ĐẾN BẢO TÀNG QUỐC GIA U THONG KHẢO CỨU LỊCH SỬ THÁI

10/05/2012

Du lịch Thái Lan sau một cơn lũ lụt lịch sử đã hồi sinh mạnh mẽ. Người Thái đã chuẩn bị cho những bước đi bài bản để giành lại thị phần cho ngành công nghiệp không khói, trong đó, các di sản văn hóa bao giờ cũng được coi trọng hàng đầu. Muốn tìm hiểu ngọn nguồn của đất Thái và người Thái, chúng tôi đã theo chân một đoàn du khách quốc tế về U Thong, nơi có một trong những bảo tàng quan trọng nhất của đất nước.

Tượng rồng ba đầu chào đón du khách tại cửa sân bay Suvarnabhumi

Dù bảo tàng này chỉ nằm trong một tỉnh lẻ trong số 76 tỉnh của Vương Quốc Thái Lan là tỉnh Suphanburi nhưng bảo tàng U Thong đã chất chứa trong nó cả một giai đoạn lịch sử cổ đại của đất nước này một cách cô đọng. Đó cũng là lý do mà bảo tàng được phong cấp là bảo tàng Quốc Gia. Cũng hết sức thuận tiện cho du khách, khi từ thủ đô Bangkok có thể đi ô tô một lèo gần 100 km về hướng tây bắc là đến bảo tàng, tọa lạc ở ngay xa lộ liên tỉnh.

phiến đồng có khắc những chữ viết sớm

Sự hấp dẫn của bảo tàng không chỉ ở sự hiện đại mà là ở các hiện vật quý hiếm, nhiều hiện vật được khai quật ngay trong lòng đất U Thong. Nét nổi bật trong lịch sử của U Thong là một trong những thành phố quan trọng nhất của Vương quốc Dvaravati, Vương quốc của cư dân Môn đầu tiên được thành lập ở Thái Lan, kéo dài từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 13. Vị trí của U Thong ở giữa vùng đồng bằng trung tâm của Thái Lan, nối vùng đông bắc với vùng tây nam. Các nhà khoa học đã tìm được nơi đây một tòa thành đất có hào nước bao quanh với kích thước chiều dài khoảng 1650 m, chiều rộng khoảng 700 m. Có đến 20 di tích Phật giáo cổ đại được phát hiện ở bên trong và bên ngoài thành phố cổ U Thong cũng là những điểm đến dành cho những du khách thích hoài cổ, đến ngắm một chân tháp gạch rêu phong hay bới tìm trong đống gạch đổ nát những hiện vật còn sót lại của một thời xưa cũ.

Hạt chuỗi, hạt cườm trang sức bằng đá quý, mã não, thủy tinh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhiều hiện vật tìm được ở U Thong đã cho thấy nơi đây là một trung tâm truyền bá Phật giáo lớn, cũng như là một cầu nối thương mại đông - tây quan trọng nối giữa vùng vịnh Pecxích (Persian Gulf) ở Trung Đông, châu Âu, Ấn Độ với vùng Đông Nam Á, Trung Quốc. Thư tịch cổ đại của Trung Quốc và Ấn Độ đã nói đến nhiều thuyền buôn cập bến U Thong để buôn bán gia vị, gỗ thơm, đồng đỏ, thiếc…

Trong bảo tàng còn trưng bày nhiều loại tiền kim loại của Roman được sản xuất tại nước Đức xa xôi, tiền Ảrập, tiền đồng thời Đường (Trung Quốc) cũng như tiền địa phương bấy giờ. Đó là những bằng chứng hết sức thuyết phục của sự giao lưu, buôn bán đường dài. Nhiều bức tượng Phật bằng đá, đất nung và vàng, phù điêu, tượng người và động vật bằng gốm được bày tại đây. Mỗi tượng lại đi kèm một sự tích hay một truyền thuyết nhất định. Nhiều tượng khá sinh động, như môtíp tượng người đang dắt khỉ, rất được ưa thích. Có cả những bánh xe Pháp luân của nhà Phật chạm khắc tỷ mỉ được bày cùng với những biểu tượng linga độc đáo, biểu tượng của Ấn Độ giáo. Một số hiện vật còn lưu dấu của kỹ nghệ dát vàng hay khắc những chữ viết cổ đại trên tấm đồng hay trên đồ đất nung.

Hạt chuỗi, hạt cườm trang sức bằng đá quý, mã não, thủy tinh.

Bảo tàng U Thong còn có một thế mạnh khác là lưu giữ gần như đầy đủ các hiện vật của một thời tiền sử và sơ sử, khi con người làm nông nghiệp khai phá mảnh đất phì nhiêu này. Đó là thời kỳ Suvarnabhumi, có niên đại mở đầu vào khoảng 300 năm đến 100 năm trước Công Nguyên, hay còn gọi là thời đại Indo-Roman. Tên Suvarnabhumi có nghĩa là “Đất vàng”. Trong thời này, U Thong đã là trung tâm thương mại quan trọng. Người ta có thể tìm được nhiều hiện vật của Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á tại đây. Đặc biệt, lòng đất U Thong còn lưu giữ hiện vật điển hình của văn hóa Đông Sơn của miền bắc Việt Nam là trống đồng Đông Sơn, cũng như hiện vật độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh, miền trung Việt Nam, là chiếc khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc. Đó hẳn là những “đại sứ” lưu động đầu tiên của sự giao lưu văn hóa của người Việt Nam cổ đại đã đến đất nước Thái Lan từ cách đây khoảng 2000 năm. Bên cạnh đó, một số hiện vật có mặt tại U Thong cũng lại thấy xuất hiện ở làng cổ Lai Nghi, Quảng Nam, thuộc văn hóa Sa Huỳnh như tượng hổ bằng đá quý màu đỏ, chứng tỏ sự giao lưu văn hóa giữa Thái Lan và Việt Nam vào thời đó là hai chiều, có đi có lại.

Một góc không gian trưng bày của bảo tàng thời Lê

Nhiều đồ trang sức bằng đá quý và bán quý như hạt chuỗi, hạt cườm của miền đông Ấn Độ cũng tìm thấy khá nhiều tại đây trong con đường giao lưu vật phẩm với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bảo tàng còn trưng bày các con dấu bằng đá quý và ngà voi. Chính nền văn hóa Suvarnabhumi đã là nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Dvaravati ở ngay chính mảnh đất U Thong này. Vì quý trọng di sản của một thời đại Suvarnabhumi mà người Thái Lan đã đặt tên này cho sân bay quốc tế mới, hiện đại ở gần Bangkok song hành cùng sân bay Don Muong. Cũng còn một chỗ đáng xem nữa trong bảo tàng, đó là một căn nhà sàn với hai đầu hồi trang trí hình đầu trâu, mái lá tọa lạc giữa sân bảo tàng, điển hình cho hàng vạn nóc nhà sàn Thái ở Vương quốc này.

Tượng phật bằng đá

Phù điêu tượng người bằng đất nung

Chỉ cần dạo qua một vòng bảo tàng quốc tế U Thong, du khách đã có thể giải đáp được những câu hỏi cơ bản về lịch sử đất nước nhiều nụ cười này: từ thời  Suvarnabhumi đến thời Dvaravati, Vương quốc Xiêm và Thái Lan hiện nay, có nhiều biến đổi, có nhiều hòa trộn các tộc người đến từ nhiều nơi với người bản địa. Cũng qua nhiều hiện vật trực quan, người xem có thể tìm hiểu được chất “Thái” qua từng giai đoạn lịch sử và từng hiện vật hấp dẫn nơi đây.

PGS.TS Trịnh Sinh

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES