Facebook có vấn đề hay chính chúng ta có vấn đề?

21/10/2021

11 năm trước, tờ tạp chí Time danh tiếng đã tôn vinh Mark Zuckerberg - cha đẻ mạng xã hội Facebook, là "Nhân vật của năm". Tháng 10/2021, tờ tạp chí này một lần nữa trịnh trọng xướng tên vị CEO, nhưng cùng với lời gợi ý: "Xóa Facebook, đồng ý hay không?".

Ác mộng đến

Nửa đầu tháng 10 có lẽ là những ngày ác mộng đối với Facebook. Ngày 4/10, Facebook và các ứng dụng trong hệ thống gồm Instagram, WhatsApp gặp trục trặc hơn 6 tiếng vì sự cố kỹ thuật, khiến hơn 3 tỉ người dùng không thể truy cập. Ngày 8/10, sự cố tái diễn trong thời gian ngắn hơn, khoảng 2 giờ.

Dù Facebook có thể khắc phục hai sự cố kỹ thuật trên trong vòng 24 giờ nhưng họ đã không thể giải quyết nhanh gọn một sự vụ khác: phiên điều trần của một cựu nhân viên Facebook, bà Frances Haugen, trước Thượng viện Mỹ vào hôm 5/10. Haugen nói rằng trước khi thôi việc, bà đã bí mật sao chép 10.000 tài liệu nội bộ của Facebook, gửi đến các nhà làm luật Mỹ, cáo buộc Facebook che giấu việc họ đã biết về những tác động tiêu cực do nền tảng của mình gây ra.

Trong phiên điều trần, bà Haugen đã dẫn các tài liệu nội bộ tố cáo mạng xã hội Facebook "luôn ưu tiên lợi nhuận lên trên lợi ích của người dùng", gây hại đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên và dùng các thuật toán để gây bất ổn nền dân chủ thông qua các nội dung không chính xác và gây chia rẽ. Ngoài ra, Facebook còn có một cơ chế riêng cho các tài khoản VIP, để các khách VIP mặc sức "tung hoành" trên không gian mạng. Theo bà Haugen, Facebook hiểu rõ hậu quả của những việc đó, nhưng cũng thừa hiểu nếu điều chỉnh thuật toán để nền tảng của họ an toàn hơn với người dùng thì sẽ khiến người dùng ít "mặn mà" với Facebook hơn, ít click chuột hơn, và tất yếu công ty sẽ ít doanh thu hơn. Sự việc càng thêm căng thẳng khi ngày 18/10, tại Mỹ, một nhóm khoảng 20 người đã đến trước dinh thự của Mark Zuckerberg để biểu tình và yêu cầu sa thải vị Giám đốc Điều hành này.

Trên nền tảng Facebook Việt Nam, rất dễ gặp

Trên nền tảng Facebook Việt Nam, rất dễ gặp "cảnh" mọi người cùng hô hào, lên án hay thậm chí tẩy chay một nhân vật nổi tiếng nào đó.

“Xóa Facebook luôn đi cho rồi!”

Như một hiệu ứng tức thì, trên khắp thế giới, hàng ngàn ý kiến phàn nàn về việc mạng xã hội này can thiệp quá sâu vào vấn đề thu thập thông tin cá nhân của người dùng, tình trạng tin giả, lừa đảo tràn lan..., đến mức nhiều người đã tuyên bố thẳng tay xóa ứng dụng và tẩy chay mạng xã hội này.

Evan Greer, Giám đốc Fight For The Future (một tổ chức về các quyền kỹ thuật số), nêu quan điểm trên Twitter: "Hãy xóa sổ Facebook (#DeleteFacebook). Nhưng thực chất là chúng ta cần xóa sổ chủ nghĩa tư bản giám sát. Chúng ta cần làm điều này bằng cách yêu cầu các nhà lập pháp ở Washington DC thông qua dự luật dữ liệu riêng tư, xóa sạch mô hình kinh doanh của Facebook dựa trên việc khai thác dữ liệu của từng cá nhân, và sử dụng chúng để tạo ra những thuật toán thao túng người dùng".

Bà Maria Ressa, nhà báo người Philippines vừa nhận giải Nobel Hòa bình 2021, cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt mạng xã hội Facebook. Theo bà, Facebook đã không thể ngăn chặn tin giả cũng như các luồng thông tin thù hận trên nền tảng này. Bà cho rằng các thuật toán của Facebook "ưu tiên việc lan truyền những thông tin dối trá, chứa đầy phẫn nộ và thù hận hơn là những chứng cứ xác thực".

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cùng với những kiện cáo và phản ánh về mức độ rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng Facebook, tình trạng tin giả, tin độc, content nhảm và sự tấn công mạng cũng đang ngày càng gia tăng trên mạng xã hội này. Chẳng ngay đâu xa, tại nền tảng Facebook Việt Nam, ngày ngày dân mạng được chiêu đãi thỏa thê bởi những drama, “bóc phốt”, “cà khịa” ai đó. Ví như vụ việc dùng ngôn ngữ nửa Anh, nửa Việt của Chipu mới đây bị dân mạng chế nhạo rầm rộ suốt một thời gian (và vẫn chưa dừng lại); hay những kịch bản livestream cố tình gây sốc, chửi tục để thu hút người xem ngày càng nhiều và đầy phiền nhiễu... Liệu Facebook có còn là một mạng xã hội lành mạnh, hay đã đến lúc để chúng ta “xóa Facebook luôn đi cho rồi”?

