Tôn giáo và Tín ngưỡng ở Bali
Điểm quyến rũ đầu tiên của Bali chính là sự nổi bật của tín ngưỡng địa phương, thứ khiến Bali ‘không lẫn vào đâu được’ so với các địa điểm khác tại Xứ Vạn Đảo.
Indonesia chính là quốc gia Hồi giáo lớn nhất hành tinh. Dù nằm ở Đông Nam Á, Indo lại có tới 280 triệu người theo đạo Hồi (chiếm tới 93% tổng dân số). Ấy vậy mà, đảo Bali - trái tim du lịch, hòn ngọc của xứ này lại là thánh địa của Hindu giáo, với hơn 10.000 ngôi đền.
Trước đây, vị trí địa lý đã biến các hòn đảo của Indo trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho những đoàn thương gia Ấn, Trung. Từ đó, một cách rất tự nhiên, người Bali đã thu nhận những triết lý của Hindu giáo từ người Ấn và Phật giáo từ người Trung Hoa. Vài thế kỷ sau, khi giao thông đường biển phát triển hơn, các thương nhân Ả Rập ồ ạt kéo đến đây, họ mang theo niềm tin về thánh Allah đến khu vực này. Tới thế kỷ 17, hầu hết các tiểu quốc ở phía Tây và Bắc của xứ Vạn Đảo đã hoàn toàn theo đạo Hồi.
Về mặt địa lý, nhờ được "che chắn" từ các vùng đảo lân cận, đảo Bali không chịu nhiều ảnh hưởng của làn sóng đạo Hồi, trở thành một vùng khá ‘khép kín’ về văn hoá và không bị đồng hoá với các đảo xung quanh. Hơn nữa, nhờ nằm ngoài tuyến giao thương của Hồi giáo, Bali không chịu ảnh hưởng vì các lãnh đạo của họ không có lý do gì để cải theo đạo Hồi.
Trước đây, các cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á thường có xu hướng đi theo tôn giáo của những người lãnh đạo. Khi đó, những nhà lãnh đạo có chủ trương cải đạo để giúp thúc đẩy giao thương và buôn bán. Thời điểm đó, hệ thống giao thương của người Hồi phát triển mạnh, đem lại lợi ích kinh tế lớn và chào đón bất kỳ ai muốn tham gia. Kết quả là nhiều người đứng đầu tại các cộng đồng ở khu này đều cải theo đạo Hồi.
Cổng trời Bali
Biểu tượng của Hòn đảo Vạn Ngôi Đền (một tên gọi khác của Bali) chính là những cánh cổng trời - The Gate of Heaven, tiếng địa phương gọi là Candi Bentar. Nổi tiếng nhất trong số này đương nhiên chính là Cổng Trời tại Đền Lempuyang, tuy nhiên bạn có thể tìm thấy biểu tượng này gần như khắp mọi nơi ở Bali, từ những ngôi đền nhỏ, đến nhà hàng, khách sạn, hay thậm chí là nhà của người địa phương.
Người Hindu giáo nói chung và cả người Bali tin rằng những ngọn núi là nơi rất linh thiêng, là nơi ở của các Đấng Thần Linh. Do đó, những Candi Bentar này tượng trưng cho những ngọn núi bị xẻ đôi, dẫn lối cho người cõi trần tiến vào đất thiêng, kết nối hai thế giới. Hơn nữa, sự đối xứng của cấu trúc này còn tượng trưng cho những năng lượng đối lập tạo nên sự cân bằng của cuộc sống, như ngày-đêm, thiện-ác, nam-nữ, buồn-vui, và nhiều những cặp khái niệm song song khác nữa.
Con người Bali
Mỗi sáng sớm từ thuở tinh mơ, họ đã dâng lễ vật Canang Sari và thắp hương ở hầu như mọi vị trí của ngôi nhà: nào là đền thờ, xe hơi, xe máy, các cánh cổng ở những bức tường có chức năng chia cách không gian sống khác nhau. Canang Sari đựng trong những chiếc khau nhỏ xinh gồm hoa, bánh kẹo, hương là biểu tượng của lòng biết ơn và lời nguyện cầu bình an gửi đến Thần Hindu – Ida Sang Hyang Widhi Wasa (vị thần tối thượng trong Hindu giáo ở đảo Bali).
Điều thú vị là bạn có thể tìm thấy lễ vật ở khắp mọi nơi, thậm chí là trên vỉa hè và những ngóc ngách tại các ngôi đền cũ.
Tác phong của người Bali “chậm mà chắc”, phần đẹp nhất trên gương mặt họ có lẽ là nụ cười và sự bình thản ở mọi khoảnh khắc trong ngày. Người dân địa phương nơi đây chú trọng sự sạch sẽ và riêng tư ở mọi khoảnh khắc. Họ yêu không gian thoáng đãng và tự nhiên, họ cũng chuộng đồ gỗ, những vật liệu mộc mạc nhưng vẫn duy trì tối đa nét kiến trúc truyền thống trong cách xây dựng nhà cửa.
Khi đến Bali, mình đã dành thời gian ghé thăm những công trình tôn giáo khác, như nhà thờ Công giáo, hay những ngôi chùa Phật giáo, thánh đường Hồi giáo, tất cả đều mang trong mình những dấu ấn rất riêng. Có một điều chắc chắn, họ hết sức hòa thuận và không hề gây khó dễ cho nhau. Rất nhiều người bản xứ đã nói với mình điều này và mình cũng đã cảm nhận rất rõ được điều đó trong những ngày ở đây.
Yêu thiên nhiên
Dù du lịch là thế mạnh và là ngành kinh tế trọng điểm tại Bali, nhưng thiên nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng, và được gìn giữ và bảo tồn như một hơi thở tại hòn đảo này. Người Bali rất yêu thiên nhiên và luôn kết nối với những cánh rừng, những đồng ruộng xanh mát tại đây.
Đi qua Canggu, người ta bắt gặp những đồng lúa xanh mướt triền miên, đây cũng là xứ sở của những lớp học yoga, thiền, nơi những vị khách tứ phương, khiến họ sống chậm hơn, trân trọng lòng biết ơn nhiều hơn và quay về với chính thiên nhiên hoang dã.
Từ bao lâu nay, người Bali theo đạo Hindu đã biết học yoga, nghiên cứu các bản kinh, nghệ thuật, khoa học và học cách sống giản dị, tỷ kỷ luật thanh đạm. Họ rèn giũa những câu nói chân thật, làm việc mà không quên tinh thần Dharma, phục vụ người cao tuổi, kính trọng mẹ cha, sư phụ và khách quý như kính trọng thần thánh.
Câu chuyện của nhân vật nữ chính Liz trong "Ăn, cầu nguyện và yêu" - người đã tìm được tình yêu và hạnh phúc cũng như kết nối lại với bản thân ở tuổi trung niên sau những ngày tháng ở Bali là một niềm cảm hứng tuyệt vời, một minh chứng nổi tiếng cho sự quyến rũ, sự độc đáo và tính nguyên bản của Bali.
Và cuối cùng, trong khi chúng ta vẫn đang mê mẩn tìm hiểu và giải mã hòn đảo này, Bali vẫn ở đó, dang rộng vòng tay chào mời những tâm hồn thích phiêu lưu và muốn được hít thở khí thiêng cũng như tìm về bên trong, kết nối sâu hơn với bản thân cũng như tạo ra gắn kết với thiên nhiên quanh mình.
Về tác giả: Thịnh, một người chuyên viết về địa chính trị và văn hóa, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Thịnh là người kể chuyện bằng hình ảnh theo phong cách phóng sự. Những câu chuyện của tác giả là những chia sẻ rất riêng từ góc nhìn và cảm nhận cá nhân của anh trong những hành trình rong ruổi khắp nơi.