Ý tưởng bọc vải Khải Hoàn Môn bắt nguồn từ Christo - một nghệ sĩ gốc Bulgaria đã qua đời vào năm ngoái và bà Jeanne-Claude - người vợ quá cố, đồng thời là người cộng tác của ông trong nhiều năm.
Cố nghệ sĩ Christo nổi tiếng với nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ trên khắp thế giới, ông đã mơ ước được phủ tượng đài cao 50 m này, kể từ khi thuê một căn hộ sống gần đó vào những năm 1960. Ông luôn làm việc với vợ của mình, bất kể là khi trùm kín tòa nhà Quốc hội Reichstag ở Berlin (Đức) hay là phủ kín một lớp vải vàng lên cây cầu Pont-Neuf ở Paris (Pháp). Vậy nhưng giấc mơ thực hiện điều tương tự với Khải Hoàn Môn của ông đã không thể trở thành hiện thực.
Mặc dù Christo qua đời khi mục tiêu còn dang dở, nhưng giấc mơ đó cuối cùng đã được cháu trai của mình, Vladimir Javacheff, thực hiện với chi phí khoảng 14 triệu euro (16,54 triệu đô la Mỹ). Vladimir đã hợp tác với Bảo tàng Pompidou và các nhà chức trách Pháp để biến dự án này thành hiện thực.
Vladimir Javacheff nói: “Hôm nay là một trong những khoảnh khắc ngoạn mục nhất kể từ khi dự án được thực hiện. Phủ kín vải lên Khải Hoàn Môn là giấc mơ cả đời của Christo và Jeanne-Claude".
Nhiều người qua lại trên đại lộ Champs-Elysees đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy công nhân đang trải từng cuộn vải trên Khải Hoàn Môn kể từ khi công việc bắt đầu vào ngày 12/9. Công việc dự kiến hoàn thành vào ngày 18/9 và sẽ được trưng bày cho đến ngày 3/10.
Khải Hoàn Môn được xây dựng vào những năm 1800 bởi Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte để tưởng nhớ những người lính vô danh đã hy sinh trong các trận chiến của ông.
Thông tin thêm
Christo Vladimirov Javacheff sinh năm 1935. Ông đã có thời gian ở Áo và Thụy Sĩ trước khi chuyển đến Paris, nơi ông gặp Jeanne-Claude. Bên cạnh việc thực hiện nghệ thuật sắp đặt trên nhiều địa danh với quy mô lớn, hai người còn cùng nhau tạo ra những tác phẩm nghệ thuật về môi trường hoành tráng trước khi bà Jeanne-Claude qua đời vào năm 2009.