Đạp xe trên nóc nhà thế giới

24/05/2018

Với những đỉnh núi cao trên 7.000 m tập trung ở phía đông Tajikistan, cao nguyên Pamir được xem là một trong những “nóc nhà của thế giới” và từng có vị trí quan trọng trên con đường tơ lụa xưa kia. Khám phá cao nguyên Pamir theo đường cao tốc M41 chênh vênh trên độ cao hơn 4.000 m - con đường cao thứ hai thế giới - là một thử thách đầy khó khăn, và vì thế, đầy hấp dẫn với dân đạp xe đường trường.

“Vùng đất cấm” đầy mơ ước

Tới Dushanbe - thủ đô của Tajikistan, việc đầu tiên là chúng tôi lao tới OVIR (Văn phòng quản lý VISA) để xin giấy phép. Khá hồi hộp, bởi cách đấy một tuần, chúng tôi được tin cao nguyên Pamir đóng cửa, cấm khách du lịch vì lí do núi lở. Cuối cùng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ khi qua ngày hôm sau, chúng tôi đã có trong tay tấm giấy “màu nhiệm” và có thể lên đường.

Tajikistan thử thách chúng tôi ngay từ những ngày đầu với những con dốc vừa cao, vừa dài

Trong khi đường ở Uzbekistan phần lớn phẳng phiu, dễ đi, Tajikistan thử thách chúng tôi ngay từ những ngày đầu với những con dốc vừa cao, vừa dài. Cũng những ngày này, chúng tôi đã cán mốc 10.000 km, một con số đầy tính biểu tượng, khiến chúng tôi bồi hồi nhớ lại ngày khởi hành từ Paris cách đây 9 tháng. Từ những vòng quay ban đầu đầy bỡ ngỡ, giờ đây chúng tôi đã trở thành những chiến binh dạn dày sương gió!

Khám phá cao nguyên Pamir trên độ cao hơn 4.000 m - con đường cao thứ hai thế giới - là một thử thách đầy khó khăn.

Hàng ngày chúng tôi tỉnh dậy từ tờ mờ sáng, lúc khí trời vẫn còn mát mẻ và xe cộ mới lác đác trên đường. Mọi người đều vẫy tay vui vẻ chào chúng tôi. Một lần, có chiếc xe cọc cạch chở đầy dưa dừng lại, anh lái xe nhảy xuống, tặng chúng tôi một quả to rồi lại hớn hở lên đường.

Những đứa trẻ trong ngôi làng Bulunkul

Những ngày đầu, chúng tôi đạp dọc bờ sông Panj, biên giới tự nhiên với Afganistan. Từ rất lâu, chúng tôi mơ ước được tới thăm vùng đất mà vẻ đẹp và lòng hiếu khách của người dân đã trở thành huyền thoại này. Giờ đây, cách “vùng đất cấm đầy mơ ước” chỉ một con sông, chúng tôi cũng thấy nôn nao khó tả.

Bên kia sông là Afganistan, vùng đất cấm đầy mơ ước

Có hôm, chúng tôi dựng trại ở nơi đẹp như trong một công viên bảo tồn quốc gia. Những ngọn núi sừng sững bao quanh chúng tôi đầy che chở. Trời nóng khiến mặt đất nứt nẻ, khô cong nhưng phía dưới là một con suối reo vui. Hơi vất vả một chút nhưng chúng tôi cũng leo xuống đến nơi, thả mình trong dòng nước mát, gột hết vất vả mệt nhọc của một ngày bụi đường.

Dựng lều cùng dân du mục trong khung cảnh tuyệt đẹp

Có hôm, chúng tôi dựng lều sát bờ sông Panj. Ở bên kia sông, từng nhóm phụ nữ Afghan váy áo xúng xính, cười nói rổn rảng xuống sông giặt quần áo. Đâu đó là những người chăn cừu trên đường lùa thú về, làm bụi bay mù trời. Thỉnh thoảng, một vài chàng trai đầu quấn khăn, áo khoác bay trong gió, phóng như bay trên những chiếc môtô Cross giơ tay vẫy chúng tôi. Cuộc sống ở đây thật thanh bình, chẳng ai có thể ngờ rằng đó lại là một trong những đất nước hiểm nguy nhất thế giới.

Những kẻ lữ hành kỳ dị trên con ngựa sắt

Lúc chúng tôi từ bờ sông chạy qua những ngôi làng nhỏ, những đứa trẻ nhem nhuốc, chân và đầu trần, mặt cháy nắng nhưng đôi mắt cứ tươi rói, luôn hò reo, đứng xếp hàng để vỗ vào tay chúng tôi - những kẻ lữ hành kì dị, luôn mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên những con ngựa sắt chất đầy đồ.

Những đứa trẻ dễ thương ở nơi hẻo lánh

Nụ cười Tajikistan

Có lẽ, đó là một niềm vui lớn trong ngày cho lũ trẻ ở những vùng hẻo lánh ấy. Chúng làm tôi nhớ đến những đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, mong chờ giờ tàu qua mỗi tối mang theo thứ ánh sáng có thể khiến cho cuộc sống đỡ chút buồn tẻ.

Bọn nhóc tụ tập trước cổng trường

Ngày nào, chúng tôi cũng mua từ chúng một hai xô mơ. Những quả mơ vàng ruộm, chín cây ngọt lừ giúp chúng tôi chống lại cái nóng khắc nghiệt và đồ ăn thiếu thốn. Đến giờ, những quả mơ ngọt ngào ấy vẫn khiến chúng tôi nhỏ dãi. Không chỉ có những đứa trẻ, ngày nào chúng tôi cũng có những cuộc gặp gỡ thú vị.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chơi bóng cùng đám thanh niên trong làng

Chỉ cần dừng lại một chút là đám thanh niên đang vây quanh quả bóng trên cánh đồng xanh rì sẽ hồ hởi rủ chúng tôi chơi cùng. Chỉ cần chúng tôi cắm lều ở gần khu dân cư là mọi người sẽ lũ lượt đến thăm, rủ chúng tôi về nhà, tặng đồ ăn. Lòng hiếu khách vô tư của người dân địa phương luôn làm chúng tôi ngạc nhiên và cảm động trên hành trình thiên lý.

Chúng tôi - những kẻ lữ hành kì dị, luôn mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên những con ngựa sắt chất đầy đồ.

Đường cao tốc M41, trục đường mà chúng tôi di chuyển, là một trục giao thương chính ở Trung Á. Điều này khiến chúng tôi có phần e ngại. Nhưng hoá ra, chỉ có cái tên là “cao tốc” thôi, còn thì đường khá hẹp và xấu, ổ gà ổ voi lổn nhổn, giao thông cũng khá thưa thớt, chủ yếu là xe tải chở hàng, đi thành từng đoàn dài.

Từ độ cao 3.000 m, đêm bắt đầu mát rồi lành lạnh, chúng tôi không còn chịu cảnh đất cắm lều nóng như hun, thậm chí cho tới sáng hôm sau nữa. Đường từ đây cũng ngày càng vất vả hơn, nhất là khi chúng tôi lên cao hơn 4.000 m, nơi không khí loãng khiến chúng tôi phải tốn sức gấp đôi gấp ba bình thường.

Bữa tối trên cao nguyên. Thức ăn cũng ngày càng hiếm hoi hơn, hoa quả không còn, cơm cũng nấu mãi không chín.

Trong khi dốc cao thì vẫn cứ cao, đường xấu thì cứ tiếp tục xấu! Đến đây, ngay cả những chiến binh lão luyện cũng chỉ cắm cúi đạp chứ không còn sức chuyện trò, cười đùa nữa. Thức ăn cũng ngày càng hiếm hoi hơn, hoa quả không còn, cơm cũng nấu mãi không chín. Chúng tôi quanh quẩn với bánh mì chấm sữa đặc cho bữa sáng, ngũ cốc và đồ hộp cho bữa trưa và tối.

Để bù lại, chúng tôi đạp xe hàng ngày giữa một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đến nghẹt thở. Mỗi chiều, chúng tôi dừng chân ở một điểm đẹp hơn hôm trước, nào sông xanh hiền hòa, nào núi ngũ sắc với những tạo hình kì thú.

Có những ngày đi mãi, cũng không gặp một ai

Mỗi sáng, chúng tôi thức dậy trong khung cảnh thần tiên, lòng tràn ngập biết ơn cuộc sống. Cảm giác được hoà mình với thiên nhiên, tự do, tự tại viên mãn thật khó tả. Những ngày như thế, chúng tôi không gặp một ai, chỉ thấy vết xe đạp hằn trên cỏ tự lúc nào.

