Sống trong nhà tranh vách đất nơi làng chài cổ của người Chăm Pa

17/07/2025

Trong một căn nhà tranh vách đất, không điều hòa, không tivi, Nguyễn Hồng Nhật đã dành ba ngày sống cùng một gia đình chài lưới ở làng Gò Cỏ, tỉnh Quảng Ngãi. Đó không hẳn là một chuyến du lịch mà giống một hành trình trở về, như thể anh đang sống lại tuổi thơ của mình tại một ngôi làng cổ giữa đồi đá và biển mặn.

Về một ngôi làng của đá và biển

Làng Gò Cỏ nằm gọn trong thung lũng ven biển Sa Huỳnh, một cửa biển ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi đầm Nước Mặn thông ra Biển Đông. Đây là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh, từng là nơi cư trú của người Chăm Pa từ thế kỷ VII đến XV và nay là điểm sáng trên bản đồ du lịch cộng đồng Việt Nam. Đường vào làng chỉ có một lối mòn băng qua đồi đá, cuối đường là bãi biển, kế sinh nhai của cả làng.

Gò Cỏ chỉ có 83 hộ dân sống giữa đồi đá ven biển rộng 105 ha với ruộng bậc thang nhìn ra bãi cát vàng, giếng đá cổ, đường làng lát đá biến chất có niên đại hàng trăm triệu năm. Những di tích này không nằm trong bảo tàng mà nằm ngay giữa đời sống thường ngày, nơi người dân vẫn gánh nước, gỡ lưới, đi chợ mỗi sáng.

Con đường dẫn ra bãi biển ở cuối làng

Con đường dẫn ra bãi biển ở cuối làng

Những con đường lát đá có niên đại hàng triệu năm

Những con đường lát đá có niên đại hàng triệu năm

Khung cảnh giản dị cổ xưa ở làng Gò Cỏ

Khung cảnh giản dị cổ xưa ở làng Gò Cỏ

Bài liên quan

Trong ba ngày (14 - 16/6) ở homestay Dứa Rừng của cô Đi, chú Binh, Nhật được sống như một người dân làng. Anh ở trong một căn nhà tranh vách đất đúng nghĩa, không điều hoà, không ti vi, ngủ giường trúc, chiếu cói. Sáng dậy từ tinh mơ, đi tắm biển, hóng gió, chiều ra đón chú Binh ngoài biển. Có hôm, chú đi biển từ 6h tối đến 10h đêm, chưa đủ cá lại ra tiếp lúc 3h sáng. Mọi nhịp sống trong nhà đều xoay quanh con nước.

“Nhà tranh vách đất nhưng mát và thoáng hơn mình tưởng”, anh kể, “Buổi trưa ngủ quên trên chiếc võng trước sân, gió biển thổi vào mát lộng mà không cần quạt”. Trong nhà không có thiết bị giải trí, gia đình anh dành thời gian ra ngoài trò chuyện với người dân, đi dạo, ngắm nghía từng chi tiết nhỏ của ngôi làng cổ in dấu thời gian.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Căn phòng lưu trú theo kiểu nhà tranh vách đất anh Nhật ở tại homestay Dứa Rừng

Căn phòng lưu trú theo kiểu nhà tranh vách đất anh Nhật ở tại homestay Dứa Rừng

Lưu trú tại đây, anh Nhật thường ra ngoài đi dạo để quan sát ngôi làng cũng như cuộc sống người dân

Lưu trú tại đây, anh Nhật thường ra ngoài đi dạo để quan sát ngôi làng cũng như cuộc sống người dân

Chuyện làng, chuyện người

Cô Đi và chú Binh, chủ homestay Dứa Rừng, không chỉ cung cấp chỗ ở mà còn cho Nhật một lát cắt ký ức sống động về ngôi làng này. Những ngày ở đây, anh thường được nghe cô chú kể chuyện: “Chuyện ngày xưa thiếu thốn thế nào, giờ làm du lịch khá hơn ra sao. Chuyện tôm cá, chuyện làng, chuyện tám người con đi làm xa…, nghe cả ngày không chán”.

Ba ngày ở Gò Cỏ như giúp anh sống lại những mùa hè ở quê với ông bà. Bữa cơm có củ, có cá, ngủ trưa trong căn nhà tranh, thức dậy bằng tiếng gió biển. Gia đình anh đi dạo qua những con đường đất quanh co trong làng, theo chân ngư dân ra biển đánh bắt, lặn ngụp dưới làn nước trong vắt, ngồi gỡ lưới cá trong đêm cùng cô chú. Những bữa cơm được nấu từ cá vừa kéo lưới về, rau hái trong vườn, nhum biển trộn trứng kiểu dân dã. “Người làng ở đây bám biển, sống bình dị, nhưng có sự kiên cường lạ lắm”, anh nói.