Khi một câu nói của Chipu trở thành

Khi một câu nói của Chipu trở thành "niềm vui" và "nguồn cảm hứng" kéo dài hàng tuần của các Facebooker.

Facebook Trang Trần, Nguyễn Phương Hằng,... và những lần livestream với nội dung

Facebook Trang Trần, Nguyễn Phương Hằng,... và những lần livestream với nội dung "bóc mẽ", "vạch trần" chuyện showbiz, luôn luôn thu hút hàng nghìn người theo dõi và bình luận.

Đừng đổ tội cho Facebook

"Nhờ Facebook mà quen được rất nhiều bạn tốt, những người có trí tuệ, thành công và đầy năng lượng tích cực. Nhờ Facebook mà chia sẻ được rất nhiều kinh nghiệm của mình tới những người yêu ẩm thực. Nhờ Facebook mà tìm được những người thân, người bạn thất lạc từ rất lâu [...]" - trích chia sẻ từ Facebook Nguyễn Mạnh Hùng, một đầu bếp sở hữu hơn 16 nghìn người theo dõi trên tài khoản cá nhân.

Đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng không phải người duy nhất đứng về "phe" bênh vực lợi ích của Facebook. Và cho đến khi các tòa án tại Mỹ phân xử đúng-sai trong loạt bê bối gần đây của Facebook, chúng ta - những người truy cập ứng dụng chữ F màu xanh này đều đặn mỗi ngày, vẫn có thể tự đưa ra câu trả lời cho chính mình.

Có phải chúng ta luôn tò mò với những tin gây sốc, giật gân? Có phải chúng ta thấy háo hức mỗi khi có một "vụ" mới "nổ" ra trên mạng? Có phải chúng ta "ấm lòng" hơn khi được "chia sẻ" (share) nỗi buồn, sự thương xót của mình đối với một bi kịch xa lạ nào đó trên mạng? Và có phải chúng ta vẫn còn đang theo dõi các trang hóng hớt bí mật showbiz, đấu tố, sao kê, NEU Confessions,...?

Đến đây, có thể bạn đã nhận ra, Facebook chẳng hề làm gì ngoài việc bày biện ra những món ăn mà tâm hồn chúng ta vốn ham thích - những món ăn toxic.

Câu chuyện bịa đặt về một vị bác sĩ hy sinh mạng sống của bố mẹ mình để cứu mạng người khác, lấy đi nước mắt và  nút

Câu chuyện bịa đặt về một vị bác sĩ hy sinh mạng sống của bố mẹ mình để cứu mạng người khác, lấy đi nước mắt và nút "chia sẻ" của cộng đồng mạng - trong đó có rất nhiều tài khoản Facebook của người nổi tiếng.

Hãy thay đổi "khẩu vị" bản thân

Có cách nào để giữ cho Facebook của bạn lành mạnh và đem đến những năng lượng tích cực?

Trước hết, hãy ngừng đổ lỗi cho Facebook. Thay đổi sở thích và những mối bận tâm "không lành mạnh" của bản thân, Facebook sẽ lập tức thay đổi thuật toán với bạn.

Tiếp theo, bạn cũng không nhất thiết phải xóa Facebook (và chuyển sang một mạng xã hội mới). Thay vào đó, hãy thay đổi từ chính bản thân mình qua việc điều chỉnh cách nhìn nhận, tiếp cận và sử dụng các thông tin. Suy nghĩ về những thứ khiến bạn không thoải mái khi ở trên Facebook và loại bỏ chúng. Chỉ chọn tiếp thu những thông tin từ các trang chính thống, chỉ theo dõi những nội dung mang lại thông điệp tích cực. Đặc biệt, loại bỏ tuyệt đối những tài khoản đem đến nội dung vô bổ, không có giá trị với cuộc sống của mình.

Sau cùng, hãy hiểu rằng Facebook là một không gian ảo, nhưng cách bạn sử dụng nó lại là thật. Từ việc bạn dành bao nhiêu thời gian một ngày ở trên không gian ấy, bạn bấm like trước những hình ảnh gì, để lại những bình luận - tương tác ra sao, cho đến những cảm xúc bạn hấp thụ lại vào chính mình sau khi sử dụng, tất cả, đều nói lên được về con người thật của bạn.

Empty

Facebook xuất phát chỉ là một công cụ, giống như một tấm gương, để phản chiếu đời sống tinh thần một con người. Nếu hình ảnh bạn thấy khi soi gương chưa đẹp, việc cần làm là thay đổi bản thân sao cho tốt đẹp hơn, chứ không phải là đập vỡ cái gương ấy.

Và, nếu bạn cần thêm một bộ "cẩm nang hướng dẫn" cụ thể về cách sử dụng Facebook hiệu quả và thông thái, hãy khám phá tiếp tại bài viết này của Travellive.

Huyền Châu - Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES