Giải pháp kêu gọi 'du lịch văn minh' cho người Việt

31/03/2016

Sáng ngày 31/3, Cuộc tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và TransViet Travel phối hợp tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo của các đơn vị báo chí truyền thông, đơn vị giáo dục đào tạo và các công ty lữ hành.

Có thể nói văn hóa ứng xử của người Việt Nam đã trở thành vấn đề tưởng chừng là muôn thuở, nhiều đến mức mọi người coi đó là chuyện đương nhiên, kiểu như câu nói bất hủ của GS Hoàng Ngọc Hiến “người Việt mình nó thế”. Những thói tật này chưa thực sự phổ biến nhưng không còn là cá biệt, đang ngày càng làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là khi ra nước ngoài.

Đó là những lỗi cơ bản mà người Việt mắc phải như: mất trật tự nơi công cộng, chen lấn hàng, vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi bị cấm, lãng phí đồ ăn khi ăn buffet, trễ giờ khiến cả đoàn phải đợi, chụp ảnh nơi không được phép, hay những hành vi lớn hơn không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân mà còn là làm xấu hình ảnh quốc gia như: ăn cắp vặt, lợi dụng du lịch để đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài, du lịch trá hình… Điển hình gần đây là vụ việc Singapore cấm nhập cảnh đối với du khách Việt vì không xuất trình được giấy thông hành hoặc hộ chiếu hợp lệ, hay vụ việc 46 du khách Việt bỏ trốn tại đảo Jeju, làm dấy lên mối quan ngại rất lớn của các quốc gia khi mở cửa du lịch, miễn thị thực visa cho người Việt. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều các biển báo nhắc nhở có chữ tiếng Việt bên cạnh tiếng địa phương.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam và Nhà báo – Nguyễn Đức Xuyên – Chủ tich Câu lạc bộ báo chí Du lịch làm chủ tọa buổi tọa đàm

Trong những hành vị không đẹp ấy, có những hành vi thuộc về sự giáo dục, thói quen, song cũng có nhiều hành vi là thiếu hiểu biết, thiếu sự tư vấn, hướng dẫn nên người Việt vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà. Điều này không đáng trách, bởi chưa có những quy định tối thiểu dành cho khách. Trong chương trình đào tạo của ngành cũng không có nội dung này. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức thực hiện, ngành du lịch, những đơn vị du lịch, sẽ tìm cách để cải thiện và nâng cao văn hóa ứng xử của du khách.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Buổi Tọa đàm nhận được sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các Nhà báo, Trường Đại học có đào tạo nghiệp vụ du lịch và các Công ty du lịch lớn

Ngành du lịch đã có những bước đi đầu tiên trong việc "nhận trách nhiệm" và thực hiện tuyên truyền, đưa ra dự thảo quy tắc ứng xử cho du khách Việt với sự nhất trí cao của các đơn vị truyền thông, báo chí và các doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch như: công ty TransViet Travel, công ty Dã ngoại Lửa Việt, công ty HanoiRedtours.

Dự thảo bộ quy tắc khá đầy đủ và chi tiết về từng hành vi, cử chỉ của du khách từ hành vi cần xây dựng (nói lời hay, cử chỉ đẹp; xếp hàng, đi đứng trật tự; ngồi đúng chỗ; luôn luôn đúng giờ; chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh; hạn chế hút thuốc lá nơi công cộng; cư xử đúng mực và lịch sự; ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai trong mọi trường hợp; quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, yêu thương mọi người), cho đến ứng xử với môi trường (bảo tồn các loài động vật hoang dã; bảo vệ rừng và sản vật từ rừng; bỏ rác đúng cách, đúng nơi quy định, bảo vệ nguồn nước, không khí, giữ gìn những không gian xanh công cộng; hạn chế tiếng ồn, vui chơi giải trí lành mạnh).

 

 

Để cải thiện cách ứng xử chưa đẹp của người  Việt, nhằm nâng cao hình ảnh du khách Việt là cả một quá trình và cần sự chung tay vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan trong đó đặc biệt là đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, và truyền thông. Ở góc độ doanh nghiệp, vai trò của người trực tiếp giao dịch với khách của hướng dẫn viên, nhân viên bán tour và điều hành tour rất quan trọng trong doanh nghiệp. Hiện nay cũng đã có những doanh nghiệp du lịch như công ty TransViet Travel, đã tiên phong trong việc tự nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử của riêng mình cho du khách và tuyên truyền, phổ biến tới du khách của mình, đặt nền móng đầu tiên cho việc nâng cao ý thức văn minh du lịch của người Việt. Bộ quy tắc với đề cập đầy đủ tới những vấn đề: Cư xử văn minh, Tuân thủ pháp luật và Du lịch có hiểu biết; với những điều nên và không nên làm của du khách khi đi du lịch. Những tờ rơi này đã được TransViet Travel phát cho tất cả du khách của mình. Đồng thời một chiến dịch tuyên truyền về văn minh du lịch đã được TransViet Travel thực hiện tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ tháng 2/2016, theo đó yêu cầu Hướng dẫn viên phải nhắc nhở du khách trước và trong quá trình đi tour. Bên cạnh đó , TransViet Travel cũng tham gia viết bài tuyên truyền văn minh du lịch trên các báo và mạng xã hội. Gần đây nhất là hoạt động tuyên truyền về văn minh du lịch tại Hội chợ “Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh” diễn ra từ 24-27/3 vừa qua.

TransViet Travel tuyên truyền Du lịch văn minh tại Nhà hát lớn Hà Nội – nơi tập trung nhiều du khách chuẩn bị đi du lịch

"Trong thời gian tới, Công ty du lịch TransViet Travel sẽ tích cực triển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền cho khách thực hiện văn minh du lịch như thực hiện diễu hành đường phố cổ động cho văn minh du lịch; tham gia cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” tại Hội chợ VITM 2016; xây dựng trang facebook/website chủ đề “Nâng cao hình ảnh du khách Việt; đào tạo cho HDV cách tuyên truyền, nhắc nhở khách thực hiện văn minh du lịch. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng của du khách, các công ty du lịch, cơ quan quản lý, đào tạo và truyền thông để chúng ta có thể xây dựng văn minh du lịch - tự hào là người Việt khi đi du lịch trong và ngoài nước”, Phó giám đốc TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.

Theo ông Vũ Quốc Trí – Giám đốc Dự án Du lịch có trách nhiệm EU-ESRT cũng chia sẻ tại hội nghị: "Trong hội chợ VITM sắp tới, ngành du lịch sẽ phát động chiến dịch để nâng cao ý thức của người Việt khi đi du lịch. Với dự án EU-ESRT, chúng tôi đã triển khai bộ quy tắc ứng xử, tất cả các nước thành viên nên sử dụng, đảm bảo tính bền vững, không phá hoại môi trường, văn hóa, đồng thời có thể kết hợp in bộ quy tắc ứng xử vào tấm bản đồ cho du khách".  

 

RELATED ARTICLES