Đại Cung Môn, cánh cửa mở lối vào nơi ở của vua triều Nguyễn sắp được phục dựng

19/11/2024

Đại Cung Môn, cánh cổng nguy nga từng mở lối vào Tử Cấm Thành sắp được tái hiện trong vẻ vang xưa kia. Việc phục dựng công trình kiến trúc đồ sộ này không chỉ là khôi phục một công trình kiến trúc mà còn là tái hiện một phần hồn cốt của Huế, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục dựng di tích Đại Cung Môn dưới triều Nguyễn bên trong Đại Nội Huế. Đây là cổng chính của Tử Cấm Thành - khu vực các vị vua cùng các phi tần triều Nguyễn sống và làm việc bên trong Đại Nội Huế.

Bài liên quan

Dự án Phục hồi di tích Đại Cung Môn có tổng mức đầu tư dự kiến gần 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến triển khai vào đầu năm 2025 và thực hiện trong vòng 4 năm. Dự án tập trung vào việc tu bổ và phục hồi công trình theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và kiến trúc truyền thống.

Đại Cung Môn nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, phía Bắc của điện Thái Hòa. Công trình này bị phá hủy vào năm 1947, chỉ còn lại phần nền móng

Đại Cung Môn nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, phía Bắc của điện Thái Hòa. Công trình này bị phá hủy vào năm 1947, chỉ còn lại phần nền móng

Theo đó, dự án sẽ thực hiện tu bổ phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá Thanh, chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền, bậc cấp lát đá Thanh, tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.

Dự án sẽ phục hồi phần chính của Đại Cung Môn là kết cấu bộ khung gỗ, mái, vách ván, liên ba đố bản, cửa bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Các cấu kiện gỗ được bảo quản chống ẩm và chống mối gỗ. Mái lợp ngói âm ống hoàng lưu ly, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ các hoa văn trang trí và phục chế pháp lam, đỉnh bờ nóc bờ quyết gắn các con giống bằng pháp lam. Phần tiếp giáp với hai mái của hành lang hai bên được xử lý chống thấm, đòn tay, rui và ngói lợp của hai hành lang tu bổ phục hồi để đấu nối vào tường đầu hồi của Đại cung môn.

Dự án cũng tu bổ phục hồi sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong sau Đại Cung Môn; tôn tạo hệ thống điện chiếu sáng công trình, chiếu sáng nghệ thuật nội thất, ngoại thất; tôn tạo, lắp đặt hệ thống rãnh thoát nước; lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống camera…

Đại Cung Môn mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung

Đại Cung Môn mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung

Đại Cung Môn cùng với điện Cần Chánh của triều Nguyễn trong Đại Nội Huế bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh vào năm 1947. Việc thực hiện tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại Nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.

Đại Cung Môn là cổng chính của Tử Cấm Thành – nơi sinh sống và làm việc của các vị vua triều Nguyễn cùng phi tần trong Đại Nội Huế. Công trình được xây dựng vào năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng với 5 gian không chái, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa chỉ dành cho vua.

Kiến trúc của Đại Cung Môn thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật triều Nguyễn, với mặt trước được sơn son thếp vàng lộng lẫy, các ô hộc trang trí hoa văn cổ điển như bát bửu, tứ linh xen lẫn thơ văn. Hành lang kết nối phía sau dẫn tới nhà Tả Vu và Hữu Vu, tạo nên sự đồng bộ và hài hòa cho khu vực này.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES