GS.TS. Ngô Đức Thịnh
Từ đạo thờ Mẹ
Đạo Mẫu không phải là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất, mà nó là một hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo, trong đó ít nhất nó bao gồm ba lớp khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau, đó là lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, lớp thờ Mẫu Thần và lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Lớp thờ nữ thần mang tính phổ quát rộng rãi, phù hợp với xã hội nông nghiệp và vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Lớp thờ Mẫu thần phát triển trên cái nền thờ Nữ thần, như thờ các Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, như Ỷ Lan, Mẹ Gióng, Thiên Y Ana, Linh Sơn Thánh Mẫu - Bà Đen, Bà Chúa Xứ... mà ta có thể bắt gặp phổ biến tại các đền thờ, miếu mạo rải khắp ba miền đất nước.
Về cơ bản lớp thờ Nữ Thần và Mẫu Thần mang tính bản địa, nội sinh. Lớp Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hình thành trên cơ sở lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần và tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đã hình thành và định hình thì đạo Tam phủ, Tứ phủ đang ảnh hưởng theo hướng Tam phủ, Tứ phủ hoá tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần.
Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nhất là từ thế kỷ XV - XIX, vẫn tiềm ẩn và có chiều hướng phát triển trong xã hội hiện nay, ở cả đồng bằng, đô thị và miều núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Đây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển, nó đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo nữa.
Đạo Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ - con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe, tài lộc. Một tôn giáo tín ngưỡng hướng về đời sống trần thế hiện tại, chứ không phải là mai sau, ở thế giới bên kia!
|
Một hệ thống thần điện tuy là đa thần (có khoảng trên dưới 60 vị thần thánh), nhưng đứng đầu và bao trùm lên là Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh tuy xuất hiện muộn mằn trong điện thần (từ thế kỷ XVI) nhưng lại chiếm vị trí thần chủ trong điện thần Đạo Mẫu. Chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã "trần thế hóa" đạo Mẫu và trong điều kiện của xã hội Nho giáo cuối thời phong kiến nó đã bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người Việt Nam.
Chúng ta hãy đến thăm Phủ Tây Hồ - nơi thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh - để thấy người Hà Nội và các thành phố khác trong cả nước đến đây dâng lễ như thế nào. Chúng ta cũng có thể đi hành hương đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh vào dịp đầu năm và cuối năm với hàng chục vạn người mỗi ngày với đủ mọi tầng lớp xã hội, chủ yếu là người đô thị đến đây hành lễ.
Đạo Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà còn là văn hóa, mà thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục, nó thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Ở đó chúng ta nhận thấy một lối sống, quan niệm, cung cách sinh hoạt, những ước vọng của không chỉ con người của xã hội cổ truyền, mà còn cả của con người hiện đại nữa.
Đạo Mẫu ẩn chứa những giá trị văn hóa rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết và huyền thoại, đó là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, nhảy múa, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc đền phủ... Đó là diễn xướng Đạo Mẫu, một hình thức sân khấu tâm linh, hay cao hơn là cả một văn hóa Đạo Mẫu. Chỉ nói riêng nghi lễ Lên Đồng của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn độc đáo, là một trong hai loại âm nhạc - dân ca tiêu biểu của người Việt.
Đến hầu đồng, hầu bóng
Tuỳ theo từng nơi, từng lúc, người ta gọi là lên đồng,Hầu đồng hay Hầu bóng... - một hiện tượng nghi lễ chứa đựng nhiều điều “bí ẩn”.Lên đồng là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của các thần linh Đạo Mẫu Tứ phủ vào thân xác củc Bà đồng hay ễng đồng, để cầu sức khoẻ - tài - lộc.
Có cả Bà đồng và Ông đồng, nhưng bà đồng vẫn chiếm số đông. Họ không phải là những người tự nguyện trở thành Bà đồng, Ông đồng, mà tuyệt đại đa số là do hoàn cảnh bản thân thúc ép, do di truyền gia tộc hay bản tính có căn đồng. Người nào có “căn” mà chưa ra trình Thánh thì thường bị bệnh tật, ốm đau, mà đây là thứ bệnh “âm”, chữa chạy bằng thuốc thang không khỏi hay làm ăn thất bát, thua thiệt. Dân gian gọi hiện tượng này là “cơ đày”, tức người đang bị Thánh đày ải. Ra đồng rồi thì thường sức khoẻ hồi phục, làm ăn được hanh thông.
Những Bà đồng, Ông đồng thường có tâm tính khác người: nhạy cảm, dễ thay đổi, quyết đoán, không ít người trong họ, nhất là Ông đồng thường là “ái nữ”. Bởi thế dân gian hay nhận xét ai đó “tính đồng bóng” hay trông “đồng cô quá”!
