Ở miền Tây, đám giỗ không chỉ là dịp tưởng nhớ người đã khuất mà còn là một bức tranh văn hóa sống động, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại qua từng món ăn, từng câu chuyện. Cứ đến ngày này, không khí quê nhà lại rộn ràng, tấp nập, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng sông nước. Đây là dịp mà mỗi gia đình tỏ lòng thành kính với tổ tiên, bên cạnh đó còn giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.
Tất bật chuẩn bị từ cả tháng trước
Đám giỗ miền Tây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình chuẩn bị công phu. Phan Thành Đạt, một người con miền Tây, chia sẻ: "Đám giỗ miền Tây thường được chuẩn bị trước rất lâu, có thể là cả tháng".
Quy trình này bao gồm nhiều khâu, từ việc chăn nuôi gà vịt lấy thịt, mua sắm nguyên liệu dự trữ trong nhà đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Đám giỗ thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên, bà con làng xóm sẽ đến phụ giúp gia chủ chuẩn bị các món ăn và dọn dẹp nhà cửa. Buổi chiều ngày hôm trước, diễn ra nghi thức cúng vái và đãi ăn gọi là "Cúng Tiên Thường". Đến ngày chính thức (Chánh Kỵ), gia chủ sẽ mời nhiều khách hơn và chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để cúng bái và đãi khách.
Ẩm thực đặc trưng trong đám giỗ
Nói đến đám giỗ miền Tây, không thể không nhắc đến những món ăn đặc trưng, đậm chất quê hương. "Những món ăn trong đám giỗ miền Tây thường được thực hiện rất cầu kỳ và nhiều món ăn. Theo truyền thống, tất cả món ăn đều được con cháu trong nhà và bà con làng xóm tự chuẩn bị và nấu nướng, những món ăn tuy gần gũi nhưng được chuẩn bị rất chỉn chu, tỉ mỉ", Thành Đạt chia sẻ.
Những món ăn quen thuộc như thịt kho hột vịt, cà ri gà, chả giò, chả đùm, heo quay bánh hỏi, gỏi tôm thịt... đều mang ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, món xôi vò và cơm rượu luôn có mặt, vừa để đãi khách vừa để làm quà mang về.
Cũng chẳng ai rõ những món ăn này đã trở thành biểu tượng truyền thống trong mỗi đám giỗ của người miền Tây từ bao giờ. Chỉ biết rằng đều từ những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà, qua bàn tay tài hoa của người nấu, chúng trở thành những món ăn ngon, cầu kỳ và trang trọng, thể hiện lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Ngày nay, bên cạnh những món ăn truyền thống, một số gia đình còn bổ sung thêm những món ăn mới để đa dạng hơn trong mâm cúng. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi của văn hóa ẩm thực trong đám giỗ miền Tây vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Sự xuất hiện của những món ăn hiện đại không chỉ giúp đổi mới khẩu vị mà còn giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị, khi mà nhiều gia đình không còn đông con cháu như trước.
Ân tình như con nước lớn
Đám giỗ miền Tây không chỉ là chuyện của một gia đình, mà là của cả xóm. Mỗi năm, khi đến ngày giỗ, khắp các làng quê miền Tây lại rộn ràng hơn bao giờ hết.
"Trước ngày giỗ, bà con làng xóm đến rất đông để phụ dọn, người lớn thì nói chuyện rôm rả, trẻ con thì vui chơi, tất cả tạo nên không khí rất gần gũi và nhộn nhịp như một dịp lễ hội hàng năm ở mỗi gia đình", Thành Đạt kể.
Người dân miền Tây thường quan niệm rằng, sự gắn kết cộng đồng chính là nền tảng của một xã hội bền vững. Mỗi người đều góp một chút công sức, từ việc đi chợ, chăn nuôi gà vịt, đến việc nấu nướng, dọn dẹp. Mâm cơm giỗ không chỉ là để cúng ông bà, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ngồi lại, cùng nhau kể chuyện đời, chuyện làng xóm.
Xuôi theo dòng ký ức, Đạt nói thêm: "Hiện nay, đám giỗ ở gia đình mình tuy đã lược bớt một số công đoạn để đơn giản và phù hợp hơn với đời sống hiện tại, tuy nhiên mình vẫn ấn tượng nhất với những lần đám giỗ ngày xưa, khi mình còn nhỏ, cùng các dì, các bà chuẩn bị cho ngày đám giỗ như dọn dẹp nhà cửa từ nhiều ngày trước, đi chợ, gói bánh tét bánh ít, nấu xôi (ngày nay hoạt động này hầu như được đặt mua chứ ít gia đình nào tự làm nữa)".
Đám giỗ miền Tây, với tất cả sự rộn ràng, nhộn nhịp và cả những bữa cơm đầm ấm, đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, một cách để kết nối cộng đồng, để giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống. Những món ăn đặc trưng của vùng sông nước, những câu chuyện kể lại từ đời này sang đời khác, tất cả đều là những mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc của miền Tây.
Đám giỗ, vì thế, không chỉ là một nghi lễ tôn kính tổ tiên, mà còn là dịp để nhắc nhớ về nguồn cội, để mỗi người dân miền Tây luôn nhớ về quê hương, về những giá trị văn hóa đã nuôi dưỡng họ từ bao đời. Trong dòng chảy hiện đại, đám giỗ miền Tây vẫn giữ được những giá trị ấy, như con nước lớn luôn đầy ắp ân tình, chảy mãi không ngừng.