Empty
Empty
Cùng ngư dân lên thuyền đi đánh bắt

Cùng ngư dân lên thuyền đi đánh bắt

Tắm biển, lặn ngụp dưới làn nước xanh trong vắt

Tắm biển, lặn ngụp dưới làn nước xanh trong vắt

Cũng chính nhờ sự mộc mạc đó mà gia đình anh được gần gũi hơn với người dân địa phương. Anh phụ cô Đi phủi bụi, quét nhà, chạm vào lớp tường đất mát lạnh của mái nhà tranh, xách giùm cô chiếc giỏ nhựa ra biển lấy cá chú Đinh đánh bắt được mang ra chợ bán, ngủ trưa trên võng mắc trong chiếc lán tre đón gió biển mát rượi. Nhịp sống thường nhật của dân làng nhưng đối với anh Nhật, đây lại là một cách sống chậm lại để lắng nghe thiên nhiên, con người và cảm nhận rõ hơn giá trị của từng khoảnh khắc.

Tận hưởng những làn gió từ biển trên chiếc võng trong lán tre

Tận hưởng những làn gió từ biển trên chiếc võng trong lán tre

Anh Nhật gỡ lưới đánh cá vào sáng sớm cùng cô chú chủ homestay

Anh Nhật gỡ lưới đánh cá vào sáng sớm cùng cô chú chủ homestay

Thu hoạch mẻ cá mới đánh bắt trong ngày cùng ngư dân

Thu hoạch mẻ cá mới đánh bắt trong ngày cùng ngư dân

Di sản được dân làng đánh thức và gìn giữ

Lý do Gò Cỏ có thể gìn giữ được không gian nguyên sơ không chỉ nằm ở địa thế biệt lập mà ở chính tinh thần cộng đồng của người làng. Sa Huỳnh là dải cát vàng trải dài từ xã Phổ Khánh đến xã Phổ Thạch. Đây là nơi đầu tiên tìm thấy các di chỉ khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh. Không chỉ có niên đại sớm nhất trong số các di tích cùng loại, Sa Huỳnh còn giữ được không gian sống nguyên sơ của người cổ. Môi trường sinh thái đa dạng, địa chất nhân văn, địa mạo đặc trưng khiến nơi đây là mảnh đất lý tưởng cho việc định cư và hình thành văn hóa lâu đời.

Với mật độ dày đặc các di tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, các cấu trúc đá cổ và sinh hoạt truyền thống vẫn còn nguyên vẹn, người Gò Cỏ từng bước học cách tận dụng lịch sử để làm du lịch cộng đồng từ năm 2018. Đến năm 2020, làng được công nhận là làng du lịch 3 sao theo chuẩn OCOP. Họ chia nhóm làm dịch vụ, cùng nhau gìn giữ cảnh quan, bảo vệ bãi biển, hướng dẫn du khách sống như một người địa phương. Giờ đây, ngôi làng thường được gọi với cái tên “Công viên di sản làng”.

Empty
Người dân Gò Cỏ làm du lịch theo cách mộc mạc, chân chất, giúp du khách cảm nhận được hồn quê

Người dân Gò Cỏ làm du lịch theo cách mộc mạc, chân chất, giúp du khách cảm nhận được hồn quê

Trong bối cảnh hiện đại hóa lan đến từng làng quê, Gò Cỏ vẫn kiên cường giữ lấy mình, không để hiện đại hóa cuốn trôi mọi thứ. Những “hóa thạch” văn hóa Sa Huỳnh và Chăm Pa còn sống trong từng viên đá, thửa ruộng, giếng nước. Người dân Gò Cỏ không làm du lịch để thay đổi làng mà để khiến người khác hiểu làng hơn. Mỗi căn nhà tranh là một lát cắt ký ức, mỗi giếng đá là một minh chứng cho đời sống Chăm Pa, và mỗi câu chuyện kể của cô chú là một chất liệu sống.

Gia đình anh Nhật chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Đi, chú Binh - chủ homestay

Gia đình anh Nhật chụp ảnh kỷ niệm cùng cô Đi, chú Binh - chủ homestay

“Ở đây, kiểu du lịch càng mộc, càng thật lại càng được tìm kiếm”, Nhật nói. Khi rời Gò Cỏ, anh ngoái lại nhìn ngọn đồi đá in bóng nắng sớm. Con đường mòn dẫn ra biển vẫn còn đó. Làng nhỏ nằm giữa núi và biển ấy không rực rỡ, không tiện nghi nhưng trong lòng anh, nó là một vùng ký ức đã thức giấc.

Bài: Quỳnh Mai - Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
RELATED ARTICLES