Khi đã bị Thánh “bắt lính”, tức ra trình đồng rồi thì hàng năm, tuỳ theo lịch tiết, đặc biệt là vào dịp “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, các Bà đồng, Ông đồng thường phải tổ chức lễ Lên đồng. Trong nghi lễ như vậy, theo quan niệm dân gian, các vị Thánh từ các miền khác nhau của vũ trụ bay về nhập hồn vào thân xác các Bà, Ông đồng. Các vị thánh nhập đồng thường mặc các lễ phục với màu sắc khác nhau: màu đỏ, màu trắng, màu vàng hay màu xanh. Mỗi màu tượng trưng cho một miền của vũ trụ: Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ); miền đất là màu vàng (Địa phủ); miền sông biển là màu trắng (Thoải phủ); miền rừng núi là màu xanh (Thượng ngàn).
Các vị thánh trong 4 phủ ấy lại chia thành hàng: Cao nhất là Thánh mẫu (Tứ vị Thánh mẫu), sau đó là hàng Quan (Ngũ vị quan lớn), Chầu (Tứ vị Chầu bà), Ồng Hoàng (Ngũ vị ông Hoàng), Cô (thập nhị Vương cô), Cậu (thập vị Vương cậu), tổng cộng có đến 50-60 vị. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị Thánh Tứ phủ đều nhập đồng, mà chỉ có một số, nhiều nhất là 36 vị trong 36 giá đồng. Bình thường chỉ trên dưới 20 vị Thánh nhập trong một nghi lễ lên đồng.
Nghi lễ Lên đồng diễn ra ở các điện, đền, phủ, nơi thờ các vị Thánh của Đạo Mẫu Tứ phủ. Khi lên đồng, với những mức độ khác nhau, các Bà đồng hay Ông đồng đều phải tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất (Estacy), với sự trợ giúp của âm nhạc, lời hát văn rộn ràng, múa nhảy sôi động, màu sắc rực rỡ, rượu, thuốc, hương hoa ngào ngạt... Khi vị Thánh nào nhập thì phải mặc lễ phục của vị Thánh đó. Lễ phục Thánh Quan uy nghi, lễ phục Chầu bà mang đầy màu sắc của dân tộc thiểu số, lễ phục của Ông Hoàng phong nhã, lễ phục của Thánh Cô tha thướt, lễ phục Thánh Cậu mang vẻ nghịch ngợm. Thậm chí màu sắc các lễ vật dâng Thánh trong buổi lễ cũng phải phù hợp với màu biểu trưng của các phủ của vị Thánh đó.
|
Nhộn nhịp nhất trong nghi lễ Lên đồng là khi các vị Thánh phát lộc và phán truyền. Lộc Thánh bằng tiền, đồ vật (hoa quả, bánh trái, vật dụng...) mà theo quan niệm dân gian là thứ thiêng liêng“Một chút lộc Thánh còn hơn gánh lộc trần”. Những lời phán truyền về tiền vận, hậu vận, các nghi lễ giải hạn cũng làm yên lòng các con nhang đệ tử! Kết thúc nghi lễ Lên đồng bao giờ cũng là bữa ăn cộng cảm của các con nhang đệ tử, coi đó như là lộc Thánh ban mà ai cũng hồ hởi muốn tận hưởng.
Lên đồng là một nghi lễ đặc trưng của Đạo Mẫu Tứ phủ của người Việt ở cả miền Bắc và Nam, cả vùng xuôi và miền núi. Gốc của đạo Mẫu và Lên đồng của người Việt là ở miền Bắc, xuất hiện muộn nhất cũng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVI), sau này theo chân của người di dân vào miền Nam và lên Tây Nguyên. Lên đồng ở Bắc Bộ mang tính kinh điển, uy nghi, khuôn phép; ở Nam bộ, nhất là Sài Gòn thì cởi mở, vui nhộn, dân dã hơn. Ở Huế, ngoài kiểu lên đồng nghi lễ, còn có lên đồng tập thể, gọi là Đồng vui, nhất là vào dịp tháng ba giỗ Thánh Mẫu Mẫu Thiên Ya Na, rước Mẫu trên sông Hương về Điện Hòn Chén.
Lên đồng của người Việt tuy mang nhiều nét đặc thù, nhưng xét về kiểu loại thì cũng không phải là đặc hữu. Nếu không kể việc người Việt hiện tại mang nghi lễ Lên đồng ra khắp thế giới thì Lên đồng cũng là một trong các dạng thức của tín ngưỡng Saman, phổ biến khắp các dân tộc trên hành tinh, nảy sinh thời kỳ xã hội bộ lạc.
|
Ngày nay, trong điều kiện xã hội đô thị hoá, hiện đại hoá thì lại có cơ bùng phát trở lại, coi đó như là phương thức giải toả các dồn nén, bức xúc (stress) của con người, nhất là trong môi trường kinh tế thị trường và xã hội đô thị hiện đại. Bởi suy cho cùng, Lên đồng chính là phương cách giúp những người có những lệch chuẩn về tâm sinh lý có cơ tái hoà nhập cộng đồng. Tất nhiên, bên cạnh các giá trị xã hội và văn hoá đó, Lên đồng cũng tích hợp vào nó những “bụi bậm”, mà cái đó phần lớn do người ta lợi dụng nghi lễ này vì lợi ích cá nhân mình.