Daruma - biểu tượng may mắn của người Nhật Bản

06/03/2018

Cuối tuần vừa rồi (ngày 3-4/3), theo thông lệ hàng năm, ngôi chùa yên tĩnh Jandaiji ở Tokyo ngập tràn màu đỏ bởi búp bê Daruma – vật tượng trưng cho khả năng vượt qua thách thức và đạt được mục tiêu. Búp bê Daruma được bày trong nhà, các ngôi đền Phật giáo trên khắp nước Nhật, là vật may mắn được phần đông người dân tin tưởng.

Lễ hội Daruma tại chùa Jindaiji đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân, được đặt theo tên nhà sư và người sáng lập phái Thiền Tông – Bồ Đề Đạt Ma (tiếng Nhật là Daruma). Theo truyền thống, người ta sẽ mua búp bê mỗi đầu năm sau khi đốt cháy con búp bê cũ của năm trước.

 

 

“Búp bê Daruma rất quý giá đối với người Nhật nhưng nó cũng không được xem như một vị thần” – Chihiro Nakata, nghệ nhân Daruma thế hệ thứ năm cho biết. “Thay vào đó, nó là biểu tượng của sự kiên trì và sự khởi đầu mới”.

 

May mắn và trường thọ

 

Nhật Bản có 47 tỉnh, mỗi tỉnh thành lại có phong cách sản xuất búp bê riêng. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, thành phố Takasaki, quận Gunma là nơi sản xuất hơn 80% lượng búp bê của cả nước, khoảng 900.000 con mỗi năm. Một cửa hàng Daruma nổi tiếng tên Daimonya cũng sản xuất hơn 7.000 lá bùa mỗi năm.

 

 

Để tạo ra những con búp bê rỗng, thợ thủ công tại Daimonya nhúng một khuôn kim loại vào giấy bồi dạng lỏng. Các bức tượng nhỏ được để khô trước khi vùi xuống cát và phủ một lớp sơn trắng. Phần đáy được làm nặng bằng đất sét để búp bê có thể đứng được. Cuối cùng, người thợ nhúng búp bê vào sơn đỏ trước khi khuôn mặt chúng được trang trí thêm.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Khuôn mặt thường được trang trí bởi hình ảnh hai con vật gắn liền với sự may mắn và tuổi thọ ở Nhật Bản là con sếu và con rùa. Nét đặc trưng của búp bê Daruma là đôi mắt to tròn quắc lên, nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên định. Đôi mắt của Daruma không có lòng đen, chính là để khi chủ nhân của Daruma có một mục tiêu, anh ta sẽ vẽ thêm lòng đen cho một bên mắt bằng bút lông. Đến cuối năm, nếu mục tiêu đạt được, một bên mắt nữa sẽ được hoàn thành. Búp bê Daruma thường được đặt trên một kamidana – một bàn thờ nhỏ hướng về phía Nam, thường có trong nhiều gia đình người Nhật.

 

 

 “Mắt phải của Daruma phải đối diện với mặt trời mọc” – Nakata giải thích. “Điều đó tượng trưng cho việc vào thời điểm mặt trời lặn, mong ước của bạn sẽ được chấp nhận”.

 

Một truyền thống phát triển

 

Người dân tỉnh Takasaki đã bắt đầu sản xuất và bán những con búp bê khoảng 200 năm trước. Chúng được tin là có thể bảo vệ trẻ em khỏi bệnh đậu mùa cũng như thúc đẩy việc thu hoạch, có được sản lượng tốt.

 

 

Những phiên bản Daruma đầu tiên có hình thức khá giống con người. Búp bê Daruma được tạo hình mô phỏng theo dáng ngồi thiền của Bồ Đề Đạt Ma và chúng đều không có tay chân, dựa theo truyền thuyết cổ về việc tay chân của Bồ Đề Đạt Ma đã bị teo đi sau 9 năm ngồi thiền trong hang đá. Màu đỏ truyền thống được lưu giữ qua nhiều năm hàm ý chống lại đậu mùa và bệnh tật, mặc dù thực tế thì đa số người Nhật hiện đại ngày nay đã quên mất điều này.

 

 

Theo Hirose Seishi, thầy tế lễ tại đền thờ Shorinzan Darumaji ở Takasaki, búp bê Daruma đã mang may mắn cho chủ nhân của chúng phải được đốt cháy ngay sau dịp năm mới.

 

 

 “Khi chúng tôi đốt cháy những con búp bê Daruma, chúng hóa thành tro và quay về với mặt đất nơi chúng bắt đầu”. Seishi trả lời tờ CNN. “Việc thay đổi Daruma mỗi năm liên quan tới những mục tiêu mới trong cuộc đời bạn.”

 

 

Các phiên bản Daruma đang dần thay đổi cùng với thời gian. Bây giờ bạn có thể tìm thấy những thiết kế hiện đại như phong cách thể thao, chấm bi, màu sắc sặc sỡ chứ không chỉ có màu đỏ. Sự may mắn thể hiện trong những sắc thái màu sắc khác nhau như: màu hồng (tượng trưng cho tình yêu), màu xanh lá cây (đại diện cho sức khỏe tốt),…Màu sắc và thiết kế mới đáp ứng với thị hiếu thay đổi của thị trường ngày nay. Nakata cho biết.

 

Ngọc Anh (Theo CNNTravel)

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES