Nghiên cứu mới: Liên lạc qua mạng khiến con người cảm thấy tệ hơn?

06/08/2021

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng giữa đại dịch, việc liên lạc online khiến những người trên 60 tuổi cảm thấy cô đơn và chán nản hơn cả khi không liên lạc. Bên cạnh đó, cũng có không ít người trẻ tăng các vấn đề tâm lý trong mùa dịch, lý do cũng bởi tương tác (quá) nhiều trên thế giới ảo.

Người già cô đơn hơn khi liên lạc qua mạng

Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người cao tuổi, đặc biệt là trong thời buổi đại dịch, hạn chế các tương tác trực tiếp. Rất nhiều người già dùng điện thoại, facetime, nhắn tin qua các app trò chuyện online... để giữ liên lạc với gia đình, bạn bè trong thời gian giãn cách. Các cuộc gọi qua Zoom, các câu lạc bộ sách trực tuyến hay những câu chuyện trước khi đi ngủ mà ông/bà kể cho cháu nghe qua điện thoại đã giúp nhiều người thoát khỏi sự cô lập.

Tuy nhiên, theo The Guardian, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng giữa đại dịch, liên lạc online khiến những người trên 60 tuổi cảm thấy cô đơn và chán nản hơn cả việc không liên lạc. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi kết quả cho thấy một người già khi dùng smartphone để liên lạc trong mùa dịch lại lâm vào tình trạng cô đơn và có những cảm xúc tiêu cực, hơn là những người không có một chút liên lạc online nào với người khác” - Yang Hu, đồng tác giả trong nghiên cứu cho biết.

Người già có thể trải qua cảm giác cô đơn trong suốt thời gian dài, lý do từ sự chuyển đổi sang xã hội hóa trực tuyến

Người già có thể trải qua cảm giác cô đơn trong suốt thời gian dài, lý do từ sự chuyển đổi sang xã hội hóa trực tuyến

Yang Hu chia sẻ nhóm nghiên cứu đã kỳ vọng rằng liên hệ qua mạng sẽ tốt hơn là cô lập hoàn toàn nhưng điều đó dường như không đúng trong trường hợp của những người lớn tuổi: “Họ phải trải qua cảm giác cô đơn có tần suất tăng dần và rối loạn sức khỏe tinh thần trong suốt thời gian dài, lý do là từ sự chuyển đổi sang xã hội hóa trực tuyến”.

Yang Hu cho biết, vấn đề nằm ở chỗ người già không biết nhiều về công nghệ sẽ cảm thấy khó khăn và mệt mỏi khi học cách sử dụng chúng. Nhưng kể cả đối với những người đã quen với thiết bị điện tử cũng thấy việc sử dụng quá nhiều gây căng thẳng đến mức nguy hại cho sức khỏe tinh thần của họ, chứ không chỉ đơn giản là công cụ để đối phó với sự buồn chán và cảm giác “một mình”. “Việc tiếp xúc các thiết bị điện tử quá nhiều có thể khiến con người kiệt sức” - Yang Hu bổ sung.

áp lực vì những thông tin tiêu cực trên không gian ảo

Không ít bạn trẻ tăng các vấn đề tâm lý trong mùa dịch Covid-19, nguyên nhân chính là những khó khăn do dịch bệnh, xung đột trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thông tin tiêu cực về các sự kiện xã hội.

Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, trong những đợt giãn cách vừa qua, chị thường xuyên nhận được lời "cầu cứu" từ người trẻ đang trầm cảm vì Covid-19 tác động. Họ thường hỏi về những lo lắng, căng thẳng khi đối mặt với khó khăn do dịch, chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái khi ở nhà... "Một bạn nam gần 30 tuổi gọi tôi với sự cô đơn, tuyệt vọng. Anh chưa có gia đình, tinh thần luôn chông chênh, cô độc. Công việc trong mùa dịch bất ổn, kèm theo sự tiêu cực trong những mối quan hệ trước đó khiến anh than phiền", chị Thúy cho biết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Các kết nối online có khuynh hướng khuếch đại sự cô đơn

Các kết nối online có khuynh hướng khuếch đại sự cô đơn

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giới trẻ còn "cô đơn" hơn vì phần lớn thời gian họ dành cho các mối liên hệ ảo. Khả năng vô tận của các tương tác trên Internet cũng làm giảm sức chịu đựng sự đơn độc, làm tăng kỳ vọng về số lượng, tốc độ và tần suất kết nối của người dùng mạng xã hội. Bên cạnh đó, giữa thế giới thật và ảo, sự chế giễu, gièm pha sẽ khiến họ dễ tổn thương sâu sắc. Khoảng cách trong mùa dịch khiến nhiều bạn dễ hiểu nhầm, gây tổn thương cho nhau.

