Một nghìn năm trở về trước, có một chuỗi hang động được biết đến với cái tên hang đá Mạc Cao, nằm bên rìa hoang mạc Gobi, gần thị trấn Đôn Hoàng, phía tây Trung Quốc. Quần thể này được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất động", với 492 hang động và hơn 2.400 bức tượng Phật, cùng vô vàn bức bích họa, trải dài trên diện tích 45.000 m2.
Trong đó, có một căn phòng cao hơn 150 m, bên trong lưu trữ khối tài liệu khổng lồ lên đến hơn 500 bộ sách và bản thảo, tục gọi "Thư viện Đôn Hoàng". Theo ước tính, Thư viện Đôn Hoàng có khoảng 40.000 văn vật bao gồm văn thư, cuộn giấy, tranh sơn dầu, tranh lụa, và tranh trên giấy.
Nhưng không ai rõ người nào, vì lý do gì, đã bịt kín lối đi vào nơi này, để những báu vật của tri thức và văn hoá đó nằm ẩn mình im lìm trong suốt 900 năm. Khi được phát hiện và khai quật năm 1900, Thư viện Đôn Hoàng được ca ngợi là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20, thậm chí ngang với lăng mộ của Tutankhamun và các cuộn sách Biển Chết.
Một phát hiện tình cờ nhờ… khói thuốc lá
Thời Trung Cổ, thành phố Đôn Hoàng từng là một nơi phồn thịnh. Nơi đây là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo nổi tiếng, rất nhiều người hành hương đã đi đoạn đường xa xôi, đến thăm viếng các điện thờ trong hang động nằm trên những vách đá dựng đứng, ở ngoại ô thành phố. Nhưng sau thời kỳ Minh - Thanh, tức vào đầu thế kỷ 20, khu vực này bị vùi trong sa mạc, chuỗi hang động cũng vì thế mà trở nên hư nát, cô quạnh.
Mãi đến năm 1900, một đạo sĩ tên Vương Viên Lục đứng ra tự nhận làm người gìn giữ khu vực này. Một ngày nọ, trong lúc dọn cát, vị đạo sĩ chú ý thấy khói thuốc lá của mình bay về phía một đền thờ lớn, nằm ở hướng Bắc trong hang động. Ở chỗ đó, ông tìm thấy một vết nứt trên bức tường đằng sau ngôi đền. Tò mò, đạo sĩ Vương thuận tay gõ vào bức tường, phát hiện bên trong vang vọng âm thanh, chứng tỏ mặt sau là một khoảng trống. Sau khi phá tường, ông tìm thấy một gian phòng chứa đầy những bảo vật như kinh sách chép tay, văn thư, tranh lụa, hội họa, pháp khí,… chất lên cao hàng mét.
Mặc dù không đọc được các văn tự cổ, Vương Viên Lục biết mình đã tìm thấy một tàng thư quý giá. Ông lập tức liên lạc với các quan chức địa phương và đề nghị gửi số tài liệu trong căn phòng bí mật này lên thủ đô Bắc Kinh để nghiên cứu. Nhưng lúc này, thành phố vừa thiếu tiền mặt, vừa đang bận rộn với phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, lời đề nghị của ông đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Tuy nhiên, tin tức nhanh chóng lan truyền nhờ các đoàn lữ hành ở Tân Cương. Một trong những người đầu tiên nghe đến phát hiện chấn động này là nhà Ấn Độ học, nhà thám hiểm người Hungary, Aurel Stein - khi đó đang thực hiện cuộc khảo cổ thứ hai của mình ở Trung Á. Stein vội vã đến Đôn Hoàng, và chờ đợi suốt hai tháng để gặp đạo sĩ Vương Viên Lục tại nơi tìm thấy các bảo vật.
Vị đạo sĩ Vương đồng ý gặp Aurel Stein, nhưng ông rất thận trọng, không muốn để bất kỳ bản văn thư nào khuất tầm mắt, và khá khó chịu khi Stein đề cập đến việc mua lại chúng. Stein hứa rằng mình sẽ dùng số tài liệu quý giá này để theo bước Đường Huyền Trang - vị tăng từng thực hiện cuộc hành trình thỉnh kinh đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, nhân vật chính của tác phẩm Tây Du Ký. Cuối cùng, đạo sĩ Vương bị thuyết phục, ông đồng ý bán cho Stein một số văn thư và cuộn tranh cổ với giá 130 bảng Anh.
Tin về Thư viện Đôn Hoàng thổi bùng lên cuộc tranh đua săn tìm báu vật phương Đông giữa các cường quốc châu Âu. Sau Stein là Paul Pelliot, một nhà Hán học người Pháp. Pelliot đã thức trắng đêm đọc kinh thư với tốc độ chóng mặt dưới ánh nến, rồi lấy đi một số vật phẩm có giá trị nhất trong Thư viện. Cứ thế, từng đoàn thám hiểm nước ngoài như Anh, Nga, Hungary, Nhật Bản… kéo đến khu Mạc Cao tìm bảo vật. Đến năm 1910, khi Chính phủ Trung Quốc ra lệnh chuyển hết cổ vật đến Bắc Kinh, tàng thư chỉ còn lại khoảng 1/5 số tài liệu ban đầu.
"Đôn hoàng học" - Từ thư viện bị ẩn giấu trở thành ngành học thuật toàn thế giới
Thư viện Đôn Hoàng có hàng nghìn văn thư được ghi lại bằng ít nhất 17 ngôn ngữ và 24 loại chữ viết - rất nhiều trong số đó tưởng chừng đã vĩnh viễn biến mất từ nhiều thế kỷ, hoặc chỉ được nhắc đến trong một vài ghi chép cổ.
Những tài liệu này lưu giữ nền văn hoá - lịch sử của chính Đôn Hoàng, từ tận những ngày xa xưa khi các Phật tử cùng kề vai sát cánh với người theo Mani giáo, Cơ đốc giáo, Hỏa giáo và đạo Do Thái. Trong đó, còn có nhiều kinh thư được người Trung Quốc sao chép lại từ những lời cầu nguyện dịch từ tiếng Phạn của người Tây Tạng. Chính vì sự đa dạng và rộng lớn này, các học giả thống nhất rằng phương pháp nghiên cứu cũng cần bao quát và đa dạng như thế.
Tuy nhiên, trong suốt vài thập kỷ, việc nghiên cứu và chia sẻ các phát hiện học thuật từ Thư viện Đôn Hoàng vấp phải nhiều khó khăn, vì Stein và những người săn tìm bảo vật thời đó đã phân tán tài sản của Thư viện đi khắp nơi, chúng có mặt ở hàng chục thư viện và bảo tàng trên khắp thế giới.
Kể từ năm 1994, một chương trình số hoá toàn cầu đã được thành lập, cho phép các học giả và nhà nghiên cứu tự xây dựng lại những tài liệu riêng lẻ mà họ có trong tay, sau đó đăng tải lên chương trình này. Ở đó, nội dung của nhiều dự án Đôn Hoàng được cất giữ và bàn luận, đồng thời bảo tồn cho thế hệ sau.
Nhờ công cụ kỹ thuật số và công nghệ hiện đại, rất nhiều văn thư đã được khôi phục, bảo vệ khỏi sự ăn mòn và chụp ảnh lưu trữ. Từ đó, các nghà nghiên cứu đọc được nhiều ghi chép quý giá (đồng thời rất thú vị) từ nghìn năm trước: Kinh Kim Cương - một trong những bài giảng sớm nhất của Đức Phật, lời cầu nguyện viết bằng tiếng Do Thái của một thương gia trên đường từ Babylon đến Trung Quốc, hợp đồng mua bán một cô gái làm nô lệ để trang trải khoản nợ của một thương nhân tơ lụa, một trang sách về bói toán được viết bằng chữ Rune của người Thổ Nhĩ Kỳ, hay bản đồ sao hoàn chỉnh sớm nhất trên thế giới...
Các tài liệu và kinh thư được tìm thấy ở Thư viện Đôn Hoàng cũng được ứng dụng vào nghiên cứu văn hoá - lịch sử - tôn giáo và sự hình thành, pha trộn của chúng ở châu Á thông qua con đường tơ lụa. Đồng thời, nhờ đó, người ta phát hiện ra sự phát triển của giấy và hoạt động in ở Trung Quốc. Hoá ra, việc in ấn bắt đầu như một hình thức sao chép để cầu nguyện, vì Đức Phật dạy rằng, công đức tích lũy được từ việc đọc và tụng kinh còn đáng giá hơn vàng bạc châu báu.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho bí ẩn lớn nhất của Thư viện Đôn Hoàng: ban đầu nó được dùng để làm gì, và tại sao lại bị phong lấp? Dựa vào nét chữ khắc trong các văn thư còn sót lại, người ta có thể đoán được người trông coi thư viện này trước đây là nhà sư Hongbian, người từng dẫn dắt cộng đồng theo Phật giáo ở Đôn Hoàng. Vào năm 862, sau khi ông viên tịch, bức tượng của ông được xây dựng bên trong một ngôi đền thuộc quần thể hang đá Mạc Cao. Thời kỳ Tây Hạ thống trị Đôn Hoàng (sau năm 1049), các hòa thượng ở khu Mạc Cao vì lánh nạn, nên đem lịch sử bảo tạng đặt trong gian phòng này, bên ngoài kiến lập một bức tường phong lấp. Sau khi chiến loạn kết thúc, các vị hòa thượng không ai trở lại, gian phòng trở nên bí mật không người biết đến. Theo các nhà nghiên cứu, đây là giả thuyết hợp lý nhất giải thích lý do vì sao Thư viện Đôn Hoàng bị bịt kín suốt gần 1.000 năm.
Ngày nay, cả một ngành học thuật đã hình thành xung quanh những tài liệu mà nó cất giữ, gọi là Đôn Hoàng học. Các học giả thế giới tiến hành nghiên cứu rộng rãi về nó, và nhiều lần tổ chức hội thảo Đôn Hoàng học có quy mô thế giới. Mặc dù vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra sự thật đáng báo động về vấn đề môi trường xung quanh Thư viện nói riêng và quần thể hang đá Mạc Cao nói chung, vì cát sa mạc vẫn luôn bị thổi đến, đe doạ sự tồn tại của khu vực này.