“Di sản thế giới” giữa Sài Gòn

12/12/2012

Ở quận 9 – TP. Hồ Chí Minh có một người đàn ông đã bỏ công sức 5 năm trời để xây dựng mô hình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy như tích hợp cả quần thể cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế - di sản văn hóa thế giới.

Bài và ảnh: Đăng Khoa

NGỰ LÃM VIÊN - VƯỜN CỔ TÍCH

Chẳng mấy khó khăn để tôi tìm đến nơi được nhiều người ví là “di sản Huế giữa Sài Gòn” này. Tới địa chỉ 502 - 504 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, qua cánh cổng cao lớn, tôi đặt chân vào khu vườn có tên chữ là “Ngự Lãm Viên”. Phía trước ngôi nhà là những vườn cây hoa cảnh đẹp mắt. Bước sâu vào bên trong, tôi mới thấy hiện ra cả mô hình kinh thành Huế dày đặc là những ngôi nhà cổ tí hon trông như đồ chơi của trẻ em được sắp đặt trên nền xi măng rộng khoảng 20m2. “Đây là toàn bộ kinh thành Huế. Vòng thành nhỏ hơn là Hoàng Thành có chức năng bảo vệ cung điện. Còn khung thành trong cùng là Tử Cấm Thành - trái tim của cả kinh thành Huế - là nơi sinh sống của gia đình vua…”. Ông Nguyễn Thanh Tùng - chủ mô hình di sản Huế - giới thiệu về mô hình có  tỷ lệ 1/700.

Thông tin thêm:

  • Ngự Lãm Viên tọa lạc ở số 502-504 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, TP. HCM.
  • Du khách vào cổng tham quan miễn phí.

Một mương nước rộng khoảng 40cm, uốn lượn sát bên mô hình là “sông Hương”. Trên bờ con mương dài khoảng 50m chia đôi khu vườn theo chiều dọc, còn có 6 mô hình nhỏ cách nhau một vài mét. Ông Tùng giới thiệu: “Đây là chùa Thiên Mụ. Còn đây là Điện Hòn Chén. Này là lăng vua Tự Đức. Kia là lăng Minh Mạng, lăng Khải Định. Nằm dưới chân giả sơn là lăng Gia Long” – tất cả đều là những công trình tiêu biểu nhất của quần thể di sản Huế.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cách mô hình chừng 10 bước chân là một nhà rường cổ Huế dài 16m, rộng 6m. Trong nhà có những bộ bàn ghế gỗ dày đặc hoa văn. Do học được nghề mộc từ ông ngoại, nên cha và cậu ông đã tự tay làm cái nhà rường và mấy bộ bàn ghế này để khách nghỉ chân.

VĂN HÓA HUẾ TRONG TỪNG VIÊN GẠCH

Cũng theo lời ông Tùng, từ khi toàn bộ công trình được hoàn thành vào năm 2007, đã có hàng chục ngàn người đến tham quan. “Tôi nghĩ rất nhiều người muốn đến Huế, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện. Nên khi hay tin tôi làm mô hình này, nhiều người đã tò mò đến xem”. Ông Tùng nói thêm: “Cũng có nhiều người đến Huế rồi vẫn tìm đến đây vì họ muốn hình dung di sản Huế một cách bao quát hơn”.

Với cách thuyết minh thân thiện như đang trò chuyện và sự am hiểu của một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế thực thụ, ông Tùng khiến nhiều du khách phải say mê khi nói sâu về từng chi tiết nhỏ trong Ngự Lãm Viên, nơi mỗi viên gạch trong khu vườn này đều chứa đựng những hoa văn mang đậm nét văn hóa Huế. Ông kể, có một cô giáo đã từng 16 lần đưa học sinh đi tham quan Huế nhưng vẫn không hình dung hết di sản Huế do có nhiều công trình nằm rải rác trong một vùng rộng lớn. Nhưng khi xem mô hình này, cô mới có cái nhìn đầy đủ nhất về di sản Huế.

Đã có nhiều trường học đưa học sinh đến Ngự Lãm Viên để tìm hiểu lịch sử văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế đến tìm hiểu Ngự Lãm Viên. Trong số đó có người đánh giá: Thành công nhất của Huế thu nhỏ là sự tái hiện các công trình bị chiến tranh tàn phá.

MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT

Khi học năm 3 trường đại học Kinh tế, thấy ba má vốn là người gốc Huế nên thường nhớ quê, ông Tùng bèn nghĩ ra cách làm mô hình di sản Huế để làm vui lòng hai cụ già. Nhưng vì kinh tế gia đình lúc ấy còn khó khăn, không thể thực hiện ý tưởng, ông Tùng vẫn nuôi ước mơ bằng cách đọc rất nhiều tài liệu về lịch sử và văn hóa Huế, đồng thời nhiều lần trở về quê để tham quan, tìm hiểu thực địa kỹ hơn về cung điện và lăng tẩm vua chúa.

Năm 2002, ông Tùng mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Sau hàng chục lần thất bại do chất liệu không phù hợp, cuối cùng ông cũng mãn nguyện với chất liệu đá xanh xay nhuyễn trộn với keo. Ông liền thuê thêm một vài nghệ nhân ở Huế rồi cùng họ mày mò làm ròng rã 5 năm mới hoàn thành.

Không ngờ, một thời gian sau, “món quà” dành riêng cho gia đình lại lan truyền ra bên ngoài. “Bây giờ thì tôi tiếp khách mệt luôn”, ông Tùng nói rồi cười tươi. Khi được hỏi ông làm “món quà” này tốn bao nhiêu tiền, ông đáp lời: “Đối với tôi, nó vô giá. Vì mô hình này đã thắt chặt mối quan hệ trong gia đình, dòng họ tôi và nối kết với nhiều công chúng.”

RELATED ARTICLES