Cắm trại ở ngôi làng trên nóc nhà thế giới

Chúng tôi quyết định đi đường vòng để tới thăm Bulunkul, một ngôi làng hiếm hoi trên cao nguyên Pamir. Trời xanh, núi đỏ, cát vàng, khung cảnh không ngừng khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới thú vị khác. Tuy nhiên, ngôi làng lại là một nỗi thất vọng khi hầu như tất cả những người chúng tôi gặp đều trong tình trạng say xỉn, ngay cả lũ trẻ con trông cũng buồn tẻ.

Bỏ qua lời chèo kéo của bà chủ homestay, chúng tôi quyết định đi tiếp để cắm lều giữa thiên nhiên, ngay cả khi phải đổ thêm vài lít mồ hôi, tiêu thêm vài ngàn calories trước khi tìm được điểm ưng ý, vẫn phù hợp với chúng tôi hơn.

Tới Murgab, mệt rũ rượi nhưng đầy tự hào, chúng tôi gõ cửa Pamir hotel - điểm dừng chân của dân đạp xe, nơi giường êm, đệm ấm, nhà tắm có nước nóng và một nhà bếp thực sự đang chờ chúng tôi. Ở đây, chúng tôi có hai ngày nghỉ ngơi thảnh thơi, buôn chuyện quanh những lon bia mát lạnh, chuẩn bị cho chặng đường cuối cũng không kém phần gian khó: đỉnh đèo Akbaital, cao nhất cao nguyên Pamir với độ cao 4.655 m, vẫn còn cách chúng tôi hơn một ngày đường.

Lên đỉnh xong rồi thì cũng phải xuống, và đường xuống không kém phần khó khăn, thậm chí nguy hiểm hơn vì đường quá xấu, đầy đá dăm, nhiều đoạn lại lượn sóng như mái tôn khiến cả xe, cả người luôn rung bần bật. Đến cuối ngày, chúng tôi đều đi chân hình chữ bát, mình mẩy ê ẩm, đau nhừ nhưng vẫn xót xa cho những con thiết mã của mình hơn.

Đường quá xấu, đầy đá dăm, nhiều đoạn lại lượn sóng như mái tôn khiến cả xe, cả người luôn rung bần bật

Đặt chân đến hồ Karakul nổi tiếng, mở ra trước mắt là bức tranh thiên nhiên với nước xanh ngắt, trời xanh ngắt, phía sau là những ngọn núi phủ tuyết trắng toát, mây trắng bồng bềnh. Chúng tôi ăn trưa tại một ngôi nhà trong làng rồi được mời nghỉ trưa - điều mà dĩ nhiên chúng tôi không từ chối.

Khi người du mục mở lều ra đón chúng tôi

Ngôi nhà đặc trưng của Trung Á luôn có một căn phòng rộng, với đầy thảm đỏ rực rỡ và những gối ngồi xung quanh phòng. Lòng tôi chùng lại khi tìm thấy ở đây những đồ trang trí của Liên Xô cũ, rất thịnh hành ở Việt Nam cách đây hơn 30 năm, khi tôi còn bé tí.

Mỗi sáng chúng tôi thức giấc trong khung cảnh thần tiên, lòng tràn ngập biết ơn cuộc sống

Tajikistan và cao nguyên Pamir, không hổ danh con đường đến “nóc nhà thế giới”, đã thử thách chúng tôi cho tới phút chót. Những km cuối cùng và con dốc cuối cùng trước khi tới biên giới Kyrgyzstan có lẽ là những giờ phút khó khăn nhất, vất vả nhất. Vừa thầm nguyền rủa gió ngược chiều, những con dốc dựng ghập ghềnh, chúng tôi vừa nghiến răng gò lưng, lầm lũi cúi đầu và cắm cúi đạp, thậm chí hì hục đẩy xe, giành giật từng mét đường.

Người dân đi lấy nước

Dân du mục trên thảo nguyên

Nhiều đoạn phong cảnh gợi nhớ Việt Nam

Nhưng có đi rồi sẽ có tới, sau hơn ba tuần rong ruổi, chúng tôi cũng phải chia tay Tajikistan. Trước khi bước sang Kyrgyzstan với những cuộc phiêu lưu mới, chúng tôi cố phóng tầm mắt, thu lại trong tâm trí một lần nữa, những hình ảnh cuối cùng về nơi mà thiên nhiên và con người đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm không thể phai mờ.


THÔNG TIN THÊM

+ Visa

- Tajikistan không yêu cầu du khách mang quốc tịch Việt Nam xin visa trước khi bay. Visa sẽ được cấp tại Sân bay Quốc tế Dushanbe. Du khách có thể xin visa điện tử và được nhập cảnh tất cả các cửa khẩu.

- Thời gian lưu trú: 45 ngày. Hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh vào Tajikistan. Đảm bảo hộ chiếu còn ít nhất 2 trang để trống và chưa đóng dấu thị thực.

- Nếu hành trình của bạn đến Tajikistan phải quá cảnh một quốc gia khác, nên kiểm tra xem có cần xin visa quá cảnh hay không.

+ Hành trình

Để tới Dushanbe từ Việt Nam, bạn có thể lấy chuyến bay của Turkish Airlines, đáp quá cảnh tại Istanbul, đây cũng là dịp hay để khám phá thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.

+ Phương tiện di chuyển

- Nếu không muốn liên hệ một đại lý du lịch địa phương để thu xếp một chuyến đi với xe Jeep, bạn có thể tự đi môtô để khám phá cao nguyên Pamir.

- Nếu bạn là một phượt thủ dạn dày kinh nghiệm, bạn có thể thử sức với xe buýt địa phương hoặc bắt xe dọc đường. Xin nói trước, giao thông ở đây khá thưa thớt, có lẽ bạn sẽ phải chờ lâu trước khi tìm được xe.

- Hỏng phanh, nổ lốp luôn là vấn đề thường gặp. Nếu may mắn gặp ai đó, mọi người sẵn sàng dừng xe lại để giúp đỡ nhau.

+ Lưu trú

Không có khách sạn, nhà nghỉ ở ngoại ô các thị trấn lớn như Murghab và Khorog, lựa chọn cho du khách đi trên tuyến đường Pamir chạy qua Tajikistan là ở lại nhà người dân địa phương theo kiểu homestay, hoặc cắm trại ven đường giống chúng tôi.

+ Ẩm thực

Ẩm thực Trung Á không thật phong phú. Bạn chắc chắn nên thử món Plov - cơm trộn rau củ và thịt cừu, kurutov - bánh mì với hành tây, cà chua và samsa - một loại bánh gối nhân thịt cừu.

+ Tiền tệ

Somoni là đơn vị tiền tệ ở Tajikistan, một somoni có giá trị khoảng 2.600 VNĐ.

+ Những trải nghiệm không thể bỏ qua

- Ở Khorog, bạn có thể tìm xe tới Eschekershim với phiên chợ nổi tiếng mỗi ngày thứ bảy. Đây là nơi duy nhất bạn có thể đặt chân lên đất Afganistan với visa Tajikistan.

- Tại Khorog vào tháng 7 có lễ Bam-i Dunya, một lễ hội về nghệ thuật truyền thống của vùng cao nguyên Pamir.

- Đến mỗi thành phố, hãy bỏ chút thời gian đi thăm chợ, bạn sẽ cảm nhận nhiều hơn “hồn” Tajikistan qua những khu chợ sặc sỡ đầy mầu sắc, mùi vị, âm thanh.

- Hồ Bulunkul và Kara Kul là những nơi có phong cảnh đẹp nhất trên cung đường này.

- Những cửa hàng được mở trên những chiếc xe buýt hỏng ở làng Yamg luôn là điểm dừng chân quen thuộc của du khách.


TÁC GIẢ:

Vợ chồng Bình Nguyên và Rasom Alessio

Binh Nguyen & Alessio

Rời bỏ công việc và cuộc sống ổn định ở Pháp, vợ chồng Bình Nguyên và Rasom Alessio (quốc tịch Ý) thành một cặp đôi cùng nhau thực hiện chuyến hành trình từ Paris về Hà Nội bằng xe đạp. Lấy biệt danh “rollingpotatoes”, Bình Nguyên và Rasom Alessio thực hiện chuyến khám phá dài bắt đầu từ Paris trải qua 18 nước. Hai “củ khoai tây lăn” này xác định cách đi của mình là trải nghiệm những cung đường thử thách chứ không chọn cung đơn giản. Có thể theo dõi những hành trình đã qua của họ trên trang www.rollingpotatoes.com.

Bình Nguyên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES