Từ lâu, Thái Lan đã trở thành viên ngọc quý trong du lịch Đông Nam Á, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Với những bãi biển cát trắng trải dài, làn nước trong xanh, những ngôi chùa cổ kính ẩn chứa bao câu chuyện huyền bí, và một nền ẩm thực phong phú với những món ăn cay nồng đặc trưng, đất nước chùa vàng luôn có sức hút mãnh liệt. Tuy nhiên, bức tranh du lịch Thái Lan sắp có những thay đổi đáng kể khi chính phủ nước này quyết định áp dụng thuế đi lại. Quyết định này dự kiến sẽ tác động không nhỏ đến trải nghiệm du lịch của du khách.
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan, ông Sorawong Thienthong, đã công bố kế hoạch thu thuế mới với các du khách có tên “thuế đi lại” sẽ được trình lên Nội các Thái Lan để phê duyệt trong quý đầu tiên của năm 2025.
“Kha Yeap Pan Din” (Phí bước chân lên đất Thái Lan), còn được gọi là “phí hạ cánh”, đã được Nội các dưới thời cựu thủ tướng Prayut Chan-o-cha phê duyệt về nguyên tắc vào tháng 2-2023, như một biện pháp giúp phục hồi kinh tế Thái Lan sau đại dịch COVID-19. Dự luật đặt mục tiêu đánh thuế 300 baht (8,88 USD) đối với người nước ngoài đến bằng đường hàng không và 150 baht (4,44 USD) đối với người đến bằng đường bộ hoặc đường biển.
Số tiền thu được sẽ dùng để giúp phát triển các điểm đến du lịch mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ công cộng. Sau khi chính sách này bị hủy bỏ vào tháng 6 năm nay dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin, chính phủ hiện tại dưới thời Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã quyết tâm khôi phục lại kế hoạch, với tên gọi mới “thuế đi lại”.
Ông Sorawong cho biết, sau khi được phê duyệt, thuế du lịch sẽ có hiệu lực trong 6 tháng, hoặc khoảng giữa năm 2025. Ở giai đoạn đầu, loại thuế này sẽ được áp dụng với các du khách tới Thái Lan bằng đường hàng không.
Bộ Du lịch lưu ý rằng du khách hàng không chiếm khoảng 70% lượng khách quốc tế đến Thái Lan, khiến du lịch hàng không trở thành trọng tâm đầu tiên của loại thuế mới. Số tiền thu được một phần sẽ được dùng để mua bảo hiểm cho người nước ngoài, còn lại sẽ được bổ sung vào quỹ phát triển du lịch. Quỹ này sẽ hỗ trợ cải thiện các điểm tham quan du lịch, bao gồm xây dựng các cơ sở cho người khuyết tật và nhà vệ sinh cho khách du lịch.
Ông Sorawong cho biết Bộ Du lịch cũng đang xây dựng một ứng dụng để thu thuế, ứng dụng này sẽ được liên kết với hệ thống của Ngân hàng Krungthai. Số tiền bảo hiểm hiện tại sẽ vẫn giữ nguyên, không quá 60 baht so với mức thuế đi lại 300 baht cho mỗi người.
Tiền bảo hiểm chi trả trong trường hợp tử vong được ấn định ở mức 1 triệu baht, và tối đa là 500.000 baht cho thương tích. Số tiền này nằm ngoài số tiền bảo hiểm mà khách du lịch nước ngoài tự mua. Bảo hiểm theo thuế du lịch mới sẽ chi trả cho thời gian lưu trú tại Thái Lan không quá 30 ngày, áp dụng cho khoảng 87% khách nước ngoài đến, ông Thienthong cho biết.
Sau giai đoạn đầu tiên, Nội các có thể xem xét điều chỉnh thuế đối với hành khách đến bằng đường bộ và đường biển ở mức tương đương với hành khách đi máy bay để tránh những cáo buộc đối xử bất bình đẳng.
Tuy nhiên, thuế du lịch sẽ không áp dụng đối với các thương nhân xuyên biên giới, những người sẽ cần phải xuất trình giấy thông hành biên giới khi đi qua lại các nước láng giềng.
Thuế du lịch được đề xuất phù hợp với xu hướng toàn cầu về việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch. Đối với Thái Lan, một quốc gia chào đón khoảng 40 triệu du khách quốc tế hàng năm trước đại dịch, loại thuế mới này dự kiến sẽ cung cấp nguồn tài trợ thiết yếu cho các dự án liên quan đến du lịch mà không phụ thuộc nhiều vào ngân sách quốc gia.
Đề xuất thuế du lịch của Thái Lan có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia Đông Nam Á khác và các điểm đến được nhiều du khách ghé thăm trên toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi du lịch sau đại dịch.