Di sản văn hóa Hồi giáo ở nơi đầu nguồn châu thổ Cửu Long

24/11/2022

Lên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, ngoài những chiếc ghe, xuồng ôm sát mé sông người ta còn thấy bên triền bờ bên kia cả một tập quán của người Chăm. Và chính điều đó đã thu hút sự hiếu kỳ của tôi đến cù lao Châu Giang (An Giang) vào một ngày đầu tháng 9 với mong muốn tìm về những di sản độc đáo của cộng đồng người Chăm Islam tại nơi này.

Tôi đến Châu Giang cũng vừa lúc những tiếng kinh cầu đã bắt đầu vang lên từ phía những ngôi thánh đường bên dòng Hậu giang. Những người đàn ông Chăm trong trang phục sarông kẻ sọc ca rô dài qua mắc cá chân kèm áo chvéa, đầu đội một chiếc nón kapeak bằng vải. Sau khi rửa sạch tay chân, họ đi đến thánh đường để hành lễ. Cùng lúc đó những người phụ nữ mặc bộ đồ vải lụa có hoa văn, màu sắc nhẹ nhàng, quấn những chiếc khăn mat'ra rực rỡ, cùng bắt đầu dọn hàng ra chợ buôn bán.

Đi bộ theo con đường dọc theo làng, tôi nghe được tiếng kinh cầu vang vọng từ thánh đường Hồi giáo tráng lệ mà người dân gọi một cách hết sức bình dị là chùa Chăm. Bên ngoài, làng Chăm vẫn hối hả và bận rộn không khác gì một thị xã thu nhỏ, họ ríu rít nói cười, buông những câu chuyện phím vui tai nhưng không làm mất đi những giới luật truyền thống.

Làng Chăm Islam nhộn nhịp trong một phiên chợ sáng

Làng Chăm Islam nhộn nhịp trong một phiên chợ sáng

Di sản trong tiếng kinh cầu

Người dân làng Chăm ở đây đều theo đạo Hồi, vì thế họ cũng giữ gìn rất nhiều nét văn hóa đặc trưng như không uống rượu và ăn thịt heo, con gái đến tuổi cập kê thường ở nhà theo tục Gasâm, đi đâu thường có người lớn đi theo.

Trong thánh đường không thờ tranh hay tượng nhưng một di sản được tôn thờ nhất là kinh Koran (Qur’an). Trẻ em người Chăm Islam sẽ được giảng dạy tại thánh đường vào buổi tối, sau những giờ học văn hóa bởi các thầy giáo (Tuan). Nhưng nếu hỏi một đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, các em cũng có thể đọc vanh vách những câu kinh đã được cha mẹ dạy từ tấm bé.

Những cô gái đến tuổi cập kê thường ở nhà theo tục Gasâm

Những cô gái đến tuổi cập kê thường ở nhà theo tục Gasâm

Cũng như các tôn giáo khác, người Chăm Islam có những ngày lễ thiêng liêng theo tín ngưỡng của họ nhưng đặc biệt nhất phải kể đến lễ Ramadan (tháng ăn chay hay tháng nhịn ăn) - một trong những thánh lễ quan trọng, thiêng liêng nhất của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo phong tục, những ngày bình thường chỉ đàn ông mới được đến thánh đường hành lễ, còn phụ nữ thực hiện việc hành lễ tại nhà. Đến tháng Ramadan hằng năm, phụ nữ mới được đến thánh đường hành lễ cầu nguyện.

Trong tháng Ramadan, các tín đồ đi đến thánh đường hành lễ 5 lần vào các khung giờ đã được quy định từ 4 giờ 30 sáng cho đến 19 giờ 30 tối. Những người trưởng thành và khỏe mạnh sẽ phải thực hiện sawm: không được ăn uống, không được hút thuốc, không được quan hệ tình dục, không làm chảy máu và hạn chế lao động từ khi mặt trời mọc đến khi hành lễ xong buổi tối.

Những người đàn ông sẽ đến thánh đường để hành lễ 5 lần trong ngày vào tháng lễ Ramadan

Những người đàn ông sẽ đến thánh đường để hành lễ 5 lần trong ngày vào tháng lễ Ramadan

Tháng lễ Ramadan mang ý nghĩa cảm thông và thấu hiểu với những số phận bất hạnh

Tháng lễ Ramadan mang ý nghĩa cảm thông và thấu hiểu với những số phận bất hạnh

Đúng 30 ngày khi thấy phía Tây có trăng non ló rạng, các tín đồ mới bắt đầu trở lại sinh hoạt ăn uống bình thường. Sau buổi cầu kinh hành lễ, họ bắt tay nhau, ôm nhau chúc mừng và xin tha thứ cho nhau những điều lầm lỡ trong thời gian qua.

Sau 8 giờ tối, ngừời dân trong làng Chăm sẽ tổ chức Iftar tâp thể để tất cả mọi người cùng chung vui và ăn uống thỏa thích. Khi hành động sawm mang ý nghĩa thấu hiểu và trải qua nỗi khổ của những số phận bất hạnh thì bữa ăn Iftar tập thể là minh chứng sinh động cho tính nhân văn của dịp lễ Ramadan. Đó là khi người có điều kiện quyên góp tiền để mang những bữa ăn no đủ đến với người nghèo và cùng nhau dùng bữa mà không có một sự phân biệt nào.

Bữa Iftar mang ý nghĩa chia sẻ sự no đủ đến với những người khó khăn

Bữa Iftar mang ý nghĩa chia sẻ sự no đủ đến với những người khó khăn

Hội nhập bằng văn hóa

Sau khi được địa phương hỗ trợ những chương trình kích cầu du lịch, đồng bào người Chăm đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển du lịch bằng văn hóa. Những người phụ nữ Chăm sẵn sàng trở lại bên khung cởi, dệt những sản phẩm thổ cẩm truyền thống để khách du lịch có thể mang về làm quà.

Họ nhiệt tình nói lời chào bất kỳ đoàn khách nào đi qua, thậm chí còn buông lời mời bằng một câu tiếng Việt thật sõi: "Em muốn thử dệt vải không, dễ lắm." - Giọng hào sảng đậm chất miền Tây.

Người Chăm cũng rất tích cực trong giao thương buôn bán

Người Chăm cũng rất tích cực trong giao thương buôn bán

Đời sống cởi mở hơn nhưng họ vẫn giữ cho mình những nét văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng Hồi giáo

Đời sống cởi mở hơn nhưng họ vẫn giữ cho mình những nét văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng Hồi giáo

Dệt vải ươm tơ từ lâu đời đã là nghề truyền thống của người Chăm An Giang

Dệt vải ươm tơ từ lâu đời đã là nghề truyền thống của người Chăm An Giang

Những sản phẩm thủ công có giá rất phải chăm chỉ từ 30.000 cho đến 300.000 vnđ

Những sản phẩm thủ công có giá rất phải chăm chỉ từ 30.000 cho đến 300.000 vnđ

Cuộc sống ở làng Chăm đã sôi nổi và nhộn nhịp hơn nhưng vẫn giữ cho riêng mình chất bình dị và linh thiêng trong sinh hoạt, trong những phong tục tập quán diễn ra hàng ngày. Với tinh thần ấy, có lẽ sẽ rất nhanh thôi, làng Chăm An Giang sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng tôi cũng tin rằng những di sản văn hóa Hồi giáo giao cùng lối sống mộc mạc nơi miền Tây sông nước sẽ luôn được người dân nơi này nuôi dưỡng và bảo vệ.

Yến Nhi
RELATED ARTICLES