Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thiên nhiên và Thế giới. Toàn bộ 12,252 ha diện tích khu Di sản là một vùng núi non hùng vĩ được tạo bởi nhiều tháp đá, hố sụt và thung lũng, thông với nhau qua các dòng suối, hình thành những hang động ngập nước quanh năm cùng hệ thống thảm động, thực vật nguyên sinh. Điểm xuyết trong không gian sơ khai ấy là sự thâm trầm, nét rêu phong cổ kính của các mái đình, đền, phủ nằm dưới chân hay lưng chừng các dãy núi cao.





Tràng An sở hữu vẻ đẹp sông núi trữ tình cùng nét rêu phong, cổ kính từ những đình, đền, phủ mang dấu ấn lịch sử
11 năm kể từ khi tổ chức UNESCO chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, Tràng An vẫn giữ cho mình vẻ đẹp thiên nhiên nguyên thủy. Cây cỏ và nước sông hòa cùng một màu xanh, làm dịu mát lòng người lữ khách ghé thăm trong những ngày hè nóng nực.
Du khách đến quầy mua vé với giá 250.000 đồng/người, 4 người/thuyền để trải nghiệm du thuyền Tràng An trong 3 tiếng. Trong chuyến đi, du khách sẽ tham quan 9 hang động, 3 công trình tâm linh có giá trị lịch sử nằm giữa khung cảnh “phong thủy hữu tình”.


Trải nghiệm ngồi thuyền gỗ trong 3 tiếng giúp du khách chiêm ngưỡng và khám phá trọn vẻ đẹp của Tràng An
Chiếc thuyền gỗ xuôi dòng đưa du khách khám phá địa điểm tâm linh đầu tiên - Đền Trình hay còn có tên gọi khác là Phủ Đột. Đền nằm dưới chân núi theo thế “tựa sơn, hướng thủy”, tồn tại đã hơn một thiên niên kỷ. Năm 2003, đền được trùng tu bằng các vật liệu từ gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu), theo kiến trúc chữ Đinh. Đền là nơi thờ tự “tứ trụ triều đình” - 4 vị khai quốc công thần có công đầu trong việc dẹp loạn 12 sứ quân, mở ra triều đại nhà Đinh là Ngoại giáp Đinh Điền; Định Quốc công Nguyễn Bặc; Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ và Trịnh Tú.


Đền Trình hay Đền Phủ Đột đã có tuổi đời hơn 1000 năm, nơi thờ "tứ trụ triều đình" thời vua Đinh Tiên Hoàng
Bát hương ngoài trung thiên thờ cộng đồng các tướng sĩ nhà Đinh, trong bái đường thờ Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù, hai vị giám sát đại tướng quân đã bế ấu chúa Đinh Toàn 6 tuổi vào ẩn nấp trong núi rừng để tránh sự truy sát của nhà Lê khi xảy ra cuộc biến loạn triều đình năm 979. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hai ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại đây. Đền Trình được coi là một trong những chứng tích lịch sử cho cuộc biến động giữa hai triều đại Đinh - Lê.



Bát hương ngoài trung thiên thờ cộng đồng các tướng sĩ nhà Đinh
Sau 20 phút tham quan Đền Trình, du khách tiếp tục đi thuyền qua Hang Nấu Rượu dài khoảng 250 m với hàng nghìn hũ rượu phủ nắp đỏ dọc hai bên thành trong hang. Tương truyền trong hang có một giếng nước sâu hơn 10m, nước trong và ngọt, được các bậc tiền nhân dùng để nấu rượu. Những chum rượu được chưng cất, ủ ngay trong hang, hấp thụ tinh hoa của đất trời. Sau này, trong quá trình nạo vét, cải tạo hang động, nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu được tìm thấy và một số trưng bày trong hang.


Đi qua Hang Nấu Rượu, du khách đến đền Trần nằm ở trung tâm của Quần thể danh thắng Tràng An, cũng là trái tim của Di sản. Đền còn có tên gọi là đền Nội Lâm, nằm trong rừng, thờ Quý Minh Đại Vương và phu nhân là Hoàng Phi quý nương. Theo truyền thuyết, thần Quý Minh là một vị tướng của Vua Hùng, được giao trấn ải sứ Sơn Nam.
Đền nằm ở lưng chừng núi trên dãy núi Tràng An. Từ bến thuyền, du khách mất khoảng 20 phút leo qua 175 bậc đá quanh co, giữa không gian tĩnh lặng mang vẻ linh thiêng, cổ kính để lên đến đỉnh, sau đó xuống dốc để vào đền.


Qua đền Trần, mái chèo của người lái đò đưa du khách qua loạt hang động: Hang Ba Giọt, Hang Seo, Hang Sơn Dương và Hang Khống trước khi đến Phủ Khống. Lối vào hang động cao không quá 3m nhưng mở ra bên trong là cả một thế giới. Những vách đá gồ ghề, nhô ra thụt vào hình thành một con đường ngoằn ngoèo với những góc cua gần 90 độ. Trên trần hang, ánh đèn vàng soi đường cho người lái đò, đồng thời phản chiếu ánh sáng lung linh, lấp loáng từ những cột nhũ đá xuống mặt nước.
Hang Ba Giọt để lại ấn tượng cho du khách về những nhũ đá hay còn gọi là “cây bụt” mọc từ trần hang đâm ngược xuống. Những cột nhũ đá đủ màu sắc trong hang không khô mà thấm đẫm nước, tiếp tục quá trình mài mòn theo thời gian để tạo nên những hình thù, màu sắc mới.



Chiếc thuyền gỗ luồn lách qua những hang động tự nhiên, nơi du khách có thể chạm vào những phiến đá vôi mát lạnh ẩm hơi nước
Sau khi đi qua hang Ba Giọt, du khách tiếp tục đi qua hang Seo dài 100m và hang Sơn Dương dài 250 mét, đến Thung Khống rộng khoảng 92.567m2, nơi có phủ Khống.
Phủ Khống là nơi thờ 7 vị trung thần triều Đinh, những người đã tự tay khâm liệm vua Đinh Tiên Hoàng rồi tuẫn tiết, giấu kín điều bí mật về nơi vua an nghỉ. Vị tướng trấn ải phía nam kinh đô thời Đinh, có tước là Đinh Công Tiết Chế, cảm kích trước nghĩa khí đã lập bát nhang thờ cúng và trồng một cây thị bên cạnh. Sau này, nhân dân trong vùng chung tay xây dựng phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị vẫn nằm đó trên một gò đá, rễ liền từng mảng, cắm sâu vào lòng đất, vươn lên bám kín trên tảng đá, thường cho quả vào trung tuần tháng 8 đúng dịp ngày giỗ vua Đinh Tiên Hoàng.

Phủ Khống nằm bên gốc cây thị lâu năm do nhân dân lập lập nên để tưởng nhớ công ơn các bậc trung thần
Sau khi tham quan phủ Khống, đi sâu vào trong để sang bến thuyền bên kia, du khách sẽ đi qua chùa Báo Hiếu. Đây là ngôi chùa được người dân cố đô dựng lên để thờ phụng anh linh những chiến sĩ, đồng bào vì dân vì nước, vì cố đô Hoa Lư và những vong hồn không nơi nương tựa, nương nhờ của Phật, nhận được hương khói quanh năm.



Chùa Báo Hiếu được người dân cố đô dựng lên để thờ phụng, hương hoả anh linh những chiến sĩ, đồng bào
Rời Phủ Khống, du khách tham quan thêm Hang Trần và Hang Quy Hậu trước khi trở lại bến thuyền. Nếu lựa chọn các tuyến du thuyền khác, du khách có cơ hội ghé thăm một số địa điểm khác như Hang Đột với hệ thống nhũ đá dài 1 km và là hang động dài nhất của Tràng An; núi Địa Linh đứng sừng sững như ngọn tháp bút giữa dòng sông; Đền Thánh Cao Sơn - thành Nam của Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, sau này là thủ đô kháng chiến của nhà Trần chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII; Hành Cung Vũ Lâm - nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên trước khi lập ra Thiền Phái Trúc Lâm hoặc núi Phượng Hoàng - biểu tượng nhận diện khi nhắc đến Di sản Tràng An.


Du thuyền Tràng An là trải nghiệm được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích khi đến mảnh đất cố đô lịch sử
Nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Thăng Long - Hà Nội khoảng 90 km, hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh tại quần thể danh thắng Tràng An đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh (26 di tích) và cấp quốc gia (20 di tích). Đến đây, du khách không chỉ được thư giãn giữa bức tranh non nước, phong thủy hữu tình mà còn được chiêm ngưỡng những di tích lưu lại dấu ấn của các triều đại phong kiến Việt Nam, được bảo tồn giữa thiên nhiên qua hàng nghìn năm biến động.