Bởi vậy, mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng các kết nối online lại có khuynh hướng khuếch đại sự cô đơn. "Công nghệ và Internet mang đến cho con người kiến thức và liên kết tốt hơn, nhưng việc dành nhiều thời gian, năng lượng cho vô số 'kết nối ảo' có thể khiến các mối quan hệ ngoài đời thực ít được quan tâm" - Tiến sĩ Tâm lý học Elias Aboujaoude thuộc Đại học Stanford, nhận xét về sự giao thoa giữa tâm lý và công nghệ.

giải pháp nào cho chúng ta?

Công nghệ lúc này như liều thuốc tinh thần của con người. Qua Facebook, Zalo, Skype..., ta vẫn có thể liên lạc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng có hiện đại đến mấy, công nghệ cũng không thể thay thế tương tác trực tiếp. Những tiếp xúc trực tiếp giúp cơ thể tiết ra hormone oxytocin giúp giảm stress, cải thiện trí nhớ và kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, giao tiếp ảo khiến cho não phải xử lí nhiều thông tin, lâu dài khiến cho ta bị căng thẳng.

Facebook, Zalo, Skype... chẳng thể thay thế

Facebook, Zalo, Skype... chẳng thể thay thế "công dụng" của một cái nắm tay

Đối với những người lớn tuổi, sự phát triển của cách mạng công nghệ khiến việc kết nối với xã hội trở nên đơn giản và gần gũi, thế giới ảo hẳn cũng rất vui, nhưng việc sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người già như giảm thị giác, chóng mặt, mệt mỏi, lười vận động…

Trấn an tinh thần cho những người lớn tuổi trong mùa dịch là một việc rất quan trọng, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Đã có những nghiên cứu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và hệ miễn dịch. Khi chúng ta lo âu, buồn chán hay trầm cảm thì hệ miễn dịch cũng yếu đi. Vì vậy, hãy giúp họ giữ tinh thần lạc quan, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục để nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng.

Và lời khuyên được đưa ra ở đây, dành cho những người trẻ, hãy quan tâm chăm sóc và trò chuyện với ông bà, bố mẹ của bạn nhiều hơn. Hãy hỏi han đến cảm xúc của những người lớn tuổi để biết rằng việc kết nối online đối với họ có thật sự mang lại niềm vui và thuận tiện như chúng ta nghĩ. Thay vì chỉ hướng dẫn ông bà, bố mẹ cách để vào facebook, zalo,... hãy ngồi xuống kể cho họ nghe về những câu chuyện của bạn. Bởi suy cho cùng, mục đích phần lớn người già sử dụng Internet không phải để tìm kiếm sự giải trí, mà để việc liên lạc và gần gũi với con cháu, người thân được dễ dàng hơn.

Mục đích phần lớn người già sử dụng Internet không phải để tìm kiếm sự giải trí, mà để việc liên lạc và gần gũi với con cháu, người thân được dễ dàng hơn

Mục đích phần lớn người già sử dụng Internet không phải để tìm kiếm sự giải trí, mà để việc liên lạc và gần gũi với con cháu, người thân được dễ dàng hơn

Còn đối với các bạn trẻ, nhiều bạn bị stress tâm lý vì các số liệu của Covid-19, cảm thấy sợ hãi khi có nhiều ca nhiễm tăng lên, tin giả, tin xấu... Theo chuyên gia tâm lý, việc cập nhật tin tức là cần thiết, tuy nhiên bạn không nên đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực.

Thay vì chán nản, than thở, các bạn nên tận dụng cơ hội để làm những việc hữu ích hơn. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới thông qua những lớp học online. Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân.

Hãy tập trung vào những hoạt động nhỏ trong đời sống, để gia tăng niềm vui và sự tự tin vào giá trị bản thân

Hãy tập trung vào những hoạt động nhỏ trong đời sống, để gia tăng niềm vui và sự tự tin vào giá trị bản thân

Bạn cũng có thể tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc, vừa giúp cơ thể khỏe hơn, vui hơn, nâng cao hệ miễn dịch. Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy cũng khuyên các bạn trẻ nên sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng...

Huyền Châu - Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES