Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến việc du lịch nước ngoài của nhiều người Nga trở nên phức tạp. Nhiều chuyến du lịch đã bị hủy từ cuối tháng 2 đến tháng 3 năm nay, do các chuyến bay bị hạn chế và lo ngại vấn đề thanh toán khi ra nước ngoài, cũng như biến động tỷ giá của đồng rúp.
Tuy nhiên đến tháng 5, những người Nga giàu có đã khôi phục các kế hoạch du lịch, chủ yếu tới Maldives, Mauritius và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây thường là những vị khách có sức chi tiêu cao và sử dụng dịch vụ sang trọng. Bà Olga Smyschlaeva từ công ty Wanderlust Travel Studio (Nga) cho biết các khách sạn sang trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ hay ven biển Aegea luôn chật kín khách Nga, và có vẻ như "mọi người đã quen với thực tế mới và bắt đầu thích nghi".
Ngay cả khi các chuyến bay trực tiếp từ Nga đến châu Âu bị đình chỉ, nhiều du khách Nga vẫn có cách để đến Hy Lạp, Italy hoặc xa hơn là Pháp và Tây Ban Nha. Những du khách này không ngại chi trả cho việc "đi đường vòng" qua Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia hoặc Phần Lan. Tiêu biểu là sân bay ở Helsinki (Phần Lan) gần đây luôn tấp nập du khách Nga. Họ đến Helsinki bằng đường bộ và tận dụng các chuyến bay từ thủ đô của Phần Lan đi các nước châu Âu.
Ngoài châu Âu, mối quan tâm của du khách Nga về châu Phi và châu Mỹ Latin cũng đang tăng lên. Các chuyến bay thẳng từ Nga đến quốc đảo Seychelles ở Đông Phi sẽ được nối lại từ tháng 10, khiến nhu cầu du lịch tăng cao dù giá vé không hề rẻ. Từ tháng 4 năm nay, Ai Cập đã đón khách Nga trở lại thành phố Hurghada và Sharm El-Sheikh.
“Nhu cầu cho các kỳ nghỉ ở Hurghada và Sharm El-Sheikh với đường bay thẳng cao hơn dự kiến. Các chuyến bay đầu tiên sau ngày 3/9 đã hết sạch vé, du khách đang tích cực mua tour du lịch cho mùa thu, kể cả tháng 11 và đầu năm 2023”, đại diện công ty lữ hành Coral Travel tại Nga cho biết.
Theo lý giải của công ty du lịch Nga, nhu cầu du lịch châu Phi tăng cao vì chi phí đi đường vòng từ Nga đến châu Âu cũng đắt như bay thẳng đến Nam Phi. Tuy nhiên đây không phải là trở ngại, khi những người Nga giàu có sẵn sàng chi trả vì họ "muốn bù đắp lại khoảng thời gian đã mất". Và dù việc giao dịch và thanh toán quốc tế của du khách Nga vẫn rất phức tạp, nhưng không phải là không thể.
Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới vẫn rất nhớ khách Nga, từ Nha Trang (Việt Nam), Phuket (Thái Lan), Côte d’Azur (Pháp) hay Varadero (Cuba). Đảo Síp, nơi du lịch và dịch vụ chiếm tới 80% nền kinh tế, có thể mất tới 2% GDP hàng năm nếu thiếu khách Nga và Ukraine. Trước đại dịch Covid-19, khách Nga là những người chi tiêu cho du lịch lớn thứ 7 trên thế giới, khoảng 36 tỷ USD mỗi năm.
Trước đó, nhiều quốc gia như Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Latvia và Litva đã đưa ra ý tưởng áp đặt hạn chế cứng rắn đối với thị thực đi lại và làm việc cho công dân Nga. Estonia cũng là quốc gia đầu tiên ban bố lệnh hạn chế thị thực đối với công dân Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng phản đối quyết định này. Hy Lạp và Cộng hòa Síp cũng có quan điểm tương tự.
Cộng hòa Síp, nơi có khoảng 50.000 người nước ngoài nói tiếng Nga, chủ yếu sống ở Limassol. Du khách Nga hiện chiếm 25% tổng lượng khách du lịch đến hòn đảo này trước xung đột Nga-Ukraine. Đại diện Bộ Ngoại giao Cộng hòa Síp cho biết, sự thống nhất của châu Âu chính là vũ khí quan trọng nhất và tất cả đối tác của Cộng hòa Síp cần tôn trọng sự nhạy cảm về vấn đề này.
Trong khi đó, Hy Lạp chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 177% trong tháng 7 về lượng khách đến bằng đường hàng không từ Thổ Nhĩ Kỳ so với năm 2019. Đây cũng là năm du lịch kỷ lục của Hy Lạp kể từ sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nước này cũng ghi nhận sự gia tăng lượng du khách đến từ Serbia, trong đó nhiều người là công dân Nga, ước tính khoảng hơn 200%. Giới chức Hy Lạp cho biết nước này sẽ không xem xét việc thay đổi tình trạng thị thực Nga cũng như áp đặt các hạn chế theo đề xuất.