 

Sức hút của Đà Lạt nằm ở vẻ đẹp trộn lẫn giữa hai nền văn hóa mà nay vẫn râm ran trong những câu chuyện kể, hiển thị trong từng hàng cây, góc phố một lần ta gặp gỡ nơi vùng đất mộng mơ. 

 

Và với tôi, nếu phải bình chọn khoảnh khắc thấy mình quyến luyến nhất với mảnh đất này, chắc chắn đó là lúc thưởng rượu nơi chòi kính trong suốt ở góc vườn Cadasa cùng bạn đồng hành. Những giọt vang Đà Lạt khi ấy đôi lần dẫn tôi đến những liên tưởng xa xôi, về những ly rượu mừng sóng sánh niềm vui của một gia tộc nào đó, chừng một trăm năm trước, cũng chính tại không gian này.

Bài: Trang Ami Ảnh: Châu Giang, Đồng Thu Hà, Khôi Trần, Việt Trí

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES